Nông dân Hà Tĩnh đầu tư tiền tỷ nuôi tôm công nghệ cao

Thời gian qua, nhiều người dân Hà Tĩnh đã mạnh dạn chuyển hướng, áp dụng nuôi tôm thâm canh công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích.

Hình thức nuôi tôm 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ vi sinh trong bể tròn nổi có mái che đang được nhiều người nuôi tại Hà Tĩnh lựa chọn để đầu tư. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Vụ tôm xuân hè 2023, trên diện tích hơn 1,2 ha, mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao của anh Nguyễn Viết Khánh (xã Đan Trường, Nghi Xuân) cho sản lượng đạt hơn 12 tấn/ha/vụ, lợi nhuận trên 650 triệu đồng.

Được biết, từ cuối năm 2022, anh Khánh đã đầu tư hàng tỷ đồng để thực hiện cải tạo ao đầm, xây dựng hệ thống bể tròn nổi có mái che để tiến hành nuôi tôm 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ vi sinh. Với hình thức mới này, môi trường trong từng giai đoạn nuôi ít biến động, ngăn ngừa dịch bệnh, hạn chế tối đa ô nhiễm.

Anh Nguyễn Viết Khánh cho biết: “Ở giai đoạn đầu, tôm được nuôi với mật độ dày trong ao dưỡng. Khi tôm đã phát triển, cứ 20 ngày, tôi lại tiến hành tách đàn, san tôm ra các ao nuôi khác để đảm bảo mật độ, môi trường phát triển. Chúng tôi sử dụng các chế phẩm vi sinh nên chất lượng tôm đảm bảo, xử lý tốt nguồn nước trong khi nuôi, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường”.

Còn tại huyện Lộc Hà, khoảng 2 năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn, 3 giai đoạn đã được một số hộ dân áp dụng có hiệu quả. Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Hồng Anh (xã Hộ Độ) là một trong những doanh nghiệp mạnh dạn đi tiên phong, đầu tư hàng chục tỷ đồng để triển khai xây dựng hệ thống ao hồ hiện đại, có thể thả giống 1,5 triệu con/lứa. Hiện nay, công ty đã có 4 hồ nuôi khép kín trong nhà, có hệ thống xử lý nước cấp diệt khuẩn, xử lý nước thải đạt chuẩn, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Hồng Anh (Lộc Hà) thu hoạch tôm với kích cỡ 40 con/kg sau gần 100 ngày thả giống. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Ông Hoàng Hải Đường – Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết: “Mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh công nghệ cao, nhất là nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, nuôi tôm trong nhà thuận lợi trong việc chăm sóc, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường nước, nhiệt độ, thức ăn nên tôm nuôi phát triển tốt, ít dịch bệnh. Đến nay, toàn xã hiện có gần 80 ha nuôi tôm, trong đó, 4 mô hình thâm canh theo công nghệ cao với diện tích trên 10 ha”.

Cùng với sự đầu tư của người dân, doanh nghiệp, các địa phương cũng đang có những chính sách khuyến khích, “tiếp sức” để phát triển nuôi tôm theo hướng thâm canh, công nghệ cao như TP Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh…

Nhằm tận dụng lợi thế của địa phương về nuôi trồng thủy sản, phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, đa giá trị, TP Hà Tĩnh ưu tiên thử nghiệm, hỗ trợ triển khai nhân rộng các mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn tại vùng nuôi Đồng Ghè.

Ông Trần Quang Hưng – Trưởng phòng Kinh tế TP Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2022, TP Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 54/NQ-HĐND về một số cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn giai đoạn 2023 – 2025.

Theo đó, địa phương sẽ tập trung khuyến khích người dân phát triển nuôi trồng thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao bằng việc hướng dẫn tham gia liên kết, trở thành thành viên các HTX, đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng (đào ao, lót bạt, đắp bờ, làm nhà màng…); ưu tiên cải tạo môi trường để nuôi trồng theo hướng VietGAP, hữu cơ; cho vay vốn theo chính sách ưu tiên… Đến nay, thành phố đã có hơn 5 ha nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ vi sinh cho hiệu quả kinh tế cao, trở thành động lực để tiếp tục xây dựng các mô hình trong thời gian tới”.

Được biết, trước đây, nuôi tôm thâm canh công nghệ cao chỉ áp dụng tại các vùng nuôi trên cát, có điều kiện thuận lợi như: huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân… thì hiện nay, ở những vùng nuôi bằng ao đất, các chủ ao đầm ở xã Mai Phụ, Hộ Độ (Lộc Hà); xã Kỳ Hà, Kỳ Thư (Kỳ Anh)… cũng đã mạnh dạn áp dụng, triển khai các công nghệ mới.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy – Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục thủy sản Hà Tĩnh) cho biết: “Trước nhu cầu mới của thị trường, những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư hạ tầng cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản, nhất là các dự án nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao như nuôi 2, 3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn, nuôi trong nhà… để đảm bảo tôm phát triển tốt.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 40 cơ sở nuôi có bể ương gièo (có mái che) với số lượng 320 bể, thể tích trên 90.000 m3 đáp ứng điều kiện cho nuôi tôm thâm canh. Đây được xác định là hướng đi mới, phù hợp trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, liên kết sản xuất”.

Cũng theo bà Thúy, để phát triển các dự án nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao, ngoài việc đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và tập huấn kỹ thuật, tỉnh và chính quyền các địa phương cần có chính sách hỗ trợ về vay vốn, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư, giúp các hộ dân mở rộng quy mô sản xuất và tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm để đảm bảo tính bền vững.

Thái Oanh – Ngọc Loan

Nguồn: Baohatinh.vn

Tin mới nhất

T2,25/11/2024