Ngành tôm Việt Nam 2023: Sẵn sàng vượt khó…

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Năm 2022, ngành tôm kết thúc với kết quả ấn tượng là sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đều có sự tăng trưởng đáng kể. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,1-4,2 tỷ USD, tăng trên 10% so năm 2021 là một điểm sáng đáng chú ý trong sự thành công của toàn ngành.

Nhờ nắm bắt tốt tình hình và có sự điều chỉnh phù hợp nên sản lượng tôm năm 2022 ở ĐBSCL vẫn đạt khá (Ảnh: Hoàng Nhã)

Vượt khó để tăng trưởng

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2022, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam đạt 737.000 ha, cơ bản không tăng so với năm 2021. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú ước đạt 622.000 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ước đạt 115.000 ha. Sản lượng tôm nước lợ ước đạt 745.000 tấn, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng tôm sú đạt 271.000 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 474.000 tấn.

Số liệu: Tổng cục Thủy sản

Ngay từ vụ nuôi đầu năm, người nuôi tôm đã phải đối mặt với tình thế khó khi hầu hết chi phí vật tư đầu vào, như: con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý ao nuôi… đều đua nhau tăng giá. Chưa hết, khi vụ I chuẩn bị kết thúc, những cơn mưa trái mùa kéo dài, lượng mưa lớn đã làm độ mặn trên hệ thống kênh cấp tại các vùng nuôi giảm nhanh chóng và đến đầu tháng 5 thì hầu hết đã về 0 phần ngàn. Từ đây, một số dịch bệnh nguy hiểm trên tôm, như: thân đỏ đốm trắng, vi bào tử trùng (EHP), phân trắng, EMS cũng bắt đầu bùng phát, gây hại tôm nuôi kéo dài đến cuối năm.

Ông Phan Đức Hùy, ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Năm nay nuôi tôm cực khó, đặc biệt là độ mặn rất thấp và tôm chậm lớn, nhưng cũng may là nhờ tôm có giá cao suốt năm nên nhìn chung mức lợi nhuận cũng chấp nhận được, dù không như ý cho lắm”.

Tuy có khó khăn ngay từ khi bắt tay vào vụ nuôi đầu năm, nhưng rất may là phần lớn diện tích nuôi vụ I đều đạt năng suất và giá bán cao. Ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam chia sẻ: “Vụ I nhờ môi trường thuận lợi nên dịch bệnh ít phát sinh, tỷ lệ nuôi thành công cao và tôm nuôi được về cỡ lớn (20-30 con/kg). Tuy nhiên, từ vụ II và vụ III, khi độ mặn không còn và dịch bệnh phát sinh thì tỷ lệ thành công cũng thấp đi, nhưng về tổng thể thì vụ tôm năm 2022 vẫn có được thành công nhất định”.

Trước tình hình khó khăn của vụ nuôi, ngành nông nghiệp các tỉnh tích cực cảnh báo kịp thời những thông tin về giá cả thị trường, quan trắc môi trường, dịch bệnh cho vùng nuôi đã giúp người nuôi chủ động giảm mật độ thả nuôi để giảm áp lực chi phí đầu vào, nuôi tôm về kích cỡ lớn để bán có giá cao hơn, phòng dịch sớm hơn…nên một số tỉnh nuôi tôm trọng điểm của ĐBSCL, như: Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, sản lượng tôm nuôi năm 2022 đều ghi nhận có sự tăng trưởng, thậm chí có tỉnh như Sóc Trăng tăng đến 24,3%.

Có một điểm trùng hợp khá ngẫu nhiên giữa nghề nuôi và chế biến xuất khẩu trong vụ tôm 2022 là cả 2 đều có những tháng đầu năm khá thành công và khó khăn, vất vả trong những tháng cuối năm. Theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, kết quả xuất khẩu tôm 8 tháng đầu năm tăng mạnh là hệ thống phân phối dự báo nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng lên, nên họ mua hàng tích cực hơn. Mặt khác, hầu hết doanh nghiệp đều tồn kho nhiều nên việc xuất khẩu được đẩy mạnh tập trung ngay từ những tháng đầu năm. Đây cũng là bước ngoặc quan trọng để ngành tôm kịp về đích với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,1- 4,2 tỷ USD. 

 

Đối sách cho những tháng đầu năm 2023

Tại buổi tổng kết cuối năm 2022 của Tổng cục Thủy sản, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá năm 2022 là một năm khó khăn nhưng ngành nông nghiệp đã kịp thời đưa ra kịch bản, các đối sách để tháo gỡ.

Niềm vui xuất khẩu tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm đã nhanh chóng nhường chỗ cho những khó khăn, vất vả của ngành tôm trước lạm phát toàn cầu và sự cạnh tranh gay gắt đến từ đối thủ. Nói về khó khăn trong xuất khẩu tôm, ông Phục cho biết: “Khó khăn của ngành tôm trong những tháng cuối năm là do lạm phát toàn cầu đang tăng cao, cộng thêm sự cạnh tranh về giá hết sức gay gắt đến từ Ecuador tại thị trường Mỹ. Vì vậy, các nước nhập khẩu ép giá mua buộc nhiều doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận bán để duy trì hoạt động, quay vòng đồng vốn, nếu không sẽ đóng cửa nhà máy”.

