Ðảm bảo an toàn, chất lượng cho ngành hàng tôm

ÐBSCL cũng như 28 tỉnh, thành ven biển đang vào vụ nuôi tôm nước lợ năm 2023, với diện tích nuôi, sản lượng thu hoạch ước tính tăng so với năm 2022.

Do đó, ngay từ đầu vụ, kế hoạch nuôi phù hợp theo từng địa phương; công tác kiểm soát, xử lý, xây dựng vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh và tìm kiếm thị trường tiêu thụ đang được các bộ ngành chuyên môn, địa phương và người nuôi tăng cường thực hiện…

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Theo Tổng cục Thủy sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT), năm 2023, các địa phương vùng ven biển có kế hoạch thả nuôi tôm với diện tích trên 750.000ha, trong đó tôm sú 610.000ha, tôm thẻ 120.000ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác; sản lượng thu hoạch ước 1.080.000 tấn, trong đó tôm sú 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 750.000 tấn; đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỉ USD và có khả năng lên 4,5 tỉ USD.

Kế hoạch trên được triển khai thực hiện từ đầu năm 2023, đồng thời dựa trên hiệu quả nuôi trồng, xuất khẩu, doanh thu của ngành tôm nước lợ năm 2022. Năm 2022 mặc dù diện tích nuôi tôm không tăng so với năm 2021, nhưng sản lượng thu hoạch tăng 8,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 11,2%.

Ðây là mức tăng cao kỷ lục từ trước đến nay, qua đó diện tích tôm nước lợ thả nuôi đạt 747.000ha (bằng 100% so với năm 2021), trong đó diện tích nuôi tôm sú 610.000ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 117.306ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác…

Trong năm, sản lượng tôm nuôi các loại đạt 1.080,6 triệu tấn (tăng 8,5% so với năm 2021), trong đó sản lượng tôm sú đạt 271.400 tấn, tăng 1,9%; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 743.500 tấn, tăng 11,6% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỉ USD (tăng 11,2%). Các tỉnh ven biển vùng ÐBSCL là địa phương được đánh giá có sản lượng tôm thu hoạch và xuất khẩu cao nhất cả nước…


Sản lượng tôm thu hoạch và xuất khẩu ở các tỉnh ven biển vùng ÐBSCL cao nhất cả nước… Ảnh: Tép Bạc (Ảnh minh họa)

Ông Trương Ðình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định: Từ năm 2022 đến nay, xuất khẩu thủy sản nói chung, xuất khẩu tôm nói riêng đang có những thuận lợi là được Chính phủ quan tâm, diện tích nuôi nhiều; lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ðặc biệt là lợi thế tôm sinh thái, năng lực chế biến sản phẩm giá trị gia tăng của doanh nghiệp Việt Nam cũng được các doanh nghiệp nhập khẩu đánh giá cao. Tôm Việt Nam xuất khẩu sang một số thị trường, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng tốt trong 2 tháng đầu năm 2023.

Ðáng chú ý là lần đầu tiên xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng đến hơn 60% so với cùng kỳ 2022.Ðây cũng là thị trường mà ngành xuất khẩu thủy sản đang kỳ vọng sẽ bù đắp cho khoảng thiếu hụt khi thị trường Hoa Kỳ đang sụt giảm mạnh…

Tuy nhiên, tình hình xuống giống thả nuôi vụ tôm 2023 ở nhiều địa phương vùng ÐBCSL còn chậm so với những năm trước, nguyên nhân do thiếu nước mặn, nhất là đối với những diện tích thả nuôi theo mô hình quảng canh.

Ổn định phát triển
Theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, để có được kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỉ USD trong năm 2022, ngành tôm Việt Nam phải phấn đấu nhiều và tận dụng tất cả những lợi thế đang có.

Lợi thế của ngành tôm được xác định là nguyên liệu đa dạng, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường. Tuy nhiên, các lợi thế này cũng đang dần bị cạnh tranh gay gắt với nhiều quốc gia xuất khẩu tôm trên thế giới…


Để ngành tôm phát triển hiệu quả trước tiên phải giảm giá thành nguyên liệu. Ảnh: Tép Bạc

Do đó, để ngành tôm phát triển hiệu quả và bền vững, trước tiên là phải giảm giá thành nguyên liệu. Ðây là yêu cầu bắt buộc, quyết định hiệu quả của ngành tôm tại thời điểm hiện tại và sau này. Ðể giảm giá thành tôm nguyên liệu, trước tiên phải nâng cao chất lượng con giống, giảm tỷ lệ con giống bị hao hụt trong ao nuôi.

Vì hiện nay tỷ lệ con giống hao hụt trong ao nuôi của Ecuador chỉ 10%, tỷ lệ này ở Ấn Ðộ cao nhất chỉ 40%, trong khi tỷ lệ hao hụt tại các ao nuôi ở Việt Nam lên đến 60%. Nguyên nhân là do Ecuador đã nghiên cứu sản xuất được con giống tôm kháng bệnh, trong khi ở Việt Nam, đặc biệt vùng ÐBSCL vẫn thả nuôi bằng con giống thông thường nên tỷ lệ hao hụt rất cao.

Ngoài việc nâng cao chất lượng con giống, ngành tôm cũng cần được quy hoạch vùng nuôi tập trung, đầu tư cho hạ tầng vùng nuôi hoàn chỉnh; kiểm soát giá thức ăn, vật tư đầu vào, giảm chi phí vùng nuôi; giảm chi phí vận chuyển logistics…

Ðể thực hiện các mục tiêu, kế hoạch của ngành tôm năm 2023, Tổng cục Thủy sản đề nghị đơn vị chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cần tăng cường kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm, nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu; chủ động đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp và kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch nuôi trồng phù hợp; tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên tôm nước lợ để có biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế thiệt hại cho người nuôi; tổ chức xây dựng, phát triển vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh; tạo điều kiện thuận lợi nhân rộng mô hình liên kết chuỗi giá trị trong nuôi tôm, mô hình nuôi giảm giá thành, mô hình nuôi theo chứng nhận chất lượng sản phẩm…

Hà Văn

Báo Cần Thơ

Tin mới nhất

T2,25/11/2024