Người nuôi tôm Hà Tĩnh cải tạo ao đầm, đầu tư thâm canh vụ xuân – hè

Tập trung cao cho việc nâng cấp hệ thống hạ tầng ao đầm theo hướng thâm canh, công nghệ cao được xem là giải pháp hữu hiệu mà nhiều người nuôi tôm tại Hà Tĩnh lựa chọn để đảm bảo vụ nuôi xuân – hè thắng lợi, cho năng suất tốt.


Máy móc được huy động để nhanh chóng cải tạo hệ thống đầm chuẩn bị cho vụ nuôi tôm xuân – hè 2023 tại các vùng nuôi lớn như huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân…

Trên diện tích hơn 1,2 ha, anh Nguyễn Viết Khánh (xã Đan Trường, Nghi Xuân) vừa đầu tư gần 3 tỷ đồng nâng cấp khu nuôi tôm thẻ chân trắng. Các ao nuôi được cải tạo, lắp đặt mái che để đảm bảo hạn chế ảnh hưởng của môi trường đến sự phát triển của tôm.

Anh Khánh cho biết: “Sau nhiều năm nuôi tôm bằng hình thức lót bạt, mình cảm thấy cần phải chú trọng đầu tư hơn về công nghệ nhằm giảm thiểu dịch bệnh phát sinh, nâng cao năng suất trên đơn vị diện tích. Hệ thống này có thể giúp tôm nhanh lớn trong mùa nắng nóng nhờ nhiệt độ ở ngưỡng thuận lợi và giảm thiểu được tối đa rủi ro dịch bệnh khi thời tiết chuyển mùa, kỳ vọng đưa năng suất đạt khoảng 2 – 2,5 tấn/ao/vụ (tăng 20 – 30% so với trước đây). Đợt nuôi đầu tiên trong vụ tôm xuân – hè, chúng tôi dự kiến sẽ thả nuôi hơn 30 vạn con giống”.


Các hộ nuôi tôm ở huyện Kỳ Anh đầu tư sửa chữa hệ thống ao nuôi.

Với nhiều chính sách hỗ trợ đồng bộ của huyện, vụ tôm xuân – hè 2023, các hộ nuôi tôm ở Kỳ Anh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi từ mô hình nuôi quảng canh, bán thâm canh sang thâm canh và thâm canh công nghệ cao.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh Phan Công Toàn cho biết: “Địa phương tập trung phát triển đối tượng chủ lực là tôm, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao; chú trọng chỉ đạo thực hiện xây dựng tốt các mô hình nuôi thâm canh, có quy mô liền vùng, liền ao tối thiểu 0,5 ha/tổ chức, cá nhân và được hỗ trợ kinh phí vỗ cứng bờ ao (mức hỗ trợ 50 – 100 triệu đồng/tổ chức, cá nhân) theo Nghị quyết 105/NQ-HĐND của HĐND huyện về một số chính sách thực hiện Đề án khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2023. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng nuôi Ngọn Rào – Kỳ Thư, Đập Lội – Kỳ Thọ”.

Được biết, theo kế hoạch, huyện Kỳ Anh sẽ thả nuôi gần 500 ha với khoảng 180 triệu con tôm giống (chủ yếu tôm sú, tôm thẻ chân trắng), trong đó có trên 95 ha nuôi thâm canh công nghệ cao, tập trung tại các vùng nuôi trọng điểm như: xã Kỳ Thọ, xã Kỳ Thư, xã Kỳ Hải…


Người nuôi tôm huyện Lộc Hà đầu tư chuyển từ làm ao vuông, lót bạt, không có mái thành ao tròn, đáy nổi, có mái che bằng lưới.

Để có vụ nuôi thắng lợi và phấn đấu sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt trên 430 tấn, các hộ nuôi tại các xã của huyện Lộc Hà như Mai Phụ, Hộ Độ, thị trấn Lộc Hà… cũng đang tích cực chuẩn bị cho vụ mới như xử lý ao nuôi; nạo vét bùn đất, vệ sinh, sửa cống ở các dòng kênh, ao cấp nước; xây dựng hạ tầng…

Ông Nguyễn Văn Mại – Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Quý (xã Hộ Độ, Lộc Hà) cho biết: “Với diện tích hơn 32 ha của 11 hộ tham gia, chúng tôi dự kiến sẽ thả nuôi đợt đầu với số lượng từ 4-5 triệu con giống. Hiện nay, người nuôi đang huy động nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao khi thời tiết nắng ấm lên. Nguồn giống đã được đặt hàng, có sẵn tại công ty, chỉ chờ xử lý môi trường xong là các thành viên của HTX sẽ tiến hành thả nuôi theo lịch thời vụ. Riêng nhà tôi, vào khoảng giữa tháng 4 sẽ xây dựng hệ thống bể vuông đáy nổi, có mái che bằng lưới với giá trị gần 1 tỷ đồng để phát triển nuôi tôm thâm canh công nghệ cao”.


Cán bộ chuyên môn của Chi cục Thủy sản tỉnh kiểm tra mẫu nước tại các vùng nuôi tập trung.

Theo khung lịch thời vụ năm 2023 của Sở NN&PTNT, với vụ nuôi tôm xuân – hè, đợt đầu, tôm thẻ có thể bắt đầu thả giống từ tháng 3 dương lịch và tôm sú là từ tháng 4. Toàn tỉnh dự kiến sẽ sản xuất trên diện tích hơn 2.230 ha với hơn 900 triệu con giống.

Để hạn chế dịch bệnh phát sinh, ngành chuyên môn đã cử cán bộ chuyên môn tiến hành kiểm tra môi trường tại các vùng nuôi tập trung trên toàn tỉnh với các chỉ tiêu độ sâu ao, pH, độ mặn, thu nhiều mẫu tôm tự nhiên gửi đi phân tích, cảnh báo các nguy cơ cho người dân chủ động phòng ngừa dịch bệnh ngay từ đầu.


Vệ sinh ao hồ trước vụ nuôi là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế sự phát sinh của dịch bệnh.

Tỉnh tập trung chỉ đạo tăng năng suất trên một đơn vị diện tích bằng các giải pháp: áp dụng quy trình nuôi tiên tiến; nâng cấp ao đầm nuôi bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; đầu tư xây dựng bể, ao ương để ương dưỡng giống trước khi thả nuôi ít nhất 20 ngày. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt các mô hình nuôi an toàn sinh học theo hướng Vietgap, quy trình nuôi tôm hạn chế hóa chất…

Tổ chức hướng dẫn, khuyến cáo sử dụng giống tốt, kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, mùa vụ thả nuôi, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật; tăng cường công tác quản lý môi trường và phòng ngừa dịch bệnh; quản lý cộng đồng các vùng nuôi tập trung gắn với sản xuất theo chuỗi, có kế hoạch tiêu thụ thống nhất toàn vùng để tránh tư thương ép giá.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy

Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh)

Thái Oanh

Tin mới nhất

T6,22/11/2024