Tôm và cá tra tiếp tục giữ vững thị trường EU trong nỗ lực gỡ ‘thẻ vàng’

Hai mặt hàng thủy sản chính của Việt Nam là tôm và cá tra vẫn đang có chỗ đứng vững chắc tại thị trường EU, dù các doanh nghiệp xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn về các quy định khắt khe và thẻ vàng IUU.

Tại Hội nghị giao thương thủy sản Việt Nam – EU 2022 mới đây, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tổ chức, các chuyên gia trong ngành đã có nhiều chia sẻ về vị thế cũng như thách thức của thủy sản Việt tại thị trường cao cấp này.

Xuất khẩu thủy sản không ổn định

Trong 10 năm qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU giao động từ 1,1 – 1,5 tỷ USD/năm. EU luôn nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu hàng thủy sản Việt Nam lớn nhất. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu sang thị trường này không ổn định, một phần do biến động của đồng Euro, một phần do đại dịch covid trong vài năm trở lại đây.

Giá trị thủy sản chung và các sản phẩm xuất khẩu chính giai đoạn 2020 – 2021 đều thấp hơn các năm trước. Bên cạnh việc sụt giảm do đại dịch còn do Brexit khi Anh rời EU vì thị trường này chiếm gần 4% nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, trị giá khoảng 300 – 350 triệu USD mỗi năm. Do vậy lượng thủy sản xuất khẩu sang EU ghi nhận sự sụt giảm.

Hiện tại, theo Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam) bà Lê Hằng cập nhật, tôm và cá tra chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU. Hai mặt hàng này chi phối khoảng 65 – 67% trong tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU. Các loại hải sản khác thì chiếm khoảng 33 – 35%

Top 3 thị trường chính xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là Đức, Italia và Hà Lan, tổng chiếm 39 – 41% giá trị xuất khẩu thủy sản sang khối này. Trong khi xuất khẩu tại Đức và Italia giảm thì Hà Lan lại tăng trưởng mạnh.

Quy định khắt khe của thị trường cao cấp

Trong khi đó, EU đã thiết lập một khuôn khổ pháp lý để quản lý đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; quản lý đội tàu hạn ngạch… Nhằm đảm bảo chất lượng và đúng quy trình đã đề ra, vài năm một lần, EU sẽ cử cơ quan kiểm tra các hệ thống đang có của nước xuất khẩu và đi thăm một số nơi trong chuỗi cung ứng, để xem quá trình thực hiện.

Với từng mặt hàng cụ thể sẽ có thêm các quy định riêng. Cá tra có thêm một số quy định riêng như kiểm soát cacbon, tỷ lệ nước… Tôm giảm dư lượng. Riêng mặt hàng cá ngừ là các quyết định chống đánh bắt bất hợp pháp. Hiện nay, nhiều nước nhận được “thẻ vàng” IUU từ phía châu Âu.

Quy định của EU về ngăn chặn đánh bắt cá không không hợp pháp có hiệu lực từ ngày năm 2010. Phía EU cho rằng đánh bắt bất hợp phát có tác động tiêu cực đến bảo vệ nguồn cá toàn cầu, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với những loài được đánh bắt hợp pháp và có trách nhiệm.

Hiện nay, Việt Nam và một số nước xuất khẩu khác đang phải đối mặt với việc truy xuất nguồn gốc này. Ngày 23/10/2017, sau nhiều lần vào Việt Nam kiểm tra hoạt động tuân thủ quy định của EU về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý, Ủy ban châu Âu đã cảnh cáo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vào thị trường châu Âu.

Nếu không quyết liệt thay đổi, Việt Nam có nguy cơ bị thẻ đỏ. Điều này có ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến ngành thủy sản của Việt Nam.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã tăng mạnh trong 20 năm qua, từ 90 triệu USD năm 1999 lên gần 1,5 tỷ USD năm 2017 (sau đó giảm xuống còn 1,22 tỷ USD năm 2020). Năm 2017, EC cảnh báo thẻ vàng IUU (Luật Chống đánh bắt bất hợp pháp) đối với Việt Nam do không hợp tác và không đủ nỗ lực chống khai thác thủy sản IUU.

Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đạt khoảng 1,3 tỷ USD, trong đó sản phẩm hải sản khai thác đóng góp khoảng 387 triệu USD. So với năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU năm 2019 giảm 12%.

Bước sang năm 2020, vừa chịu sự tác động của “thẻ vàng” vừa bị ảnh hưởng bởi đại dịch, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 1,22 tỷ USD, giảm 6% so với năm 2019. Mặt khác, cuối năm 2020, ngành thủy sản cuối năm 2020 còn được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA. Có thể thấy, “thẻ vàng” IUU đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Vị thế của thủy sản Việt Nam tại EU

Trong 1 thập kỷ qua, thủy sản Việt Nam chiếm khoảng 2,6 – 2,8% thị phần tại EU. Việt Nam là nguồn cung thủy sản lớn thứ 5 của thị trường này (sau Nauy, Trung Quốc, Ecuador và Maroc).