Ngoài giải pháp cắt lỗ để giảm tồn kho, giảm nợ vay ngân hàng, quay nhanh vòng vốn, các doanh nghiệp còn thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí và chuyển hướng sang sản xuất những mặt hàng tôm chế biến sâu để tránh bất lợi cạnh tranh về giá và ưu tiên cho thị trường gần, như: Nhật, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc… Ông Lực cho biết: “Dù thị trường hiện có biến động lớn, nhưng ở phân khúc cao cấp, sự biến động này là không quá lớn. Còn thị trường gần như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, hiện nay họ đang nhập sản phẩm chế biến sâu cao cấp nên là lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam và gần như đây là sân chơi riêng cho tôm Việt Nam”. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn này, những doanh nghiệp nào xây dựng được thương hiệu, chứng minh được sự phát triển bền vững, có được lòng tin người tiêu dùng thì đơn hàng sẽ phục hồi nhanh hơn, giá cả tốt hơn.

Đối với nghề nuôi, cuối tháng 12/2022, độ mặn tại các vùng nuôi phần lớn đều đã đạt 5-7 phần ngàn, nên một số hộ đủ điều kiện đã tiến hành thả giống nhằm tranh thủ giá tôm vẫn đang ở mức cao. Tuy nhiên, theo nhận định của các chủ trang trại nuôi tôm lớn, người nuôi cần thận trọng con việc chọn con giống chất lượng và vệ sinh ao nuôi thật kỹ vì khả năng mầm bệnh từ năm 2022 chuyển sang vụ nuôi mới là rất cao, nhất là khi xuất hiện các cơn mưa trái mùa lưu lượng lớn, thời gian dài. Bên cạnh đó, tôm chậm lớn do Vi bào tử trùng (EHP) vẫn là nỗi lo của người nuôi tôm trong năm 2023, vì bệnh này đã gây thiệt hại lướn cho tôm nuôi năm 2022. Trong vụ tôm mới 2023, một điều gần như chắc chắn là chi phí đầu vào vẫn tiếp tục tăng, trong khi thời tiết, dịch bệnh thì chưa đoán định được, còn giá tôm theo tôi, nếu xuất khẩu gặp khó thì sẽ rất thấp.

Nhận định về thị trường trong năm 2023 theo các doanh nghiệp là rất khó vì tất cả còn phụ nhiều vào: kết quả vụ nuôi 2023, xung đột Nga – Ukraine, lạm phát toàn cầu… Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, chỉ khi nào lạm phát giảm xuống thì xuất khẩu tôm mới giảm bớt khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp đều có chung nhận định là khó khăn sẽ còn kéo dài đến nửa đầu năm và nếu kịch bản này diễn ra đúng như dự báo, xuất khẩu vẫn kịp thời gian tăng tốc trong 6 tháng cao điểm cuối năm và giá trị kim ngạch xuất khẩu sẽ không hề thua kém năm 2022. Tuy nhiên, đây chỉ là dự đoán, còn thực tế cũng có thể có những thay đổi bất ngờ không thể biết trước được, chẳng hạn như xung đột Nga-Ukraine kết thúc sớm, hay lạm phát tại một số thị trường chính của con tôm Việt Nam được khống chế, kinh tế hồi phục…thì tình hình sẽ khác. Đây là điều chúng ta đang kỳ vọng, bởi nếu không sẽ là thảm họa tiếp cho ngành tôm trong năm 2023. 

 

Năm 2023: Chủ động nắm bắt cơ hội

Tại Hội nghị Tổng kết năm 2022, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trong năm 2023, về diện tích sản xuất, ngành tôm phấn đấu cơ bản giữ ổn định như so với ước thực hiện năm 2022 với tổng diện tích 737.000 ha. Nhưng sản lượng dự kiến tăng lên 960.000 tấn, trong đó tôm sú đạt 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 680.000 tấn. Tiếp tục điều chỉnh tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với sản lượng nuôi để tăng giá trị sản xuất đối với sản phẩm tôm nước lợ, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Tổng cục Thủy sản cho biết, trong năm 2023, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, tập trung tham mưu Lãnh đạo Bộ NN&PTNT các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030; Đề án tôm hùm, tôm càng xanh và các chương trình đề án, dự án khác.

Đặc biệt, theo dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường, kịp thời tham mưu chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt các mục tiêu kế hoạch năm 2023. Tăng cường chỉ đạo, kiểm soát chất lượng con giống, vật tư đầu vào, quan trắc môi trường và an toàn thực phẩm trong nuôi tôm. Tiếp tục tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về quản lý giống thủy sản. Rà soát, loại bỏ thức ăn, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản kém chất lượng, không đảm bảo an toàn khỏi danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. 

Hoàng Nhã – Phạm Huệ

Ngành thủy sản đã xử lý tốt những vấn đề mang tính phát sinh, nhất là về thị trường

Khi tình hình dịch Covid-19 có dấu hiệu lắng xuống, ngành thủy sản đã nhanh chóng tiếp cận thị trường ngoài nước, đồng thời, thúc đẩy thị trường trong nước. Những hoạt động của ngành thủy sản được triển khai một cách trọng tâm, trọng điểm. Nhờ vậy, ngành thủy sản đã đạt được những kết quả ấn tượng trong năm 2022.

Theo đánh giá gần nhất của Ngân hàng thế giới, tăng trưởng toàn câu sẽ chững lại trong năm 2023, do đó, sẽ ảnh hưởng đến tất cả các thị trường nhập khẩu của chúng ta và đây cũng là một thách thức mà ngành thủy sản cần phải vượt qua. Cùng với đó là thách thức về việc chuẩn hóa quá trình sản xuất trong nước, nhất là về phần dữ liệu để phục vụ cho sản xuất của ngành hàng.

Ông Nguyễn Quốc Toản

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT)

Tin mới nhất

T6,22/11/2024