Một vòng tròn đi xuống!

Mấy tuần qua, chuyện ồn ào trong ngành tôm chợt như gia tăng cường độ lẫn sự việc được quan tâm lẫn lo lắng!

Cụ thể, chuyện ồn ào từ cuối năm trước là giá tôm tiêu thụ giảm, sức mua các thị trường lớn trên thế giới chậm. Từ đầu vụ nuôi đầu năm nay, thêm ồn ào là tôm nuôi bị bệnh tấn công khá “toàn diện” khiến tôm chậm lớn và bị thiệt hại đầu con. Gần đây nhất là giá tôm thương phẩm giảm giá hàng ngày, thậm chí có ngày giảm tới ba lần! Và tất cả các yếu tố tiêu cực này đang có sự cộng hưởng nên sự ồn ào trong ngành tôm trở thành thời sự, khiến các bên tham gia chuỗi giá trị con tôm đều như ngồi trên đống lửa, chưa biết cách nào mà lần!

Theo thông tin, tồn kho các thị trường lớn tuy có giảm nhưng không mạnh. Các đầu mối nhập khẩu, phân phối phải bán giá thấp để nhanh chóng quay vòng vốn. Đây là một yếu tố tác động không nhỏ làm giá tiêu thụ giảm. Từ đầu quý 2 vừa qua, tôm các nước nuôi ở Nam bán cầu như Ecuador, Indonesia vào vụ sớm, chào hàng sớm như thông lệ, tạo thêm áp lực sức cung khiến gia tăng cường độ giảm giá bán. Phía chúng ta, do tiêu thụ ở quý năm rồi không như kế hoạch khiến hàng tồn kho còn cũng không ít, cũng cần quay vòng vốn nên cũng bị áp lực bán hàng bằng mọi giá.

Cũng có một ít doanh nghiệp (DN) do cách nhìn của mình, chọn giải pháp nhập khẩu tôm block giá rẻ để tăng sức cạnh tranh, nhưng hoàn cảnh chung này, giá rẻ không còn rẻ! Các DN tôm dù tồn kho nhưng vẫn cần một lượng tôm thương phẩm hàng ngày để phối hợp hàng tồn kho nhằm dễ tiêu thụ vì đầy đủ cỡ kích hơn. Nhưng tình hình trên, giá tôm thế giới giảm kéo dài ngoài dự kiến, khiến các DN chúng ta đành phải giảm giá mua tôm thương phẩm nhằm hạn chế thiệt hại, nhằm cố gắng duy trì nhịp thở của DN để kỳ vọng vượt qua khó khăn.

Trở lại việc nuôi tôm đang gặp khó. Khó khăn đầu tiên là tôm nhiễm bệnh sớm. Nhiều phân tích cho thấy, khác trước đây, tôm có thể nhiễm bệnh từ tôm bố mẹ. Từ đó làm giảm tỉ lệ nuôi thành công, người nuôi chùng tay thả giống. Liền ngay sau đó, giá tôm thương phẩm giảm giá mạnh liên tục, có thể đã tới mức 30%, nghĩa là vượt qua mức lãi nếu nuôi trúng khá, có nghĩa là nuôi tôm thu hoạch trung bình là cầm chắc lỗ. Cầm chắc lỗ thì ai dám nuôi, đại lý nào dám đầu tư cho hộ nuôi, khiến người nuôi nhỏ lẻ thêm bế tắc. Các bên liên quan đã chuẩn bị các mặt rồi, giờ tính sao?

Như trại giống đã nhập tôm bố mẹ, nay hạn chế đẻ vì sức cầu tôm giống thấp. Như nhà máy cung thức ăn đã nhập nguyên liệu, mà nguyên liệu này có thời hạn sử dụng! Các cơ sở cung ứng chế phẩm nuôi tôm chắc cũng sẽ giảm mạnh doanh số. Người nuôi treo ao vì có lý do chính đáng, nhưng người nuôi sẽ sinh sống bằng cách nào, bao lo âu. Vài tháng nữa tôm thương phẩm sẽ không nhiều, các DN chế biến sẽ không đủ nguyên liệu cho chế biến, trả nợ đơn hàng. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay sẽ giảm không nhỏ. Một vòng tròn đi xuống, đang với tốc độ khá mạnh hiện nay! Làm sao hạn chế tình hình không tốt này?

Có giải pháp trước mắt và sách lược lâu dài cần đồng bộ, đi đôi. Và cần sự phối hợp giữa các bên liên quan. Vấn đề hết sức cơ bản là nâng cao tỉ lệ nuôi thành công. Con giống trở thành yếu tố nóng bỏng. Các trại cung ứng giống phải bảo đảm con giống SẠCH BỆNH và cơ quan chức năng phải kiểm soát tôm giống chất lượng thấp không “trôi nổi” trên thị trường. Không phải dồn cái khó cho mắt xích cung ứng con giống, nhưng bây giờ vai trò con giống trở thành quá quan trọng.

Và câu chuyện con giống SẠCH BỆNH không phải hứa là có, là được ngay nhưng phải có sự cầu thị, nỗ lực ngay từ bây giờ. Đi liền là các mắt xích liên quan khác như thức ăn tôm, chế phẩm nuôi tôm… xem xét chính sách giá cả chia sẻ lúc khó nhằm thu hút người nuôi tôm, nhà đầu tư. Tiếp theo là DN chế biến phải tính toán tiết kiệm mọi mặt nhằm giảm giá thành, tăng giá mua tôm thương phẩm, chia sẻ khó khăn người nuôi. Song song là cố gắng tìm các mặt hàng mới có tỉ suất lợi nhuận tốt hơn nhằm tăng sức cạnh tranh tôm các nước khác, cố gắng duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm thu hút người tiêu dùng…

Về lâu dài, các DN phải xây dựng chiến lược hoạt động nhằm xây dựng hình ảnh của mình và qua đó sẽ từng bước hình thành hình ảnh chung tôm Việt. Đó là biết coi trọng xây dựng văn hóa DN, coi trọng đạo đức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, theo đuổi phát triển bền vững… Nếu DN đã thực thi thì cố gắng nỗ lực hơn, nếu chưa thực thi thì cố gắng tham gia, chậm còn hơn không. Thời buổi này DN nào giao hàng không bảo đảm quy cách, chất lượng theo hợp đồng hoặc đơn phương hủy hợp đồng không phải để có lợi (trước mắt) cho mình mà là tự “giết” mình. Thế giới phẳng, một chuyện không tốt, dù nhỏ, nhưng sức “lan tỏa” sẽ nhanh và lớn! Cũng nói thêm, VASEP và Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận ký kết một hợp tác để có nhiều thông tin bổ ích, thiết thực đến người nuôi cũng là một giải pháp tích cực giải quyết nhanh tình hình nêu trên.

Vòng tròn đang đi xuống, nhiều địa phương cũng nóng lòng, tìm giải pháp hỗ trợ các bên, nhất là người nuôi. Như tháng 6 này Tổng cục Thủy sản, tỉnh Bạc Liêu và một số tổ chức quan tâm mở hội nghị bàn giải pháp nuôi tôm công nghệ cao hướng đến bền vững và hiệu quả. Trước đó, tháng 5 VASEP và Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận ký kết hợp tác, liên minh với nội dung nêu trên. Mong rằng các bên liên quan, trong cuộc, là các mắt xích hình thành chuỗi giá trị con tôm hết sức quan tâm và chung tay để cùng nhau vượt qua khó khăn này, bởi tất cả đang chung con thuyền trên biển lớn.

TS. Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Tin mới nhất

T5,21/11/2024