Thực tế, Việt Nam chưa hoặc ít chịu sự cạnh tranh từ phía Nauy và Trung Quốc, vốn là hai thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Nauy chủ yếu cung cấp cá hồi nuôi và cá tuyết cho EU; Trung Quốc xuất khẩu cá thịt trắng, chủ yếu là cá minh thái và cá hồi đã gia công chế biến. Xét về cơ cấu, mặt hàng cá tra của Việt Nam vẫn chưa “đụng hàng” với hai thị trường này.

Bà Hằng cho biết: “hầu hết cá tra xuất khẩu sang EU đều có xuất xứ từ Việt Nam”. Giá cá tra Việt lại thấp hơn so với các loài được đánh bắt tự nhiên nên có sức cạnh tranh lớn. Các nhà cung cấp cá tra ở Việt Nam cũng đang xây dựng mối quan hệ lâu dài, bền vững với các nhà nhập khẩu.

Về mặt hàng tôm, tôm Việt hiện đang gặp thế khó với sản phẩm tôm của Ấn Độ và Ecudor. Giá thành tôm của 2 nước này có mức rẻ hơn, tạo nên sức ép lên tôm Việt. Dù vậy, về lâu dài, tôm Việt Nam sẽ có nhiều ưu thế hơn khi ngành chế biến thủy sản của Việt Nam có bề dày lịch sử và có nhiều sản phẩm được chứng nhận ASC.

“Với EVFTA, đến năm 2024, thủy sản sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu, khi đó tôm Việt được chế biến sâu hơn, to hơn mà giá thành không chênh lệch lớn so với tôm Ấn Độ”

Lê Hằng – Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam)

Các sản phẩm tôm sú của Việt Nam đã được đưa vào siêu thị, chợ và dịch vụ thực phẩm cao cấp của châu Âu nhờ đạt được các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế. Ở phân khúc tôm sú, Việt Nam gần như không gặp rất ít hoặc không có sự cạnh.

Đối với thủy sản khác, trong 10 năm qua, xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng mạnh nhưng chỉ chiếm thị phần nhỏ, khoảng 1,2 – 2,6% lượng nhập khẩu của EU.

Việt Nam hiện là nguồn cung bạch tuộc lớn thứ 12 tại EU, chiếm 1,5 – 3,3% thị phần nhập khẩu. Trước sự cạnh tranh của Ấn Độ, Trung Quốc, Peru, Thái Lan…, mặt hàng thủy sản này có xu hướng giảm.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm tại Đan Mạch, Phần Lan, Iceland và Latvia), ngoài việc quan tâm đến các quy định của thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn thì việc xây dựng thương hiệu và thu hút khách hàng qua câu chuyện sản phẩm là những yếu tố quan trọng nhất để tạo vị thế cho thủy sản Việt.

Xu hướng dùng thực phẩm thủy sản của người tiêu dùng châu Âu

Về xu hướng thực phẩm hiện tại, bà Thúy cho biết hiện nay xu hướng sử dụng các thức ăn tiện lợi đang tăng rất nhanh. Không chỉ thị trường Bắc Âu mà các nước khác trong khối EU cũng đang chuộng xu hướng này. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản nếu có thể cung cấp các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Mặt hàng thủy sản cũng đang dần lên ngôi khi người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm đến thực phẩm hữu cơ. Tháng 3/2021, Ủy ban châu Âu đã ban hành kế hoạch hành động phát triển sản phẩm hữu cơ, thúc đẩy, duy trì niềm tin của người tiêu dùng, đưa thực phẩm hữu cơ đến gần hơn với người dân. Thực phẩm hữu cơ, bao gồm thủy sản, trong thời gian tới dự báo sẽ vẫn tiếp tục tăng.

Các chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị giao thương thủy sản Việt Nam – EU 2022.

Vấn đề truy xuất nguồn gốc trở thành xu hướng tiếp theo. Người tiêu dùng châu Âu có phần thận trọng, đặc biệt khi đại dịch diễn ra, bởi đang quan tâm đến vấn đề sức khỏe của bản thân. Do vậy, nếu có thể truy xuất nguồn gốc thì sản phẩm sẽ trở nên “hút” khách hàng hơn. Việc truy xuất giúp người dùng có thể kiểm tra chuỗi cung ứng của sản phẩm.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean

Tin mới nhất

T6,22/11/2024