Kì vọng vụ nuôi tôm mới

Giá tôm tăng cao từ cuối năm 2022 tiếp tục kéo dài đến giữa tháng 2. Độ mặn tại các vùng nuôi trong khu vực ĐBSCL xuất hiện tương đối sớm so với cùng kỳ. Tất cả đã và đang tạo nên tâm lý háo hức với nhiều kỳ vọng nơi người nuôi khi bước vào vụ tôm nước lợ năm 2023, dù họ đã được dự báo khó khăn phía trước sẽ là không ít.

Hấp dẫn giá tôm đầu vụ

Sau Tết Nguyên đán, hầu hết các nhà máy chế biến tôm đều trở lại hoạt động từ ngày mùng 6 âm lịch. Dù mới là đầu vụ, sản lượng tôm thu hoạch không nhiều, lại thêm nhu cầu tôm nguyên liệu tiêu thụ nội địa tăng mạnh, tạo nên sự cạnh tranh khá gay gắt, nhưng do số hợp đồng đầu năm ít nên nhìn chung, các nhà máy vẫn đảm bảo được nguồn tôm nguyên liệu để duy trì hoạt động. Cũng chính từ sự cạnh tranh giữa tiêu thụ nội địa với chế biến xuất khẩu đã đẩy giá tôm nguyên liệu tăng mạnh ở hầu hết các kích cỡ. Anh Nguyễn Văn Quý, một đại lý chuyên thu mua tôm cho nhà máy chế biến ở tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: “Từ trước Tết Nguyên đán tới giờ rất khó mua được tôm do một số đại lý thu mua tôm ôxy (tôm tươi sống) đi TP Hồ Chí Minh và ra Bắc đẩy giá lên cao hơn so với nhà máy từ 5.000 – 15.000 đồng/kg (tùy theo cỡ tôm)”.


Người nuôi cần tuân thủ lịch thời vụ và khuyến cáo của ngành chức năng để sản xuất đạt hiệu quả.
Ảnh: Phan Thanh Cường

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam về nguyên nhân giá tôm trong nước tăng cao trong khi xuất khẩu tiếp tục sụt giảm; ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết: “Đây được xem là giai đoạn thấp điểm tôm nguyên liệu (đầu vụ thả nuôi – PV) trong khi các nhà máy vẫn cần tôm nguyên liệu để duy trì hoạt động, số khác vẫn đang còn trả nợ hợp đồng năm cũ, cộng thêm sức tiêu thụ thị trường nội địa cao đã giúp giá tôm duy trì ở mức có lợi cho người nuôi. Mặt khác, do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh, giá con giống, thức ăn tăng cao nên tiến độ thả giống sớm tại các vùng nuôi rất chậm. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, đến hết tuần đầu tháng 2, diện tích thả tôm nước lợ mùa vụ năm 2023 toàn tỉnh chỉ mới khoảng 270 ha tập trung chủ yếu là những mô hình nuôi lót bạt, ao tròn nổi.

Bắt đầu vào chính vụ

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, xu thế xâm nhập mặn từ ngày 11 – 20/2/2023 ở ĐBSCL tiếp tục tăng. Theo đó, chiều sâu ranh mặn 4‰ có khả năng xâm nhập sâu từ 40 – 55 km (tùy khu vực) trên hệ thống sông Hậu, Cổ Chiên, Hàm Luông, Vàm Cỏ… Biên độ nhiệt ngày/đêm cũng thấp hơn so với tháng đầu năm, các chương trình khuyến mãi tôm giống (20 – 30%) cũng đang được các doanh nghiệp triển khai, nên đây được xem là thời điểm thuận lợi để tiến hành thả tôm vì phần lớn ao nuôi đã được cải tạo xong. Thực tế cho thấy, đến ngày 6/2, toàn tỉnh Sóc Trăng chỉ mới thả nuôi khoảng 270 ha, nhưng đến ngày 11/2, ông Trần Hoàng Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Đề cho biết, diện tích thả tôm của huyện đã tăng lên gần 200 ha.

Còn tại tỉnh Cà Mau, đến đầu tháng 2, hầu hết diện tích nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến đã thả nuôi gần như hoàn tất, chỉ còn số ít diện tích nuôi thâm canh và siêu thâm canh. Tỉnh Trà Vinh, khi kết thúc tháng 1, diện tích thả nuôi đã trên 20% và tiến độ hiện đang tăng lên từng ngày do độ mặn tại hầu hết những vùng nuôi đều đã đạt ngưỡng thích hợp cho việc thả giống. Bên cạnh điều kiện nuôi phù hợp, giá tôm ở mức cao cũng kích thích người nuôi tích cực thả giống ngay trong tháng 2 để kịp thu hoạch lúc tôm còn ở giá cao, bởi theo họ, với giá tôm hiện tại, những mô hình nuôi ao đất thả nuôi TTCT mật độ dưới 50 con/kg, nếu thuận lợi chỉ cần sau 65 ngày là đã có lãi.

