Vì sao chỉ những nông dân, doanh nghiệp nuôi tôm đạt cỡ lớn ở Sóc Trăng thì mới có lời?

Cả doanh nghiệp chế biến lẫn người nuôi tôm tỉnh Sóc Trăng đều có chung nhận định, năm 2022 là một năm thực sự khó khăn chứ không hề suôn sẻ như những dự báo ban đầu. Từ khó khăn về thời tiết, con giống, nguồn nước, dịch bệnh, chi phí đầu vào cho đến thị trường xuất khẩu

Tuy nhiên, ngành tôm của tỉnh Sóc Trăng vẫn biết cách vượt qua những khó khăn đó để về đích thành công, dù niềm vui chưa trọn.

Theo đánh giá của hộ nuôi và các đại lý cung ứng vật tư đầu vào, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022 thật sự là một vụ nuôi khó chứ không hề suôn sẻ như mọi người vẫn nghĩ.

Cái khó trước tiên và dễ nhận thấy nhất chính là tình hình độ mặn tại các vùng nuôi hầu hết đều rất thấp. Anh Thống, một hộ nuôi tôm ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho biết, trong khoảng 3 – 4 năm trở lại đây thì năm nay là năm nuôi tôm khó nhất, chi phí nuôi cao nhất và lợi nhuận ít nhất.

Trong vụ thu hoạch ngày 30/11 mới đây, dù đạt cỡ tôm 30 con/kg và tổng thu 1,2 tỷ đồng, nhưng anh Thống chỉ có lợi nhuận hơn 350 triệu đồng.

Anh Thống chia sẻ: “Năm nay nuôi đạt 30 con/kg là lớn nhất rồi nhưng thời gian nuôi kéo dài tới 120 ngày nên số lời ít, chứ như mọi năm thì với số thu này tôi lời ít gì cũng 450 triệu đồng – 500 triệu đồng”.


Năm nay tại tỉnh Sóc Trăng chỉ những hộ nuôi tôm đạt cỡ lớn mới có mức lợi nhuận cao như mong đợi. Ảnh: TÍCH CHU

Câu chuyện về một mùa tôm khó nuôi đã được các phương tiện truyền thông nói nhiều, mà nguyên nhân chủ yếu là do độ mặn và dịch bệnh.

Năm nay, khi mới bước vào đầu tháng 5, hầu hết các vùng nuôi trong nội đồng đã không còn độ mặn, còn các vùng gần biển hơn, độ mặn cũng xuống khá thấp, dao động trong khoảng 3 – 5‰.

Không chỉ khó khăn về độ mặn, vụ tôm năm nay còn gặp khó do tôm nhiễm vi bào tử trùng (EHP) và bệnh phân trắng, đốm trắng đỏ thân… đều khắp các vùng nuôi của tỉnh và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Chính sự bất thường của độ mặn và dịch bệnh phát sinh nên thời điểm thả nuôi tại các vùng nuôi đều không tập trung như mọi năm mà có sự chênh lệch lớn về thời gian, diện tích thả nuôi. Vì vậy, mùa vụ thu hoạch năm nay không tập trung mà trải đều trong năm, giúp diện tích thả nuôi vẫn vượt kế hoạch và nhất là giá tôm luôn ổn định ở mức cao trong suốt mùa vụ.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, đến đầu tháng 12, toàn tỉnh thả nuôi 54.600ha (trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm tỷ lệ 75,9%), vượt 7,1% kế hoạch và tăng 5,1% so với cùng kỳ. Và dù điều kiện nuôi được đánh giá là khó khăn, nhưng tỷ lệ tôm nuôi thiệt hại chỉ chiếm 5,1% số diện tích thả nuôi.

Kết quả thu hoạch 47.278,2ha, cho sản lượng ước khoảng 207.926,5 tấn, trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm 186.905,4 tấn.

Hiện nay, Sóc Trăng còn khoảng 5.700,6ha tôm chưa thu hoạch; trong đó, tôm ở giai đoạn dưới 30 ngày tuổi 240ha (4,2%), giai đoạn 30 – 60 ngày tuổi 1.151,4ha (20,2%), tôm giai đoạn 60 – 90 ngày tuổi 2.736,7ha (48%), tôm giai đoạn 90 – 120 ngày tuổi 999,3ha (17,5%), tôm giai đoạn 120 – 150 ngày tuổi 568,2ha (10%) và tôm giai đoạn trên 150 ngày tuổi 5ha (0,1%). Nếu điều kiện thuận lợi, từ nay đến cuối năm, sản lượng tôm nuôi của tỉnh sẽ còn tăng thêm ít gì cũng 10.000 – 15.000 tấn.

Cũng như người nuôi, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong 6 tháng cuối năm.

Trong nửa đầu năm 2022, nhờ dự đoán đúng thị trường và lượng tôm dự trữ từ vụ nuôi năm 2021 khá dồi dào, nên hầu hết các doanh nghiệp đều có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng tôm chế biến và doanh số xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, bước sang tháng 7 đến nay, tình hình xuất khẩu tôm đã có sự chững lại và dự báo sẽ còn kéo dài sang tận quý I năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình lạm phát toàn cầu làm cho do sức mua yếu, cộng thêm sự cạnh tranh từ tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ nên phần lớn doanh nghiệp chuyển sang làm sản phẩm chế biến sâu để xâm nhập phân khúc thị trường cao cấp có giá bán cao và ít có đối thủ cạnh tranh hơn.

6 tháng cuối năm, nhiều hợp đồng giao hàng bị hoãn, hủy, các hợp đồng gối đầu cho năm mới rất ít và giá tôm trong nước cao, nên các doanh nghiệp cũng giảm lượng thu mua.

Năm nay tôm nuôi khó, nhưng vô hình trung lại là cái may, bởi nếu vụ nuôi thuận lợi, tôm trúng mùa, sản lượng lớn, chắc chắn giá tôm sẽ giảm mạnh do sức tiêu thụ của thị trường bị chững lại vì lạm phát.

Việc chuyển sang tập trung làm sản phẩm chế biến sâu nhiều hơn tuy có làm cho năng suất chế biến giảm đi, nhưng giúp doanh nghiệp giảm áp lực về tôm nguyên liệu, duy trì sản xuất và doanh số xuất khẩu ở mức cho phép, nên khả năng đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung của tỉnh vẫn sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.

Một mùa tôm khó đã đi qua, nhưng theo dự báo, xuất khẩu tôm sẽ còn tiếp tục gặp khó trong những tháng đầu năm, nên hiện các doanh nghiệp đều chủ động xây dựng cho mình những sách lược để vượt qua giai đoạn khó khăn này và chủ động nắm bắt cơ hội sau khó khăn.

Tích Chu

Báo Sóc Trăng

Tin mới nhất

T6,22/11/2024