Người dân nuôi trồng thuỷ sản Khánh Hoà không chủ quan trước mùa mưa bão

Theo dự báo từ nay đến cuối năm tình hình thời tiết diễn phức tạp, mưa dông, bão, lũ…gây bất lợi cho nuôi trồng thuỷ sản, do đó người nuôi cần thận trọng.

Gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản

Những ngày đầu tháng 8 này, chúng tôi có mặt tại vùng nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) khi nhiều người nuôi đã chủ động gia cố lồng bè.


Người nuôi trồng thủy sản ở Đầm Môn, xã Vạn Thạnh chủ động gia cố lồng bè. Ảnh: KS.

Anh Phạm Thanh Tùng, một người nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè ở thôn Đầm Môn cho biết, mọi năm từ tháng 9, 10, tỉnh Khánh Hòa mới bước vào mùa mưa bão. Lúc đó, người nuôi nơi đây mới thực hiện gia cố lồng bè. Tuy nhiên năm nay nhận thấy thời tiết diễn biến phức tạp, vì vậy hầu hết người nuôi nơi đây đã gia cố lồng bè sớm hơn một tháng.

“Nuôi thủy sản bằng lồng bè sợ nhất là bão, sóng lớn dễ gây thiệt hại. Vì vậy việc chủ động tu sửa lồng bè, chằng chống chắc chắn, đảm bảo an toàn cho người nuôi trên bè và thủy sản là rất cần thiết”, anh Tùng bày tỏ và cho biết, rút kinh nghiệm từ cơn bão 2017, từ nhiều năm nay, người nuôi ở thôn Đầm Môn luôn đảm bảo tính mạng con người là trên hết. Trước khi bão vào, người nuôi đều vào bờ tránh trú an toàn.

Cách bè anh Tùng không xa, bè nuôi tôm hùm, cá bớp hơn 5.000 con của anh Phạm Thành Thái, người cùng thôn đang cho lao động kiểm tra lưới, gia cố bè để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão.


Bè nuôi trồng thủy sản của anh Phạm Thành Thái, ở Đầm Môn, xã Vạn Thạnh. Ảnh: KS.

Theo anh Thái, việc gia cố lồng bè này chỉ là bước đầu, còn khi bước vào giai đoạn cao điểm mùa mưa bão, người nuôi thường xuyên kiểm tra lồng bè, cùng với đó tăng cường nhiều neo để giữ các lồng bè không bị trôi dạt, sóng đánh hư hại.

Theo các hộ nuôi thủy sản bằng lồng bè ở Đầm Môn, vào thời điểm này nhiều người nơi đây cũng đã chủ động thu hoạch gần hết tôm, cá thương phẩm. Nhiều hộ nuôi còn che thêm lưới để bảo vệ đàn cá dưới thời tiết hiện nắng, mưa xen kẽ thất thường vào buổi chiều. Điều này khiến cá dễ bị sốc nhiệt, nhiễm bệnh, bỏ ăn, thậm chí là chết, gây rủi ro cao.

Ông Lê Hoàng Vương, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, cho biết, toàn xã có trên 27.000 ô lồng nuôi tôm hùm, cá các loại, với 820 hộ nuôi. Vào mùa mưa bão, để đảm bảo an toàn về người, lồng bè nuôi trồng thủy sản, cả hệ thống chính trị của địa phương đều vào cuộc quyết liệt tuyên truyền, vận động người dân chằng chống lồng bè, di dời đến nơi an toàn. Cùng với đó, đưa tất cả người nuôi lên bờ tránh trú an toàn, tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè.

Tăng cường kiểm tra nuôi trồng thủy sản

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm, có thể xuất hiện nhiều hình thái thiên tai như mưa giông, bão, lũ, thời tiết thay đổi cực đoan…) gây bất lợi cho nuôi trồng thuỷ sản.


Người nuôi dùng lưới che chắn lồng nuôi nhằm hạn chế cá nuôi bị sốc nhiệt nắng mưa xen kẽ. Ảnh: KS.

Nhằm chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tại, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra tình hình sản xuất thủy sản trên địa bàn và thông tin về dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai, cũng như thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường thủy sản của Chi cục Thủy sản và đơn vị có liên quan đến người nuôi để chủ động phòng, tránh giảm thiểu thiệt hại.

Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản đề nghị các địa phương, trước khi có mưa lũ cần tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện các biện pháp như liên tục cập nhật, theo dõi diễn biến thời tiết; tổ chức thu hoạch thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm.

Đối với ao, đìa, nạo vét kênh mương; đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao; gia cố bờ ao, đầm, các công trình phụ trợ tại cơ sở đảm bảo an toàn khi mưa, bão đến. Đối với lồng bè, người nuôi cần tu sửa và gia cố lại hệ thống phao nổi, dây neo, cọc cố định lồng, vệ sinh lồng bè thông thoáng.

Cùng với đó, di dời lồng bè vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp khi cần thiết. Nếu lồng bè không di chuyển được thì cần che chắn mặt lồng, bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài. Kịp thời sơ tán lao động trên lồng, bè về nơi tránh trú an toàn khi xảy ra thiên tai.


Huyện Vạn Ninh là thủ phủ nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè ở tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Còn sau mưa lũ, người nuôi cần xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao. Đồng thời kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước nơi đặt lồng bè nuôi nhằm đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép. Đối với lồng, bè di chuyển đến vùng nuôi có chất lượng nước đảm bảo an toàn nếu cần thiết. Cùng với đó bổ sung vitamin C hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn, để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Nếu thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết, người nuôi cần báo cáo cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương để được hướng dẫn tiêu độc, khử trùng và xử lý nước. Đặc biệt, người nuôi không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có thủy sản bị bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Khi xảy ra thiệt hại do thiên tai, chi cục Thủy sản Khánh Hòa đề nghị các địa phương hướng dẫn người nuôi thống kê chính xác diện tích, mức độ thiệt hại để có cơ sở đề xuất hỗ trợ cho người dân theo quy định tại Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Kim Sơn

Nongnghiep.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024