Thận trọng trước khó khăn

Trước những dự báo thị trường xuất khẩu tôm sẽ gặp khó khăn và cùng với đó là dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, cả doanh nghiệp lẫn ngành nông nghiệp các địa phương đều khuyến cáo người nuôi không nên thả nuôi ồ ạt mà nên thả nuôi thăm dò, khi thấy thuận lợi thì mới thả nuôi hết diện tích. Theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, với thế hệ giống TTCT mới hiện nay cho thấy tốc độ lớn nhanh hơn so với mọi năm, nhưng điều đó không hẳn là mùa vụ đang thuận lợi cho người nuôi vì tất cả còn phụ thuộc nhiều vào mô hình, thời tiết và diễn biến dịch bệnh. Ông Phục chia sẻ: “Tại một số vùng nuôi ở Sóc Trăng hiện bắt đầu xuất hiện một số bệnh nguy hiểm trên tôm, như: EHP, đốm trắng, gan tụy. Vì vậy, nếu mô hình cũng như kỹ thuật nuôi không chuẩn rất dễ bị thiệt hại và thực tế, đầu năm đến nay đã có không ít diện tích nuôi phải thu hoạch sớm”.

Bước sang tháng 2, thời tiết khu vực ĐBSCL đã ít lạnh hơn vào buổi tối và sáng sớm so với tháng 1. Những cơn mưa trái mùa cũng gần như dứt hẳn, đồng thời độ mặn dự báo sẽ tăng lên trong tháng 2 này. Tuy nhiên, đây chỉ mới là điều kiện cần của mùa vụ, còn điều kiện đủ là người nuôi phải cải tạo ao nuôi thật tốt, phải làm sao cắt đứt được mầm bệnh lưu tồn từ vụ nuôi trước và nếu có điều kiện nên nâng cấp ao nuôi lót bạt đáy, chọn con giống tốt để đảm bảo tỷ lệ thành công được cao hơn.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết, để mùa vụ nuôi tôm nước lợ đạt mục tiêu của tỉnh đề ra trong năm 2023, Sở yêu cầu các địa phương (có nuôi tôm nước lợ) xây dựng lịch thả giống tôm cụ thể cho từng tiểu vùng sản xuất và hướng dẫn nông dân chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất. Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc đơn vị hướng dẫn cho người nuôi vận dụng lịch thả giống; ứng phó với hạn – mặn, thời tiết bất lợi, phòng chống dịch bệnh; tổ chức tập huấn kỹ thuật, giới thiệu và hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng các mô hình nuôi đạt hiệu quả như: nuôi hai hay nhiều giai đoạn; nuôi kết hợp cá…

Để đảm bảo mùa vụ nuôi tôm đạt thắng lợi, các ngành chức năng huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An khuyến cáo người dân nuôi tuân thủ khung lịch thời vụ, đảm bảo thời gian cắt vụ trước khi tiến hành vụ nuôi mới. Thả giống đã qua kiểm dịch; chọn mua các sản phẩm vật tư, thức ăn, thuốc phục vụ quá trình nuôi có nguồn gốc rõ ràng, tin cậy. Thực hiện đúng, đầy đủ các giải pháp kỹ thuật do các cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Cải tạo, xử lý môi trường, vệ sinh ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật nhằm loại bỏ các mầm bệnh từ vụ nuôi trước. Các chất thải, nước thải phải được xử lý đúng nơi quy định. Thực hiện cắt vụ, giãn vụ nếu ao nuôi xảy ra dịch bệnh. Bố trí, xây dựng ao lắng có diện tích ít nhất bằng 30 – 50% tổng diện tích nuôi để chủ động nguồn nước cấp đã được xử lý đảm bảo chất lượng trước khi cấp vào ao nuôi.

>> Sự thận trọng là điều hết sức cần thiết, hầu như người nuôi nào cũng biết, nhưng trước sức hấp dẫn của giá tôm, của những hộ nuôi sớm thu hoạch thành công, của sự kỳ vọng quá lớn vào vụ nuôi, người nuôi rất dễ quên đi những khuyến cáo từ ngành chức năng. Hy vọng mọi thứ sẽ được người nuôi cân nhắc để sự khởi đầu vụ nuôi mới được suôn sẻ, tạo tiền đề tốt để ngành tôm vượt khó, về đích đúng như kế hoạch trong năm 2023 này.

Thu Hằng

Theo Thủy sản Việt Nam

Tin mới nhất

T6,22/11/2024