Xoay trở rủi ro khi nuôi tôm ao đất

Hiện nay, mô hình nuôi tôm ao đất đang đối diện nhiều thách thức, luôn cận kề các yếu tố rủi ro cao ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình.

Hạn chế của nuôi tôm ao đất do kết cấu ao

Bờ ao đất dễ bị xói mòn, sạt lở, gây tốn kém chi phí gia do cố thường xuyên. Ao dễ bị cua, còng, đào hang, gây rò rỉ. Tạo điều kiện cho địch hại thâm nhập, tấn công tôm trong ao, là vật chủ trung gian lây truyền dịch bệnh.

Hoạt động mạnh của tôm ở nền đáy ao, làm nước ao đục hơn. Nền đáy mau dơ, mau hình thành bùn đen, khi độc hình thành, khó kiểm soát. Nước ao đục, nên hoà tan oxy kém, sử dụng sủi oxy rất hạn chế do không thể đưa sủi sâu xuống gần nền đáy vì dễ làm nước ao đục thêm. Tôm dễ thiếu oxy, hay có hiện tượng hồng mang, hồng thân, vỏ thô ráp, sần sùi, tôm ăn yếu, sức khoẻ kém.


Bờ ao đất dễ bị xói mòn, sạt lở. Ảnh: Tepbac

Nuôi tôm trong ao đất, tôm dễ bị bệnh đường ruột, nếu cho tôm ăn bằng tay dễ gây dư thừa, lãng phí thức ăn. Nguyên nhân là khi rải thức ăn, nếu nước đục, tôm sẽ hạn chế bắt mồi, sau đó thức ăn chìm xuống đáy, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Mặt khác, do nước đục, hạn chế tôm bắt mồi, dẫn đến tôm trong ao dễ phân đàn, tăng trưởng chậm.

Nuôi tôm trong ao đất hạn chế nuôi với mật độ cao nên năng suất chưa được cải thiện. Việc nuôi tôm có kích thước lớn gặp nhiều khó khăn, do hàm lượng oxy trong ao luôn biến động, không đủ đáp ứng nhu cầu hoạt động và phát triển của tôm.

Các yếu tố rủi ro trong mô hình nuôi tôm ao đất

Mô hình nuôi tôm ao đất bị tác động bởi nhiều nguyên nhân thường gặp như: Khí hậu thời tiết diễn biến phức tạp, chất lượng nguồn nước luôn biến động, chất lượng con giống không ổn định, dịch bệnh bùng phát nhanh, nhiều chủng gây bệnh mới xuất hiện. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi thì khâu chăm sóc, quản lý mô hình còn nhiều hạn chế.

Sự cố trong nuôi tôm ao đất thường xảy sau khi thả tôm khoảng 20 ngày trở đi, mức độ tăng dần khi tôm nuôi được 30 – 45 ngày. Những sự cố có thể xảy ra sau thời tiết cực đoan, ví dụ vào những ngày trời mưa to gây tảo tàn, giảm pH khiến tôm bắt đầu giảm ăn, kéo bầy. Còn sau những ngày trời nắng to thì tảo phát triển quá mức, tôm thiếu oxy sẽ giảm hoặc ngưng ăn, chết rải rác. Thời tiết thay đổi liên tục như chợt nắng, chợt mưa, những ngày giông bão…cũng khiến các thông số pH, độ cứng, độ kiểm, oxy biến động liên tục làm sức khỏe tôm kém đi.


Sau thời gian thời tiết biến động, mô hình nuôi tôm ao đất dễ gặp sự cố. Ảnh: Tepbac.

Rủi ro của mô hình nuôi ao đất còn do các chất lơ lửng tích lũy từ chính quá trình sinh trưởng của tôm như thức ăn thừa, phân tôm và từ môi trường như nước cấp giàu phù sa, nhiều hạt sét, từ quá trình rửa trôi do mưa, do xói mòn, do sạt lở đất bờ, do rong tảo tàn,…

Dấu hiệu nhận biết tích luỹ hữu cơ trong ao nuôi:

– Ao nuôi xuất hiện tảo giáp (Dinoflagellates), tảo mắt (Euglena sp), dẫn đến nước ao nuôi chuyển nâu, nâu đỏ, đỏ, xanh rau má, khi tích lũy hữu cơ nhiều có thể chuyển đen.

– Đôi khi ao nuôi xuất hiện tảo lục (Chlorella sp) màu xanh lá chuối non, sau đó màu nước chuyển nhanh sang màu xanh rau má, chỉ thị tảo mắt hiện diện. Chứng tỏ, quá trình tích luỹ và phân huỷ hữu cơ diễn ra nơi đáy ao rất mạnh.

