Làm thế nào để đi biển an toàn tại Na Uy?

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Bắc Băng Dương có thể được coi là một ngư trường nguy hiểm nhất thế giới. Tuy nhiên, bằng cách đề phòng và theo dõi tình hình thời tiết, những ngư dân Na Uy luôn được bảo đảm an toàn hết mức có thể.

Thuyền đánh cá Trích ngoài khơi Na Uy (Ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy)

Mới 3h chiều nhưng trời ở thị trấn Båtsfjord, ven bờ biển phía bắc của Na Uy đã dần tối. Nhiệt độ của nước đã xuống tới 4 độ C, tuyết rơi dày cả ngày, những cơn gió mạnh dần lên và các đường phố ở Båtsfjord đều vắng tanh. Hầu hết mọi người đều tìm cách ở nhà hoặc nếu cần phải ra ngoài, họ cũng sẽ lái xe. Một số ít người đi bộ cũng sẽ đi lại với tư thế cúi người, cố gắng hết sức để che chắn mặt và chân tay khỏi gió và tuyết lạnh.

Nhưng với ngư dân Na Uy, họ đã sẵn sàng cho một vụ mùa lớn, mùa skrei – khi cá tuyết Bắc cực bơi từ biển Barents băng giá đến vùng biển nước này để đẻ trứng. Đây là thời điểm quan trọng nhất trong năm đối với ngư dân ở phía bắc Na Uy.

Tor-Øyvind Bolle, một ngư dân Na Uy trẻ mới 23 tuổi nhưng đã chỉ huy một tàu đánh cá 6 người. Anh vừa trở về sau hai ngày làm việc ở vùng biển Barents và mang về 6 tấn cá tuyết. Sau khi dỡ hàng tại trung tâm chế biến cá địa phương, anh lại đi ra hướng biển.

Nhìn ra biển với những cơn sóng lớn, tuyết rơi dày và gió thổi mạnh, Tor-Øyvind Bolle không quá lo lắng. Anh bày tỏ: “Biển động không đến mức nguy hiểm, chỉ cần làm việc nhiều hơn và nỗ lực hơn”.

Là một ngư dân trong gia đình có 3 đời làm nghề đánh cá, Tor-Øyvind Bolle thường xuyên ra khơi từ khi 7 tuổi và biết chính xác khi nào con thuyền có thể gặp nguy hiểm và anh biết khi nào cần phải đưa thuyền về bờ.

Chiếc thuyền của anh được trang bị nhiều màn hình và công cụ, cung cấp dữ liệu quan trọng giúp cho Tor-Øyvind và thủy thủ đoàn của anh tránh được nguy hiểm. Với những thiết bị này, anh có thể định vị được vị trí của mình, vị trí của tất cả các thuyền khác trong vùng biển lân cận, và thậm chí cả cường độ gió, độ sâu và hướng của dòng chảy.

Do vậy, khi thời tiết thay đổi trong hai tích tắc, Tor-Øyvind có thể phản ứng ngay trong một tích tắc.

Bên cạnh những thiết bị này, một bí quyết để giữ an toàn khi ra biển của Tor-Øyvind đó là tuân thủ các biện pháp phòng ngừa an toàn và y tế tiêu chuẩn: Đảm bảo có sẵn các thiết bị an toàn theo quy định, hạn chế đốt lửa, không để dây cáp lỏng lẻo hoặc các vật dụng nằm bừa bãi, thực hiện các quy trình và biện pháp phòng ngừa khi vận hành máy móc hạng nặng.

Thêm vào đó, Tor-Øyvind cũng gửi vị trí của mình cho các cơ quan chức năng theo định kỳ. Anh cũng báo cáo mỗi khi giăng dây câu, khi thu hoạch, khi đưa thuyền về, báo cáo sản lượng đánh bắt được khi cập bờ, khi giao hàng, và khi neo đậu thuyền.

