Tôm được giá, doanh nghiệp lo cuối năm gặp khó

Các công ty chế biến tôm đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp nhận định sẽ có nhiều bất lợi từ nay đến cuối năm.

Tối 27/5, anh Trịnh Văn Hiếu (42 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) gọi điện thoại cho nhiều đại lý thủy sản để chọn nơi bán khoảng 5 tấn tôm thẻ nuôi 75 ngày. Nông dân này cũng cân thử trọng lượng tôm đạt 40 con/kg, nuôi theo mô hình trải bạt tại ấp Tân Tĩnh, xã Vĩnh Hiệp.

Một ao tôm lãi 150-200 triệu đồng

Theo anh Hiếu, lý do không chờ đàn tôm tăng lên kích cỡ khoảng 30-35 con/kg mà thu hoạch sớm do nhiều ngày qua mưa dầm, tỷ lệ hao hụt cao. Thời tiết bất lợi khiến tôm lột vỏ nhanh nhưng tỷ lệ cứng vỏ sau một đêm cứ giảm dần khiến số lượng vớt bỏ tăng dần mỗi ngày.

Sau nhiều lần thăm dò về giá, anh Trịnh Văn Hiếu quyết định bán tôm thẻ cho đại lý gần nhà. Đại lý này mua tôm kích cỡ 40 con/kg với giá 131.000 đồng, cao hơn một số đại lý khác 1.000 đồng.

Thu hoạch tôm tại ao của anh Trịnh Văn Hiếu.

Nói với Zing, anh Lưu Trường Giang, đại diện kinh doanh Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát (huyện Trần Đề, Sóc Trăng), cho biết kích cỡ tôm 30-40 con/kg được doanh nghiệp này mua với giá 133.000-144.000 đồng, nhưng phải số lượng nhiều. Nếu số lượng chỉ 5 tấn như của anh Hiếu, doanh nghiệp giảm giá 2.000 đồng/kg (131.000 đồng loại 40 con).

Theo anh Giang, giá tôm thẻ giậm chân tại chỗ nhiều tuần qua. Tôm thẻ loại 20 con/kg được doanh nghiệp mua tại ao với giá 210.000 đồng, giảm 20.000 đồng so với đầu năm.

Tôm thẻ loại 25 con/kg được doanh nghiệp ở Sóc Trăng mua với giá 175.000 đồng; tôm loại nhỏ 80 con/kg giá 111.000 đồng, 90 con 102.000 đồng và 100 con giá 97.000 đồng. Với giá này, mỗi ao tôm 5 tấn nông dân thu lãi 150-200 triệu đồng.

Tại huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng, cho biết tôm thẻ kích cỡ lớn rất ít hàng nên doanh nghiệp mua loại 20 con/kg giá 225.000 đồng. Nơi nào có nhiều tôm thẻ loại này, công ty sẽ mua với giá 228.000-230.000 đồng/kg.

Hiện, Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cũng mua tôm thẻ loại 20 con/kg với giá 230.000 đồng. Với giá này, nông dân thu lãi hơn 30% so với vốn đầu tư.

Ngành tôm đối mặt nhiều khó khăn

Trao đổi với Zing, bà Quách Thị Thanh Bình – Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết vụ nuôi tôm đầu năm 2022 người nuôi thắng lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây nắng, mưa bất thường nên xảy ra tình trạng tôm bị thiệt hại.

Qua thống kê của ngành nông nghiệp, tuần qua tỉnh Sóc Trăng có thêm 2.097,8 ha tôm nước lợ được thả nuôi. Trong tuần, tôm bị thiệt hại 225 ha, tập trung tại phường Khánh Hòa, xã Lai Hòa của thị xã Vĩnh Châu; xã Hòa Tú 2, Ngọc Tố và Ngọc Đông của huyện Mỹ Xuyên.

Như vậy, lũy kế tôm thiệt hại từ đầu năm đến nay tại tỉnh có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất miền Tây là 772 ha, chiếm 2,9% diện tích thả (cao hơn 199,5 ha so với cùng kỳ).

“Chúng tôi khuyến cáo với người nuôi là thời thiết bất thường, có thể mưa dầm nhiều ngày. Đây là thời điểm thời tiết bất lợi nên bà con có động thái chuẩn bị”, bà Bình nói.

Là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp tôm lớn ở Sóc Trăng, ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết nhiều doanh nghiệp tôm đang có mức tăng trưởng xuất khẩu cao trong những tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, từ đây đến cuối năm ngành tôm có thể đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

“Bốn tháng đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu của công ty tôi là 45%. Lý do tăng trưởng xuất khẩu cao là do cuối năm rồi không đủ tàu, container vận chuyển nên các nhà máy dời sang năm nay để xuất. Quý I năm rồi cước tàu và chi phí tăng không được đưa vào giá bán nhưng năm nay khách hàng chấp nhận”, ông Phục nói.


Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, năm 2021, dịch Covid-19 nên nhiều nhà máy đóng cửa. Tuy nhiên, các công ty lớn hoạt động tốt, dự trữ được một lượng lớn tôm nguyên liệu có nguồn để xuất khẩu vào những tháng đầu năm 2022.

Đối với thị trường nguyên liệu và nuôi trồng năm 2022, ông Võ Văn Phục nhận định sẽ đạt thấp hơn năm 2021, do một số nông dân thua lỗ năm trước nên năm nay không dám mạo hiểm thả tôm. Thứ 2 là tình hình biến đổi thời tiết, từ tháng 3 đến nay mưa bất thường, mưa đêm cả tuần làm cho điều kiện nuôi tôm bất lợi và dịch bệnh xuất hiện.

Trong thời gian tới, đặc biệt là những tháng quý II-III, thông thường các nhà máy tăng tốc để xuất vào thị trường Mỹ do đây là mùa sản lượng lớn, vụ thu hoạch chính, mức giá tương đối thấp để xuất bán cho thị trường Mỹ. Tuy nhiên, năm nay do có điều khác biệt là tình hình nuôi trồng ở Việt Nam khó khăn nên sản lượng trong thời gian tới được các doanh nghiệp dự báo không như dự kiến.

“Chúng ta còn khó khăn nữa là cạnh tranh với một số nước khác như Ấn độ, Indonesia… Các nước này bán rẻ hơn Việt Nam nên lượng hàng vào Mỹ của Việt Nam rất thấp so với những năm trước. Tình hình lạm phát mạnh ở các nước lớn như Mỹ nên sức mua giảm, họ muốn chuyển chi phí này cho người nuôi gánh”, lãnh đạo Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam chia sẻ.

Bảo Ngọc (Theo Zingnews)

Tin mới nhất

T7,23/11/2024