Tìm nguyên nhân khi giá thành sản xuất tôm Việt ở mức cao

Theo VASEP, tỷ lệ thành công trong nuôi tôm khá thấp, chỉ đạt khoảng 40%, khiến giá thành sản xuất tôm tăng cao, đặt ra nhiều thách thức cho ngành tôm trong năm 2023.

Năm 2023 được đánh giá là một năm nhiều khó khăn đối với xuất khẩu tôm Việt Nam, bên cạnh sự chi phối của nhiều yếu tố từ thị trường, giá thành sản xuất tôm cao cũng đặt ra nhiều thách thức cạnh tranh cho con tôm Việt.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP cho biết, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam hiện cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là Ecuador. Điển hình, hiện nay chi phí để sản xuất một kilogram tôm (loại 50 con/kg) của Việt Nam ở mức từ 3,5 – 4,2 USD/kg, trong khi đó tại Ecuador chỉ từ 2,2 – 2,4 USD/kg, còn Ấn Độ là 2,7 – 3,0 USD/kg.


Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Ảnh: Kim Anh.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá thành nuôi tôm cao được ông Hòe chỉ ra nằm ở vấn đề tỷ lệ thành công trong quá trình nuôi đạt khá thấp, chỉ ở mức khoảng 40%. Ông Hòe nhấn mạnh, cần phải tìm ra nguyên nhân, có thể từ người nuôi tiếp cận con giống chất lượng không tốt, khiến tỷ lệ thành công trong quá trình nuôi bị giảm xuống, nông dân phải nuôi đi nuôi lại nhiều lần để có được nguồn nguyên liệu, vừa mất nhiều thời gian, chi phí, khiến đội giá thành sản xuất con tôm thành phẩm ở giai đoạn cuối cùng tăng lên.

Lãnh đạo VASEP cho rằng, hiện nay vấn đề chất lượng tôm giống kém vẫn chưa được kiểm soát và kiểm dịch tốt trên thị trường. Bên cạnh đó, công tác quản lý sản xuất tôm giống vẫn còn lỏng lẻo, nên khó đánh giá về tiêu chuẩn cũng như chất lượng, quy hoạch vùng nuôi còn tràn lan. Những thực tế này đã đặt ra nhiều khó khăn nguồn cung tôm giống chất lượng, phát sinh dịch bệnh trên tôm, ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Ngoài ra, chi phí đầu tư thiết kế, vận hành ao nuôi tôm cao cũng dẫn đến chi phí sản xuất trong nuôi tôm của Việt Nam tăng. Tiến sĩ Trần Hữu Lộc, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh những chi phí trực tiếp như thức ăn, nhân công lao động, điện nước, vi sinh… Nông dân còn đầu tư quá nhiều chi phí thiết kế ao nuôi. Vì thế, nông dân muốn tăng lợi nhuận trong nuôi tôm, phải kéo giá thành sản xuất xuống bằng nhiều giải pháp như: giảm mật độ nuôi, thiết kế ao nuôi đơn giản lại, xây dựng các chương trình quản lý rủi ro dịch bệnh tốt hơn để giảm chi phí đầu tư ao nuôi.


Chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến giá thành nuôi tôm cao là tỷ lệ thành công trong quá trình nuôi đạt thấp ở mức khoảng 40%. Ảnh: Kim Anh.

Quan trọng vấn đề sử dụng đất sao cho phát huy hiệu quả, tại Ecuador tỷ lệ sử dụng đất cho nuôi tôm lên đến trên 90%, trong khi đó ở Việt Nam, những mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghiệp tỷ lệ sử dụng mặt nước chỉ khoảng 20%.

Ông Lộc cho rằng, Việt Nam cần có những mô hình sử dụng tỷ lệ đất hợp lý, với 40 – 50% diện tích hữu dụng phục vụ nuôi tôm với mật độ thấp. 20% là diện tích xử lý nước, khi nuôi mật độ thấp, mức độ thay nước ít đi, sẽ giúp nông dân giảm được chi phí thay nước, giảm được diện tích dùng cho xử lý nước. Và khoảng 30% diện tích còn lại sử dụng cho quy trình xử lý chất thải, bằng cách xây dựng hệ thống những ao liên hoàn, nuôi cá rô phi đen, cá đối… biến chất thải thành sinh khối. Một phần nhỏ diện tích còn lại có thể trồng rừng ngập mặn để tạo vùng đệm cho ao nuôi an toàn hơn.


Nông dân muốn tăng lợi nhuận, phải giảm giá thành sản xuất bằng nhiều giải pháp như giảm mật độ nuôi, thiết kế ao nuôi đơn giản, xây dựng các chương trình quản lý rủi ro dịch bệnh tốt. Ảnh: Kim Anh.

“Hiện nay cả nước có khoảng 600.000 ha nuôi tôm quảng canh, nếu xây dựng được những ao nuôi theo hướng không còn chất thải, sẽ giảm được nhiều xung đột lợi ích giữa người nuôi tôm và bà con nuôi tôm quảng canh. Ngoài ra, khi có rừng ngập mặn, sẽ là nơi ương dưỡng các loài thủy sản tự nhiên. Chỉ cần thay đổi tư duy sẽ đạt được rất nhiều lợi ích, giảm được nguy cơ dịch bệnh, giảm được giá thành nuôi tôm. Con tôm sẽ đảm bảo chất lượng, an toàn để phục vụ xuất khẩu”, ông Lộc chia sẻ.

Năm 2023, ngành thủy sản Việt Nam kỳ vọng, xuất khẩu tôm sẽ đạt trên 4,3 tỷ USD. Đồng thời, đề ra mục tiêu diện tích thả nuôi tôm là 750.000ha, với sản lượng khoảng 1,08 triệu tấn. Nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; tôm giống khoảng 140-150 tỷ con trong năm 2023.

Thời gian qua, ngành tôm giữ đóng vai trò quan trọng của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đóng góp trung bình 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Hiện nay, tôm Việt đã được xuất khẩu đến 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, chủ lực là các thị trường lớn: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada…

Kim Anh

Nongnghiep.vn

Tin mới nhất

T7,23/11/2024