Hiệu quả mô hình Biofloc trong nuôi tôm

Dự án “Phát triển quy trình sản xuất giống tôm sú (Penaeus monodon) theo công nghệ Biofloc tại tỉnh Cà Mau” được thực hiện từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021 và gia hạn đến tháng 7/2022, do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai tại 3 huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn và Phú Tân đã mang lại kết quả rất khả quan.

Mô hình đã được thử nghiệm tại 6 cơ sở. Tham quan quy trình sản xuất giống tôm sú theo công nghệ Biofloc của ông Bùi Kim Luyến, Giám đốc Công ty Thuỷ sản Thảo Nguyên (ấp Chống Mỹ, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn), mới thật sự mãn nhãn. Ông Luyến quê gốc Ðà Nẵng, vào Cà Mau năm 1984 nhưng tới tận năm 2011 mới bắt đầu “bén duyên“ với nghề ương tôm giống này.

Ông Luyến cho biết: “Trước đây tôi làm nghề thu mua tôm từ các cơ sở thu mua trong và ngoài huyện để sang lại cho các công ty lớn, nhưng hễ có đợt tôm nào nhỏ thì phía đối tác bảo: “Tôm này ở miệt Năm Căn”, nghe cũng buồn. Với mong muốn nâng tầm giá trị của con tôm và nâng sản lượng cho người nuôi nên khi nghe được hỗ trợ kỹ thuật chuyển giao khoa học nuôi truyền thống sang nuôi công nghệ Biofloc, tôi mạnh dạn đăng ký. Bước đầu đã mang lại kết quả khả quan”.

Theo anh Bùi Văn Phong, Quản lý kỹ thuật của Công ty Thuỷ sản Thảo Nguyên, cho biết: “Loc được làm từ mật đường, đường cát trộn với men vi sinh sau đó mang đi ủ từ 9-12 giờ kiểm tra xem chúng lên men chưa, rồi đợi tới 24 giờ sau mới đưa vào bể cho tôm ăn. Loc này mắt thường khó nhìn thấy lắm, mỗi lần kiểm tra phải đợi nước lắng, dùng kính lúp nhìn mới thấy rõ được. Từ đó, xem lượng thức ăn trong bể nhiều hay ít mới bổ sung vào cho phù hợp”.

Kỹ sư kiểm tra Loc trong bể để xem lượng thức ăn có đủ cung cấp cho tôm hay không.

Cũng theo anh Phong, nuôi tôm bằng công nghệ Biofloc năng suất đạt khá cao, nâng tỷ lệ con giống từ 10-20%; giảm chi phí thức ăn; hạn chế được công đoạn thay nước; nâng tỷ lệ tôm sống và đặc biệt là cho ra sản phẩm tôm giống chất lượng, đáp ứng được nhu cầu nuôi của người dân.

“Quy trình nuôi theo công nghệ Biofloc thuận lợi hơn nhiều so với nuôi truyền thống. Với cách nuôi truyền thống, con tôm bị vướng bình MBB (còi) làm cho con tôm chậm phát triển, đôi khi bị chai. Còn theo công nghệ Biofloc thì không có, tôm phát triển rất nhanh và đúng thời gian”, anh Phong đánh giá.

Nhìn nhận về kết quả đạt được từ dự án, ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, phấn khởi: “Dự án phát triển quy trình sản xuất giống tôm sú theo công nghệ Biofloc tại Cà Mau thành công góp phần nâng cao năng suất và chất lượng tôm giống trong tỉnh, phục vụ cho các ao nuôi tôm thâm canh, cung cấp cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người dân, từ đó từng bước đưa giá thành tôm giống trong tỉnh lên bằng với các vùng khác trong cả nước”.

Qua kết quả từ các cơ sở thử nghiệm cho thấy, mật độ ương tôm sú trung bình 159 con/lít, dao động từ 143-177 con/lít. Chiều dài tôm PL12 trung bình khoảng 1,14 cm, dao động từ 1,13-1,17 cm. Tỷ lệ sống của tôm PL12 trung bình 77,8%, dao động từ 73,4%-83,5%. Năng suất tôm PL12 trung bình 123.370 con/m3, dao động từ 109.921 con/m3 đến 140.873 con/m3. Sản lượng tôm PL12 trung bình đạt 14,6 triệu con/cơ sở, dao động từ 11,8-17,8 triệu con/cơ sở.

Hiện cơ sở của ông Luyến có 420 bể ương con giống, đảm bảo nguồn giống không chỉ cung cấp trong tỉnh mà nhiều tỉnh lân cận trong khu vực ÐBSCL như: Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… Trong giai đoạn nhiều trại giống bị “đóng băng” vì không được đầu tư, con giống kém chất lượng thì các cơ sở với quy trình sản xuất giống tôm sú theo công nghệ Biofloc lại đáp ứng đủ nguồn cung quanh năm cho các hộ nuôi. Từ đó, đảm bảo không thiếu nguồn cung về con giống cho nông dân trên địa bàn tỉnh.


Mỗi một ngăn là một trại, mỗi trại có 16 bể bên trong, hoạt động xuyên suốt đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

“Ngay từ khi sản xuất, tôi chọn chất lượng là mục tiêu để hướng tới, đặt lợi ích của người nuôi lên hàng đầu. Công ty chúng tôi không vì giá thành mà bán ra nguồn giống không chất lượng, vì đây là uy tín lâu dài. Ðiều đáng vui mừng là trong những năm trở lại đây, người dân trong tỉnh tin dùng hàng nội địa lắm. Vì nếu bắt tôm giống tại địa phương thì nhẹ được khâu thuần tôm, tôm đã quen môi trường nên khả năng sống rất cao, năng suất lại cao”, ông Luyến chia sẻ.

Dù quy mô đã lớn nhưng xét thấy thị trường tiêu thụ còn dồi dào nên ông Luyến quyết định mở thêm 150 bể để tăng lượng con giống ra thị trường. “Từ tháng 8-12 âm lịch là người dân vào vụ tôm chính, lượng tôm giống xuất ra khoảng 200-300 triệu con, có khi nhiều hơn. Hiện công ty có 2 giống: tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Mặc dù được ương theo công nghệ mới nhưng giá thành không cao so với thị trường, khả năng sống của tôm lại rất cao nên rất được người nuôi ưa chuộng”, ông Luyến cho biết thêm.

Quy trình sản xuất tôm sú giống theo công nghệ Biofloc giúp nâng cao chất lượng con giống theo hướng an toàn sinh học, góp phần tích cực vào đề án sản xuất giống chất lượng cao của tỉnh, không chỉ đưa chất lượng con giống xứng tầm với các nước trong khu vực, mà từng bước khẳng định thương hiệu của chính mình.

Ông Luyến cười mãn nguyện: “Từ nay không còn bị chê tôm nhỏ như tôm Năm Căn nữa rồi nghen!”./.

Kim Cương

Nguồn tin: Báo Cà Mau,

Tin mới nhất

T6,22/11/2024