Khuyến cáo dành cho người nuôi thủy sản mùa hạn mặn

Hiện nay, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau được ổn định và chủ động giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn, Chi cục Thủy sản tỉnh đã đưa ra khuyến cáo nhằm giúp người dân nắm bắt và sản xuất đạt hiệu quả.


Người dân cần kiểm tra độ mặn trước khi thả giống.

Do hạn hán kéo dài, hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu vùng nội đồng, lượng nước bay hơi trong ngày tăng cao, hàm lượng muối trong nước lắng tụ lại trong các ao đầm, tuyến sông khu vực nội đồng dẫn đến độ mặn tăng cao, việc hạn hán kéo dài kèm theo biến động của các yếu tố môi trường như nhiệt độ, pH, độ kiềm thay đổi đã tác động trực tiếp đến sức khỏe của các loài thủy sản và có khả năng ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Để chủ động ứng phó, người dân cần thực hiện tốt khung lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2020; đồng thời, thường xuyên theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và một số ứng dụng từ cơ quan chuyên môn để cập nhật tình hình thời tiết, độ mặn,… và có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Đối với trường hợp đang cải tạo, chuẩn bị thả nuôi, người dân cần tận dụng nắng nóng kéo dài, tiến hành cải tạo ao nuôi, phơi đầm diệt bớt mầm bệnh dưới nền đáy ao và lựa chọn thời điểm thích hợp khi độ mặn giảm xuống dưới 30‰ để thả giống. Bên cạnh đó, áp dụng quy trình nuôi phù hợp đối với vùng, địa phương (khuyến cáo nuôi 2, 3 giai đoạn), sử dụng tôm giống đạt kích cỡ theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8398:2010 và ương dèo trước khi thả nuôi thương phẩm. Ngoài ra, ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân nên nuôi tôm với mật độ thưa và sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, sử dụng thức ăn hợp lý cùng với việc kiểm tra tôm nuôi đạt đầu con – tỷ lệ sống cao, nếu lượng thức ăn tự nhiên không đủ cần tiến hành bổ sung. Người dân cũng nên làm sàn hoặc nhá (vó, chộp) cho tôm ăn để cân, chỉnh thức ăn, hạn chế thấp nhất bổ sung thừa thức ăn, gây tác động xấu đến môi trường nước.

Người dân nên ương dèo tôm trước khi thả nuôi thương phẩm.

Đối với những hộ đang thả nuôi, khi đến kỳ thu hoạch nên liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Riêng đối với cơ sở đang nuôi theo hình thức mật độ cao, tôm kích cỡ còn nhỏ chưa đến thời điểm thu hoạch cần san thưa để quản lý và chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro, giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất. Thường xuyên gia cố bờ bao, hạn chế nước rò rỉ, đối với hình thức nuôi thâm canh cần giữ độ sâu mực nước ao nuôi từ 1,2 – 1,5m, còn nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến cần duy trì mực nước trên mặt đầm > 0,5m. Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra môi trường ao nuôi như: Nhiệt độ, độ mặn, pH, độ kiềm,.. để điều chỉnh cho phù hợp. Tăng cường oxy hòa tan và duy trì ở mức phù hợp cho tôm nuôi. Cùng với đó, kết hợp thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong quản lý sức khỏe tôm nuôi và định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý nước nhằm ổn định môi trường, tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.Bên cạnh đó, người nuôi cần quan tâm theo dõi tình hình thời tiết, môi trường, chất lượng con giống, giá cả thị trường,… trên các kênh thông tin như: bản tin dự báo thời tiết, chuyên đề kinh tế thủy sản, khuyến nông… Không  sử dụng các loại thuốc, hóa chất, kháng sinh trong danh mục cấm sử dụng và chưa được phép lưu hành ở Việt Nam. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định của cơ quan nhà nước, đối với loại hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trước khi thả nuôi phải hoàn thiện hồ sơ đăng ký với chính quyền địa phương, các hộ nuôi tôm phải đăng ký kê khai sản xuất ban đầu, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về giá cả thị trường, dịch bệnh và có kế hoạch sản xuất phù hợp cho từng hộ nuôi.

Hồng Nhung

Camau.gov.vn

Tin mới nhất

T3,26/11/2024