– Ngoài ra, nước nuôi sẽ keo sệt hoặc đặc quánh, có mùi hôi, tanh nếu tích lũy quá nhiều hữu cơ.

– Ao nuôi có nhiều bọt khí nổi trên mặt nước, bọt khí lâu tan.

Sau quá trình tích luỹ và phân huỷ hữu cơ, khí độc như NH3, NO2, H2S hình thành nhanh trong ao, trực tiếp gây độc cho tôm. Khi xuất hiện khí độc trong ao, tôm chậm lột vỏ, lột vỏ lâu cứng, lột dính vỏ, tôm bị mềm vỏ, giảm hoặc bỏ ăn. Sức khoẻ giảm sút, có biểu hiện kéo đàn bơi dọc bờ ao, hoặc xuất hiện trên mặt nước. Tôm nuôi có dấu hiệu sưng mang, đen mang, cụt râu, hoại tử phụ bộ, tổn thương vỏ…

Hạn chế rủi ro trong nuôi tôm ao đất

Cải tạo ao triệt để

Nuôi tôm trong ao đất, khi sắp triển khai vụ nuôi, bà con cần thực hiện công việc cải tạo, xử lý ao thật triệt để. Loại thải tối đa lượng bùn đáy ra xa khu vực ao nuôi, sửa chữa các hang hốc, lỗ mọi.

Dùng vôi sống CaO hay vôi tôi Ca(OH)2, chọn ngày trời nắng, bón vôi xuống ao liều lượng bình quân từ 12 – 15 kg/100 m2 ao.


Người nuôi cần chú trọng công tác cải tạo ao. Ảnh: Tepbac

Tiến hành phơi ao 5 – 7 ngày, nếu nền đáy không nhiễm phèn.

Nguồn nước trước khi dùng nuôi tôm bà con cần lắng, lọc, xử lý kỹ đảm bảo đúng hoá chất tương ứn g công đoạn, đủ liều lượng, đảm bảo thời gian cần thiết.

Sử dụng thêm EDTA loại bỏ kim loại nặng, phèn trong ao, có thể kết hợp thêm chất lắng tụ PAC[Al2(OH)nCl6-n]m.

Hạn chế dùng nước cũ cho vụ nuôi mới, nếu bắt buộc dùng, cần xử lý triệt để bằng các hoá chất như Chlorine…

Chú trọng ổn định môi trường

Giảm và giữ ổn định pH trong quá trình nuôi, có thể dùng phèn nhôm Al2(SO4)3.14H2O, liều 5 kg phèn nhôm/1000m3 nước, giữ pH ổn định ở mức 7,5 – 8,2, tác động chủ động lên quá trình phân huỷ hữu cơ, sinh ammonium NH4, hạn chế sinh NH3, cắt nguồn tạo khí độc NO2 trong ao. Trong quá trình nuôi, nếu NO2 tăng cao có thể cải thiện tức thời bằng cách thay 40 – 50 % nước.

Kiểm soát tảo thông qua kiểm soát thức ăn, ngăn tảo lấy từ thức ăn dư thừa làm nguồn dinh dưỡng phát triển vượt tầm kiểm soát.


Quan sát hỗ trợ, xử lý kịp thời để môi trường luôn ổn định. Ảnh: Tepbac.

Bón Zeolite kết hợp Yucca và oxy hạt, lượng cho mỗi loại theo hướng dẫn nhà sản xuất. Tăng cường oxy trong ao thông qua việc thay nước mới, tăng cường quạt nước, thường xuyên sử dụng vi sinh bón ao.

Sử dụng phẩm sinh học có thành phần vi sinh như Bacillus, Thiobacillus, Clostridium, Lactobacillus, Nitrosomonas, Nitrobacteria, kết hợp các enzyme hữu cơ xúc tác cho quá trình phân hủy của các vi sinh vật như: Protease, Phytase, Lypase, Amyllase, Cellulace, Chitinnase…hỗ trợ lợi khuẩn nhân sinh khối giữ môi trường ao nuôi luôn ổn định.

Chủ động bổ sung Premix, khoáng, men tiêu hoá, chế phẩm sinh học, chất hỗ trợ gan…qua con đường thức ăn, nhằm hỗ trợ, tăng cường sức đề kháng, phòng bệnh.

Lý Vĩnh Phước

Tep Bạc

Tin mới nhất

T6,22/11/2024