Trồng lúa hữu cơ ai ngờ trúng thêm tôm đồng

Chỉ trong hơn 2 năm, HTX Ðoàn Phát, xã Trí Lực (Thới Bình, Cà Mau), đã liên tục mở rộng diện tích lúa sạch từ 150 ha lên 300 ha, sản phẩm gạo ST24 nhãn hiệu Gạo Từ Tâm của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, mang lại giá trị cao cho nông dân.

HTX Đoàn Phát là đơn vị được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Lúa sạch Thới Bình”, đến nay đang đóng vai trò là một trong những đơn vị đầu tàu trong hỗ trợ nông dân, liên kết với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn.

Hiệu quả từ cây lúa, con tôm

Đến nay, HTX đã có trên 50 ha lúa được công nhận sản xuất chuẩn hữu cơ. Các giống lúa canh tác hữu cơ chủ yếu: ST24, ST25, OM2517…, năng suất đạt từ 4,6-4,9 tấn/ha và được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 1.000 – 1.500 đồng/kg.

Đáng chú ý, hiệu quả của HTX Đoàn Phát cùng HTX lúa tôm Trí Lực chính là một trong những yếu tố giúp xã Trí Lực trở thành điểm sáng trong sản xuất lúa – tôm hiệu quả cao trên địa bàn huyện Thới Bình.

Kể từ năm 2020 đến nay, chuỗi liên kết giữa các HTX và doanh nghiệp đã hỗ trợ hơn 250 hộ dân trong và ngoài địa bàn xã, với diện tích gần 565 ha sản xuất tôm – lúa đạt Chứng nhận quốc tế ASC. Với chứng nhận này, con tôm và hạt gạo xuất khẩu được vào các thị trường tiêu thụ “khó tính”.

Mua hình lúa – tôm đang góp phần cải thiện thu nhập, làm giàu cho nhiều nông dân ở Thới Bình, Cà Mau (Ảnh: Hữu Tùng).

Bà Trương Thị Kiều Diễm, thành viên HTX lúa tôm Trí Lực, cho hay gia đình bà có 4 ha đất, trước đây chủ yếu canh tác mía, thị trường bấp bênh, thương lái ép giá nên thu nhập không cao, cuộc sống rất khó khăn.

Từ khi tham gia vào HTX, thấy lợi ích của mô hình tôm – lúa, bà Diễm mạnh dạn chuyển đổi. Nhờ được hỗ trợ toàn diện từ đầu vào đến đầu ra, hiện mỗi ha tôm lúa của gia đình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Đây là số tiền “không tưởng” khi còn canh tác mía.

Không chỉ ở xã Trí Lực, các HTX, tổ hợp tác đang phát triển rất mạnh trên địa bàn huyện Thới Bình, tạo nên những dấu ấn đậm nét, hiệu quả với mô hình lúa – tôm chủ lực.

Theo thống kê, tính đến hết quý I/2023, huyện có 30 HTX đang hoạt động, với 372 thành viên. Ngoài ra, địa phương hiện có 78 tổ hợp tác, 924 thành viên. Các mô hình kinh tế hợp tác góp phần tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong đó nổi bật là mô hình lúa – tôm.

Đi tìm “chìa khóa” thành công

Nhờ áp dụng hiệu quả các giải pháp khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa bình quân trong mô hình tôm – lúa trên địa bàn huyện Thới Bình tăng từ 3,8 tấn/ha năm 2013 lên 4,7 tấn/ha vào năm 2022.

Riêng năng suất tôm trong mô hình tôm – lúa đạt 250-300 kg/ha, tăng hơn 50-100 kg/ha so với nuôi quảng canh truyền thống. Qua thống kê giai đoạn 2012-2022, thu nhập bình quân của mô hình sản xuất tôm – lúa trên địa bàn huyện đạt trên 65 triệu đồng/ha/năm, cao hơn mô hình chuyên lúa 2-3 lần.

Ngoài ra, các hộ nông dân trên địa bàn huyện còn có thêm nguồn thu nhập 5-10 triệu đồng/ha/năm khi thả nuôi ghép thêm cua, cá rô phi…

Ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết để có được những thành công hiện tại, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã đẩy mạnh hướng dẫn người dân tham gia sản xuất lúa sạch, lúa an toàn, lúa hữu cơ.

Ðồng thời, tạo cơ chế, khuyến khích HTX, doanh nghiệp tham gia xây dựng mô hình sản xuất liên kết tiêu thụ lúa hữu cơ. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, huyện đã triển khai thực hiện thành công 370 ha lúa sản xuất hữu cơ/hướng hữu cơ, trong đó có 169 ha lúa đạt chứng nhận hữu cơ, gồm HTX lúa – tôm Trí Lực (xã Trí Lực) 69 ha, HTX Ðoàn Phát (xã Trí Lực) 50 ha, HTX Ðông Xuân (xã Tân Lộc Bắc) 50 ha.

Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân, tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp. Riêng năm 2022, huyện đã có 21 công ty, HTX tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa (chủ yếu trên đất lúa – tôm).

Tổng diện tích sản xuất lúa tham gia liên kết trên địa bàn huyện đạt trên 2.208 ha, sản lượng đạt trên 10.378 tấn, góp phần ổn định đầu ra và nâng cao thu nhập cho người dân trong mô hình.

Ông Nguyễn Văn Trí, HTX Tân Tiến, xã Tân Phú, cho hay khi tham gia HTX, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã giúp ích cho người nông dân trong sản xuất, từ việc lựa chọn giống, cây trồng, thời vụ đến khoa học – kỹ thuật và cả đầu ra cũng được bao tiêu.

“Làm nông ngày nay rất thuận tiện vì đã có sự kiên kết chặt chẽ, cũng như hỗ trợ từ ngành chức năng. Riêng gia đình tôi, hơn 2 ha lúa cho thu nhập mỗi vụ ổn định hơn 60 triệu đồng. Ðặc biệt là không còn cảnh chạy đôn chạy đáo kiếm người mua vào những mùa thu hoạch như trước”, ông Trí bộc bạch.

Với những thành công đang có, năm 2023, huyện phấn đấu thành lập mới 2 HTX trở lên, mỗi xã, thị trấn thành lập, củng cố ít nhất 2 tổ hợp tác sản xuất hoạt động có hiệu quả. Tiếp tục duy trì, củng cố 12 chuỗi liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa đã có, đồng thời xây dựng mới 2 chuỗi liên kết. Duy trì, củng cố 1 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tôm sú đạt chứng nhận ASC Group đã có. Tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên 700 ha…

Lệ Chi

Vnbusiness.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024