Nhận diện thách thức và cơ hội ngành thủy sản trong năm 2023

Hiện đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu ngành thủy sản đang có xu hướng giảm dù đã vào giai đoạn cao điểm tiêu dùng cuối năm, dù nửa đầu năm đạt mức kỷ lục khoảng 11 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản năm nay dự kiến đạt kim ngạch khoảng 11 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD, cá tra khoảng 2,5 tỷ USD, hải sản 3,2 tỷ USD và cá ngừ 1 tỷ USD. Các sản phẩm đều tăng trưởng bình quân từ 18 đến 77%. Thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản nằm top 4, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu. Riêng thị trường Mỹ, lần đầu tiên đạt kim ngạch thủy sản trên 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ hải sản chính của Việt Nam đang chững lại khi nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái, chênh lệch tỷ giá khiến hàng xuất khẩu từ Việt Nam có giá cao hơn đối thủ tại các thị trường nhập khẩu lớn như Châu Âu, Mỹ,… Lượng hàng tồn kho tăng, trong khi khâu bảo quản, logistics vẫn là điểm yếu của phần lớn doanh nghiệp trong ngành. Đặc biệt, với đặc thù phải huy động nhiều vốn vay nên không ít doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn; lãi suất tăng mạnh cũng ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh và chi phí vốn của các doanh nghiệp.

Ông Lê Bảo Toàn, Giám đốc tài chính kiêm kế toán trưởng Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú, Hậu Giang chia sẻ, lãi suất vay năm nay cao hơn nhiều so với năm trước. Ngoài ra, vấn đề tỷ giá cũng đang gây trở ngại khi không ngừng tăng cao, làm chênh lệch tỷ giá của doanh nghiệp 10 tháng năm 2022 cũng rất lớn.

“Hiện nay doanh nghiệp phát sinh khoản tiền vay, nhất là tiền USD, tỷ giá tiền đô tăng. Mình có đồng thu về đô nhưng bù trừ giữa tiền vay và tiền thu về, ít nhiều làm cho tiền của mình nó bị lỗ trị giá”, ông Toàn nói.

Bên cạnh chênh lệch tỷ giá, tại hội thảo, các đại biểu còn nhận định về khó khăn của việc xuất khẩu tôm – mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm các sản phẩm thuộc ngành thuỷ sản. So với năm 2021, giá trị xuất khẩu của tôm tăng 19% nhưng các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến và xuất khầu mặt hàng này vẫn không hồi phục mạnh. Ngoài lý do đối tác hạn chế đơn đặt hàng thì nguyên nhân chính vẫn là chưa thể tự chủ được nguồn tôm bố mẹ.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN) – chuyên nuôi chế biến tôm xuất khẩu – hàng năm lượng tôm bố mẹ nhập khẩu duy trì khoảng 200.000 con, trong đó, nhập từ Mỹ chiếm 53,5%; từ Thái Lan là hơn 20% và còn lại là các nguồn cung cấp khác. Việc nhập con giống đã làm giá thành xuất khẩu của Việt Nam cao hơn Ecuador và Ấn Độ tầm 1 USD cho mỗi loại cùng size. Do vậy, nếu đúng như hoạch định của Tổng cục Thuỷ sản, giai đoạn 2022-2030, từ chương trình giống, sẽ tăng cường đầu tư nghiên cứu tôm sú, giúp tăng thêm phần chủ động nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh cung cấp cho sản xuất trong nước thì xuất khẩu tôm mới có cơ hội “khởi sắc”, chiếm lĩnh thị trường Mỹ, EU và giữ vững được thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

“Nội tại trong nước, chúng ta phải nâng tỷ lệ nuôi thành công, ví dụ hồi xưa nuôi 10 ao – trúng 3 ao, thì cố gắng giờ trúng 7 ao. Tăng tỷ lệ nuôi thành công sẽ làm giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của mình. Giải pháp con giống, chúng ta cần thiết phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn những con giống chưa đạt chất lượng lưu thông và tiêu thụ, khắc phục được điểm này chắc chắn chúng ta sẽ nâng được tỷ lệ thành công của ao nuôi lên”, ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.


