Câu chuyện bên những ao tôm khiến người dân chùn tay, không dám thả nuôi tiếp

Chỉ trong vòng 2 tháng nay, giá tôm ở hầu hết các kích cỡ đã giảm khoảng 40%, khiến tất cả các mắt xích trong chuỗi giá trị con tôm đều lâm vào thế khó. Nhiều diện tích nuôi tôm đã được tạm ngưng thả giống để chờ giá lên.

Câu chuyện giá tôm, hay xa hơn là chuyện của cả ngành tôm ngày càng trở nên thời sự hơn từ khi bước vào quý II năm nay. Ảnh: Tép Bạc

Bao giờ giá tôm lên và lên đến mức độ nào vẫn chưa có ai dám trả lời một cách chắc chắn, trong khi thời gian dành cho mùa vụ thì cứ lặng lẽ trôi đi.

Câu chuyện giá tôm, hay xa hơn là chuyện của cả ngành tôm ngày càng trở nên thời sự hơn từ khi bước vào quý II năm nay. Dù đã được dự báo từ sớm và không thể tránh khỏi nhưng tất cả các mắt xích trong chuỗi giá trị con tôm vẫn thấy sốc, nhất là người nuôi.

Không sốc sao được khi giá tôm liên tiếp lập đỉnh trong 3 tháng đầu năm đem lại nguồn lợi nhuận không thể tốt hơn cho những hộ thả nuôi sớm, nhưng sau đó quay đầu giảm mạnh liên tục, không những lấy đi hết lợi nhuận mà còn ăn vào phần vốn của những hộ thu hoạch tôm từ nửa cuối tháng 4 đến nay. Vậy là người nuôi chùn tay, ngưng thả; nhà sản xuất giống phải tăng cường khuyến mãi, giảm giá; nhà chế biến xuất khẩu canh cánh nỗi lo thiếu nguyên liệu cho cao điểm sản xuất từ giữa quý III.

Nếu như mọi năm, khi tôm nuôi về kích cỡ 40 con/kg thì người nuôi đã có thể… nhịp giò nghĩ tới chuyện nên gửi tiền ở ngân hàng nào vì chắc chắn thu hoạch đã có lãi khá. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giá tôm thẻ cỡ 40 con/kg chỉ hơn 100.000 đồng/kg thì người nuôi có mức lãi rất thấp, thậm chí là chỉ hòa vốn. Thực tế trên khiến người nuôi tôm không khỏi chua chát thốt lên: “Bán 1kg tôm giờ không mua được 1kg cá chốt hay lòng tong”.

Nguyên nhân giá tôm giảm mạnh trong suốt 2 tháng qua chủ yếu là do lạm phát, suy thoái toàn cầu khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu dẫn đến tồn kho lớn tại các thị trường chính của con tôm Việt Nam. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh từ tôm giá rẻ, số lượng lớn từ Ecuador, Ấn Độ khiến giá tôm chẳng những không thể hồi phục mà ngày càng có xu hướng đi xuống.

Vậy, giá tôm thời gian tới có tăng lên hay không, khi nào tăng và mức tăng khoảng bao nhiêu…? Đây chính là câu hỏi mà hầu hết người nuôi tôm đặt ra, nhưng có điều họ sẽ chẳng bao giờ nhận được câu trả lời cụ thể, chắc chắn về những vấn đề trên.

Giá tôm cỡ lớn vẫn duy trì mức khá cao, giúp người nuôi có lợi nhuận khá. Ảnh: TÍCH CHU

Riêng những người có điều kiện nuôi tôm lót bạt 2 – 3 giai đoạn thì họ chẳng bao giờ chờ mà chuyển hướng sang nuôi tôm kích cỡ lớn để đảm bảo mức lợi nhuận chấp nhận được vì giá tôm cỡ lớn hiện vẫn còn ở mức khá.

Theo mức giá được các doanh nghiệp, đại lý thu mua công bố những ngày qua thì giá tôm tại Sóc Trăng loại 20 – 25 con/kg rất ít biến động. Cụ thể, tôm thẻ loại 20 con/kg có giá bình quân khoảng 195.000 – 200.000 đồng/kg, còn tôm thẻ loại 25 con/kg giá 140.000 – 145.000 đồng/kg.

Với mức giá trên, nếu nuôi đạt cả năng suất lẫn chỉ số FCR (chỉ số tiêu thụ thức ăn cho 1kg tôm thương phẩm) thì người nuôi vẫn có lợi nhuận khá.

Tuy nhiên, số hộ có đủ điều kiện nuôi theo mô hình lót bạt 2 – 3 giai đoạn như trên hiện chiếm tỷ lệ rất ít, nên câu chuyện giá tôm vẫn là vấn đề nóng bỏng được đa số người nuôi tôm quan tâm.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm lớn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đến hết tháng 5, tồn kho tại các hệ thống phân phối lớn trên thế giới đã giảm đáng kể và các đơn hàng giao trong quý III cũng đã được các hệ thống này ký kết với các doanh nghiệp.

Dù không thể công bố cụ thể mức giá trong hợp đồng nhưng theo các doanh nghiệp là không cao so với những năm trước, ngoại trừ giá tôm cỡ 20 – 25 con/kg. Cũng có một thông tin hay chính xác hơn là một tín hiệu khả quan là từ tháng 8 trở đi, giá tôm gần như chắc chắn sẽ được phục hồi, nhưng mức độ phục hồi đến đâu còn tùy vào nhiều yếu tố khách quan khác nữa.

Như vậy có thể thấy, đối với những diện tích chuẩn bị thả tôm hoặc đang có tôm, áp lực về giá bán sẽ được vơi đi phần nào, nhưng khó khăn thì vẫn chưa hết bởi thời tiết đang vào mùa mưa bão, việc chăm sóc tôm sẽ vất vả hơn, tỷ lệ thành công cũng kém hơn so với những lứa tôm nuôi vào đầu năm.

Do đó, người nuôi tôm nên cân nhắc chọn cho mình một mô hình, mật độ nuôi hợp lý và nên nghĩ đến chuyện làm cách nào để nuôi tôm thành công, đạt năng suất, chất lượng, giá thành phù hợp trước khi nghĩ đến giá bán lúc thu hoạch. Đó cũng là cách để có thể vượt qua một mùa vụ khó, có thêm động lực và nguồn vốn để hướng đến mục tiêu cao hơn trong những vụ nuôi tiếp theo.

Tích Chu

Báo Sóc Trăng

Tin mới nhất

T6,22/11/2024