Nông dân Sài thành ùn ùn đi học xuất khẩu tôm trực tuyến

Lớp học xuất khẩu tôm trực tuyến này do Hội Nông dân xã Hiệp Phước (Nhà Bè, TP.HCM) và Công ty Mediastep (đại lý ủy quyền của Alibaba.com tại Việt Nam) vừa tổ chức.


Khá đông nông dân nuôi tôm ở xã Hiệp Phước (Nhà Bè, TP.HCM) đi học xuất khẩu tôm trực tuyến. Ảnh: Trần Đang

Đi tìm cơ hội xuất khẩu tôm trực tuyến

Từ sáng sớm, nhiều nông dân nuôi tôm xã Hiệp Phước háo hức quy tụ trong căn phòng mượn nhờ của một trường mẫu giáo để chờ học xuất khẩu tôm trực tuyến.

Từng sử dụng chợ điện tử buôn bán nông sản, nhưng khi nghe có buổi học xuất khẩu tôm trực tuyến này, anh Nguyễn Thanh Tùng (xã Hiệp Phước) đã vội tìm đến học.

Anh Tùng kể, lúc tham gia buôn bán qua chợ điện tử anh đang quản lý một công ty xuất nhập khẩu nông sản. Hiện, anh Tùng đang nuôi tôm công nghệ cao với 4ha.

“Thời điểm đó buôn bán qua mạng chưa sôi nổi như bây giờ. Nhưng có tham gia tôi thấy khá hiệu quả. Đây là công cụ tìm kiếm khách hàng khá tốt”, anh Tùng chia sẻ.

Anh Tùng hy vọng, qua buổi học này, anh sẽ biết thêm mở và đầu tư gian hàng bán tôm qua chợ điện tử Alibaba ra sao.

Cũng như anh Tùng, anh Lâm Thanh Hùng, Giám đốc HTX Vina Nhà Bè, cũng đến lớp học khá sớm.

Mặc dù đã sử dụng mạng xã hội để giới thiệu và bán hàng của HTX, nhưng đây là lần đầu tiên anh Hùng tiếp cận một lớp học xuất khẩu tôm trực tuyến.


Anh Lâm Thanh Hùng, Giám đốc HTX Vina Nhà Bè trong lớp học xuất khẩu tôm trực tuyến. Ảnh: Trần Đáng

Anh Hùng cho biết, anh mong mỏi sau khi tham gia lớp học sẽ nắm được phương thức xây dựng gian hàng trên chợ điện tử, làm thế nào để tìm kiếm khách hàng thị trường ngoài nước.

“Tôi vẫn sử dụng các trang mạng xã hội để giới thiệu, bán hàng. Nhưng sử dụng cách này chỉ tiếp cận nhóm nhỏ, khó tìm kiếm khách hàng quá”, anh Hùng thổ lộ.

Hiện, HTX của anh Hùng có 12 thành viên chuyên nuôi tôm, cua và trồng đông trùng hạ thảo.

Anh Hùng cho biết, HTX đang xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, đăng ký truy xuất nguồn gốc, mã vùng… cho sản phẩm. “HTX mong muốn đưa sản phẩm tiếp cận thị trường khó tính”, anh Hùng bộc bạch.

Theo một nhân viên của Công ty Mediastep, hiện có hơn 4.000 gian hàng người Việt trên Alibaba.com. “Chỉ cần tìm kiếm được 5-7 khách hàng uy tín là nông dân không lo đầu ra nữa”, nhân viên này chia sẻ.

Chi phí vẫn còn là trở ngại lớn khi tham gia xuất khẩu tôm trực tuyến

Trong buổi học, hầu hết các ý kiến của nông dân xoay quanh việc làm thế nào xây dựng gian hàng trên chợ điện tử? Cách đầu tư gian hàng ra sao? Hiệu quả thế nào? Rủi ro bán hàng có không?…


Sau khi học xuất khẩu tôm trực tuyến, nông dân nuôi tôm ở Nhà Bè sẽ thuê gian hàng trên Alibaba.com để giới thiệu sản phẩm tôm ra thị trường thế giới. Ảnh: Trần Đáng

Giám đốc Công ty Mediastep Nguyễn Thành Lâm cho biết, để thấy tính hiệu quả của bán hàng qua mạng cần phải có thời gian.

“Có người phải mất 1, 2 năm mới tìm kiếm được khách hàng”, ông Lâm thông tin.

Ông Lâm khuyên, nếu tham gia chợ điện tử vì tò mò, cho biết thì nông dân không nên vì chỉ phí thời gian và tiền thuê gian hàng.

Theo ông Lâm, khi đã thuê gian hàng trên chợ điện tử, nông dân phải đầu tư chăm sóc gian hàng; phải thay đổi hình ảnh, clip giới thiệu sản phẩm, trả lời khách hàng liên hệ…

Hiện, trên chợ điện tử Alibaba có 5 mức giá cho thuê gian hàng. Mỗi gian hàng có giá thuê 1.999-10.000 USD/năm.

Nông dân chỉ bỏ tiền thuê gian hàng, các kỹ thuật thiết kế gian hàng, tư vấn hỗ trợ, logictis, thanh toán… bên phía Công ty Mediastep lo.

Tuy nhiên, vấn đề chi phí là rào cản lớn khi nông dân tham gia chợ điện tử.

Anh Hùng chia sẻ, bỏ ra 50 triệu/năm để thuê gian hàng chợ điện tử là vấn đề lớn của HTX.

Ông Lâm thừa nhận, đây là khoản chi phí khá lớn đối với doanh nghiệp nhỏ, HTX.

“Chúng tôi chia sẻ khó khăn tài chính với nông dân. Vì thế, bà con hãy suy xét cho kỹ trước khi quyết định tham gia chợ điện tử”, ông Lâm thổ lộ.


Nông dân Nhà Bè nuôi tôm giờ học thêm xuất khẩu tôm trực tuyến. Ảnh: Trần Đáng

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Phước Trần Quang Vinh cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 231 hộ nuôi tôm với diện tích 196ha.

“Hiệu quả kinh tế mang lại từ việc nuôi tôm của bà con rất tốt”, ông Vinh cho biết. Tuy nhiên, hầu hết sản lượng tôm tại xã Hiệp Phước được bán tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM). “Cần phải tìm kiếm thêm đầu ra cho con tôm của bà con”, ông Vinh chia sẻ.

Trần Đáng

Danviet.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024