Tiến sĩ tạo chế phẩm làm sạch ao nuôi tôm cá khỏe, lớn nhanh

Chế phẩm vi khuẩn tía quang hợp không lưu huỳnh do TS Đỗ Thị Liên và cộng sự sản xuất giúp người nuôi thủy sản không phải sử dụng kháng sinh, năng suất tăng gần 11%.

TS Đỗ Thị Liên (44 tuổi), Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, lần đầu tiên các nhà khoa học Việt phân lập được chủng vi khuẩn tía quang hợp bản địa để tạo thành chế phẩm dạng lỏng và dạng lỏng sệt có khả năng xử lý các hợp chất hữu cơ, sulfide, sử dụng làm nguồn thức ăn tươi sống cho các loài hai mảnh vỏ như hàu, ngao…

Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu trong các đầm ao nuôi tôm tại Thanh Hóa, Quảng Ninh, Tiền Giang và bãi ngao tại ven biển Nam Định, tuyển chọn và phân lập được các chủng có khả năng xử lý các hợp chất hữu cơ và sulfide cao nhất để tạo ra được chế phẩm dạng dịch vi khuẩn tía quang hợp bản địa ứng dụng xử lý đáy ao nuôi thủy sản.

Chế phẩm vi khuẩn tía quang hợp dạng lỏng sệt do nhóm nghiên cứu của TS Đỗ Thị Liên sản xuất. Ảnh: NVCC

Chế phẩm được Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I thử nghiệm và đánh giá xử lý môi trường ao nuôi cá rô phi hiệu quả. Chế phẩm xử lý nhanh các chất hữu cơ ô nhiễm (BOD3, H2S) trong hồ nuôi, loại bỏ sulfide, làm sạch đáy ao nuôi.

Thử nghiệm tại hợp tác xã thủy sản chất lượng cao ở Hải Dương cũng cho thấy cá tăng trưởng rõ rệt từ khoảng 290g/con lên 803,1/con sau 3 tháng (mức tăng trưởng trung bình đạt 513/g, cao hơn so với việc không dùng chế phẩm là 465g/con).

Chế phẩm được ứng dụng xử lý tại nhiều ao nuôi tôm cá tại các tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Tiền Giang… đều cho kết quả xử lý các hợp chất hữu cơ và sulfide tốt.

TS Liên cho biết, hiện nhiều trang trại nuôi trồng thủy sản chủ yếu là thâm canh và siêu thâm canh với mật độ dày và siêu tải trọng thức ăn. Vì thế, lượng thức ăn dư thừa và chất thải vật nuôi tích tụ dưới đáy ao hồ gây ô nhiễm, khiến tôm cá bị bệnh.

“Khi môi trường nuôi an toàn, người nuôi sẽ không phải sử dụng các hóa chất cũng như chất kháng sinh, tránh được các tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái”, TS Liên nói và cho biết thêm, chế phẩm giúp làm sạch nước nên cũng giảm số lần phải thay nước, tiết kiệm chi phí.

Ở Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc đã ứng dụng vi khuẩn này trong xử lý đầm ao nuôi thủy sản. TS Liên cho biết, Việt Nam cũng từng nhập khẩu chế phẩm vi khuẩn tía quang hợp dạng dịch từ Trung Quốc, Thái Lan. Tuy nhiên các chế phẩm nhập khẩu chưa phát huy được tính bản địa như chế phẩm sản xuất trong nước.

Nhóm nghiên cứu trong nước cũng cải tiến, điều chế dung dịch từ dạng lỏng sang dạng sệt để thuận lợi trong việc vận chuyển. Điểm khác biệt của chế phẩm dạng sệt là có mật độ cao gấp 100 lần chế phẩm dạng dịch, được đóng gói 1-5kg dễ bảo quản và vận chuyển. Để sử dụng, tùy thuộc vào các chỉ tiêu BOD3, hàm lượng sulfide trong ao nuôi và bùn đáy ao, hàm lượng NH4, NO2, người nuôi có thể bổ sung chế phẩm từ 1-2 tuần/lần (tùy thuộc vào giai đoạn sinh trưởng của vật nuôi). Chế phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2021.

TS Lê Thị Nhi Công, trưởng phòng Phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết chế phẩm vi khuẩn tía quang hợp dạng lỏng sệt không chỉ phù hợp với đầm ao nuôi tôm, cá, ngao, hàu quy mô lớn, mà còn có thể sử dụng ngay cả hồ cá Koi của gia đình. Các doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng cũng cho thấy thực tế nước ao nuôi sạch hơn hẳn khi sử dụng chế phẩm.

TS Công nói thêm, trước đây việc vận chuyển đi các nơi gặp khó khăn, song nghiên cứu mới với chế phẩm dạng lỏng sệt với mật độ cao gấp 100 lần so với dạng dịch đã giúp giải quyết được bài toán chi phí vận chuyển, có lợi cho người sử dụng.

Như Quỳnh
VNExpress

Tin mới nhất

T6,22/11/2024