Tăng cường công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc thú y thủy sản trong nuôi trồng thủy sản

[Tạp chí Người nuôi Tôm] – Trước tình trạng buôn bán thuốc thú y giả, thuốc thủy sản qua mạng ngày càng phổ biến, chưa được quản lý, không bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật; sử dụng kháng sinh nguyên liệu trực tiếp để phòng và trị bệnh, Bộ NN&PTNT mới đây đã có công văn số 7499 về việc tăng cường quản lý, buôn bán sử dụng thuốc thú y thủy sản trong nuôi trồng thủy sản.


Cần tăng cường quản lý thuốc thú y thủy sản (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT kiểm tra tại một số địa phương, phản ánh của các cơ quan truyền thông, đặc biệt cảnh báo của các nước nhập khẩu thủy sản của Việt Nam cho thấy:

(1) Thời gian qua, vẫn còn tình trạng một số cửa hàng buôn bán kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, thuốc thú y giả, thuốc kém chất lượng, vi phạm quy định về ghi nhãn thuốc thú y;

(2) Buôn bán thuốc thú y thủy sản qua trực tuyến, qua mạng xã hội ngày càng phổ biến, chưa được quản lý, không bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật (người bán không có bằng cấp chuyên môn, không có chứng chỉ hành nghề thú y, không có trang thiết bị, không bảo đảm điều kiện bảo quản thuốc theo quy định, thuốc thú y được gửi, vận chuyển theo các phương tiện giao thông công cộng, qua người giao hàng, shipper đến tận vùng nuôi, cơ sở nuôi), đặc biệt buôn bán thuốc thú y không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu và bán nguyên liệu kháng sinh cho người dân sử dụng;

(3) Tình trạng nhân viên tiếp thị đến vùng nuôi, cơ sở nuôi thủy sản để quảng cáo, tư vấn không đúng với công dụng, cách sử dụng của sản phẩm và bán trực tiếp thuốc thú y thủy sản chưa được phép lưu hành tại Việt Nam cho người nuôi;

(4) Cơ sở sử dụng trực tiếp nguyên liệu kháng sinh để phòng, trị bệnh (trái với quy định hiện hành); sử dụng thuốc cấm, đặc biệt mua các loại thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh với liều lượng tùy tiện; sử dụng thuốc sai mục đích, pha trộn kháng sinh vào thức ăn thủy sản để phòng bệnh còn phổ biến; không tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc;

(5) Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phát hiện nhiều mẫu thủy sản có tồn dư kháng sinh cấm sử dụng (Enrofloxacin, Ciprofloxacin, Ofloxacin và Chloramphenicol). Những vi phạm quy định nêu trên gây mất an toàn thực phẩm, gia tăng tình trạng kháng thuốc, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của nước ta.

Để chấm dứt ngay tình trạng vi phạm nêu trên, cũng như nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác quản lý thuốc thú y, giảm thiểu nguy cơ gây tồn dư kháng sinh, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, không ảnh hưởng xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang các nước, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và người dân địa phương tổ chức thực hiện nghiêm việc quản lý, buôn bán, sử dụng thuốc thú y, đặc biệt là kháng sinh theo đúng quy định của pháp luật về thú y, chăn nuôi, thủy sản; khẩn trương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Công văn số 3209/BNN-TY ngày 24/5/2022 về ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vắc xin thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc; Công văn số 4792/BNN-TY ngày 25/7/2022 về tăng cường kiểm tra buôn bán, sử dụng thuốc, vắc xin thú y không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam); đồng thời chỉ đạo triển khai một số nội dung sau đây:

1. Tổ chức quản lý có hiệu quả hoạt động buôn bán, vận chuyển, sử dụng thuốc thú y, các sản phẩm hóa chất, sinh học xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

2. Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở buôn bán thuốc thú y, các sản phẩm hóa chất, sinh học xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; tổ chức lấy mẫu kiểm tra chất lượng, thu hồi, tiêu hủy và xử lý các hành vi vi phạm hoặc kiến nghị nghị với cơ quan có thẩm quyền về những trường hợp vi phạm cần phải xử lý hình sự; tổ chức kiểm tra việc sử dụng thuốc thú y, nhất là kháng sinh tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định.

3. Giao các cơ quan chức năng của địa phương thành lập các chuyên án, điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng thuốc thú y, nhất là kháng sinh không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc cấm sử dụng, thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, ghi sai nhãn mác, ghi sai công dụng, bán và sử dụng nguyên liệu kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

4. Kiểm tra, thanh tra, điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán bất hợp pháp thuốc thú y trên mạng xã hội, qua hình thức trực tuyến; các trường hợp vi phạm quy định về tiếp thị, bán trực tiếp thuốc thú y, các sản phẩm hóa chất, sinh học xử lý, cải tạo môi trường thủy sản tại các vùng nuôi, cơ sở nuôi.

5. Chỉ đạo cơ quan thú y, thủy sản tăng cường công tác quản lý vùng nuôi, cơ sở nuôi; hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản các quy trình nuôi an toàn dịch bệnh; không lạm dụng kháng sinh, không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc y tế, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

6. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, trách nhiệm trong buôn bán, sử dụng thuốc thú y có nguồn gốc rõ ràng, được phép lưu hành tại Việt Nam; tác hại của việc sử dụng không theo quy định thuốc thú y thủy sản, thuốc y tế, thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục; chỉ sử dụng thuốc thú y đã được phép lưu hành và tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc theo quy định.

P.V

Tin mới nhất

CN,24/11/2024