Quang cảnh Hội thảo “Ngành Thủy sản 2023: Nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng”.

Kết quả khảo sát trên 117 doanh nghiệp thuỷ sản bằng hình thức trực tiếp và online do vietnambiz.vn thực hiện, cho thấy, 71% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng ngành thuỷ sản năm 2023 sẽ khó khăn, hơn 22% doanh nghiệp đánh giá sẽ rất khó khăn và chỉ khoảng 7% doanh nghiệp lạc quan vào bức tranh ngành thuỷ sản trong thời gian tới.

Ba nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lo ngại trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay đến 2023 gồm: biến động tỷ giá, nguồn vốn thắt chặt; kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng làm giảm nhu cầu dẫn đến tồn kho tăng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ như Ecuador hay Ấn Độ.

Với câu hỏi “Doanh nghiệp đang thực hiện các giải pháp gì để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động?”, đa phần đều lựa chọn ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng và quản trị hiệu quả hàng tồn kho. Đồng thời, có tới 87% doanh nghiệp nhận thức được vấn đề đầu tư vào công nghệ để phát triển bền vững, tuy nhiên số doanh nghiệp này cho biết chưa sắp xếp được tài chính nên chưa thể triển khai và chỉ 13% doanh nghiệp sẵn sàng nguồn lực đầu tư ngay. Về vấn đề này, nhiều doanh nghiệp chuyên cung cấp vật liệu, máy móc phục vụ ngành thủy sản đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, thỏa thuận, để hai bên “song hành” cùng nhau.

“Khách hàng thủy sản miền Tây chiếm thị phần khá lớn trong tổng doanh thu của chúng tôi, phải trên 80% các nhà máy thủy sản ĐBSCL biết đến sản phẩm của chúng tôi hoặc là có sử dụng. Sau dịch COVID-19, các ngành liên quan đến thủy sản thực phẩm họ cũng phục hồi được, thì chúng tôi cũng kịp thời quay trở lại và cung cấp cho rất nhiều dự án ở ĐBSCL. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa những giải pháp tối ưu để làm sao cho doanh nghiệp đầu tư giá thành hợp lý và tăng chất lượng, giảm chi phí vận hành, tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu trên thế giới”, ông Đào Ngọc Long, Giám đốc Công ty cổ phần GreenPan cho hay.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngành thủy sản đang chịu tác động, hệ lụy của dịch COVID-19, các chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy đến nay chưa khôi phục hoàn toàn. Đặc biệt, lạm phát tăng cao làm giảm sức mua tại các thị trường đang tiêu dùng thủy sản. Để đưa xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng mạnh, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến khâu nuôi trồng đạt chất lượng cao.

“Vấn đề về thức ăn cũng như một số vấn đề liên quan đến phòng bệnh trên cơ sở cũng phải cần quan tâm tạo ra một hệ thống quan trắc tốt nhất nhằm giảm thiểu rủi ro cho người nuôi trong quá trình họ nuôi trồng thủy sản. Rất quan trọng là vấn đề quy hoạch một diện tích đất tương ứng để phục vụ tốt cho nuôi trồng thủy sản, cần phải có một chính sách nhất quán và tính đến chuyện lâu dài, trên cơ sở đó người ta có thể canh tác một cách ổn định và có được sự đầu tư đúng mức trong hoàn cảnh hiện nay”, ông Hòe nói.

Có thể thấy, dư địa của thị trường đối với thủy sản còn nhiều, cơ hội không ít, nhưng để giành được điều đó trong bối cảnh phải phát triển bền vững và phải cạnh tranh với không ít quốc gia thì ngành phải vượt qua những thách thức. Trọng tâm cần giải quyết trong năm 2023 là các vấn đề về nguồn vốn, sự linh hoạt về sản xuất của doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn; các vấn đề liên quan đến thị trường xuất khẩu cũng như giải pháp logistics, lưu kho…/.

Hồng Phương

VOV-ĐBSCL

Tin mới nhất

T5,21/11/2024