Là một ngư dân có kinh nghiệm, Tor-Øyvind không ngại khó khăn và vất vả. Tuy nhiên, anh cũng biết đâu là giới hạn. Tor-Øyvind nói: “Tôi đánh giá chiều cao của những con sóng cao từ 4-5m. Nếu xuất hiện bất kỳ con sóng nào hơn mức đó thì chúng đều có thể gây nguy hiểm”.

Sau khi kiểm tra dự báo thời tiết trên điện thoại của mình, anh nói: “Hôm nay chúng tôi sẽ không ra khơi”.

Tại Båtsfjord gần cực bắc của Na Uy, bến cảng đầy ắp những chiếc thuyền lớn nhỏ. Tất cả đều mắc kẹt ở đây vì thời tiết. Nhiều ngư dân tận dụng cơ hội ghé qua các quán bar địa phương và trò chuyện với nhau. Dù họ đều muốn ra biển để mang về những con cá tuyết có giá trị, nhưng điều đó không quan trọng vì an toàn là trên hết.

Ngư dân Na Uy kéo bẫy cua Hoàng đế (Ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy)

Chính phủ Na Uy đã xây dựng quy chuẩn an toàn chặt chẽ

Là một quốc gia gắn liền với truyền thống đi biển, Na Uy đã dành nhiều sự quan tâm cho hoạt động khai thác hải sản một cách an toàn và bền vững. Năm 1975, Đạo luật về lao động trên biển của Na Uy đã được đưa ra. Theo đó, thuyền trưởng phải đảm bảo sức khỏe và phúc lợi của thủy thủ đoàn, thông báo cho họ về các nguy cơ rủi ro, cũng như cung cấp các thiết bị bảo vệ phù hợp.

Đến năm 2005, quy định về môi trường làm việc, an toàn và sức khỏe cho những người làm việc trên tàu biển (còn được gọi là quy định ASH) cũng được áp dụng với tất cả thuỷ thủ đi biển.

Các quy định quốc gia của Na Uy cũng được hỗ trợ từ một số hiệp định, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế nhằm nâng cao an toàn trong khai thác thủy sản. Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã thông qua ‘Công ước Quốc tế Torremolinos về An toàn Tàu Đánh cá’ vào năm 1977. Công ước này đánh dấu sự hợp tác của Cơ quan Hàng hải Na Uy với các quốc gia khác. Na Uy cũng chú trọng tới việc hợp tác với Liên minh Châu Âu trong việc xây dựng các quy định đi biển trong những năm gần đây. Ví dụ: Chỉ thị của Liên minh Châu Âu từ năm 1993 đã nêu rõ một số yêu cầu thực tế tối thiểu để cải thiện sức khỏe và sự an toàn của ngư dân.

Gần đây, an toàn của ngư dân cũng được tăng cường hơn nữa khi Na Uy yêu cầu hoạt động đánh bắt phải triển khai hệ thống quản lý an toàn để xác định và kiểm soát các nguy cơ rủi ro một cách có hệ thống. Vào năm 2010, quy định này áp dụng cho tất cả các tàu cá, bất kể kích thước nào.

Ngoài ra, để đảm bảo ngư dân tuân thủ các quy định, Cơ quan Hàng hải Na Uy cũng tiến hành thanh, kiểm tra trên toàn quốc. Hoạt động này diễn ra vừa theo lịch trình và vừa ngẫu nhiên. Hoạt động kiểm tra theo lịch trình phân chia theo 3 loại tàu từ 6-10,66m; từ 10,67m-14,99m và từ 15m trở lên còn hoạt động kiểm tra ngẫu nhiên diễn ra đối với bất kỳ tàu nào. Một cán bộ thanh tra hàng hải Na Uy đã so sánh vai trò của họ với cảnh sát giao thông đường bộ, cho rằng nếu không có biển kiểm soát tốc độ, sẽ có nhiều người lái xe quá tốc độ.

Trần Lý

Tin mới nhất

T5,21/11/2024