Cái khó cho nghề nuôi tôm hùm ở duyên hải Nam Trung Bộ

[Người Nuôi Tôm] – Nuôi tôm hùm lồng là một hoạt động kinh tế quan trọng, có tác động tích cực đáng kể đến sinh kế của các cộng đồng ngư dân ven biển duyên hải Nam Trung Bộ tại Việt Nam. Với hiệu quả kinh tế được cải thiện rõ rệt, nhiều năm trở lại đây, người dân ở các địa phương đã chú trọng hơn về loài nuôi giá trị này.

Theo số liệu từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong giai đoạn 2010 – 2019, số lượng lồng nuôi tôm hùm tăng bình quân là 18,2%/năm, thể tích lồng nuôi tăng bình quân 16,2%, sản lượng tăng bình quân là 6,2%/năm. Năm 2019, tổng số lượng lồng nuôi ở 02 tỉnh (Phú Yên và Khánh Hòa) ước đạt 185.166 lồng, chiếm 97,8% số lượng nuôi tôm hùm Việt Nam; sản lượng đạt 2.273 tấn chiếm 95% sản lượng nuôi cả nước. Tôm hùm bông (P. Ornatus) và tôm hùm xanh (P. Hormarus) đang là hai đối tượng nuôi chủ lực, chiếm tới trên 97% sản lượng tôm nuôi.

Song song với sự phát triển mạnh về cả quy mô và sản lượng của nghề nuôi tôm hùm, vẫn còn những vấn đề tồn đọng cố hữu liên quan đến quy hoạch, nguồn giống, cân bằng thị trường và cả các tác động đến môi trường…

 

Chưa chủ động được nguồn giống chất lượng

Nhu cầu nuôi tôm hùm tăng nhanh kéo theo nguồn cung con giống không thể đáp ứng kịp thời, qua đó làm tăng giá thành đầu vào và giảm chất lượng giống phần nào đó. Cụ thể vào tháng 6 năm nay, theo Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, các hộ nuôi tôm hùm trong tỉnh đã có phản ánh về hiện tượng tôm chết nhiều ở giai đoạn nuôi 45 ngày đầu, với tỷ lệ lên đến 40–50%. Sự thiếu hụt tôm hùm giống cũng được ghi nhận tại các khu vực nuôi trong tỉnh và một số địa phương lân cận. Trong khi nguồn tôm hùm giống khai thác tự nhiên thường không ổn định do phụ thuộc mùa vụ, diễn biến thời tiết và môi trường biển thì các nguồn tôm hùm giống từ một số quốc gia trong khu vực đang bị siết chặt do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây thực sự là khó khăn cần được khắc phục sớm trong thời gian sắp tới.

Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, cơ quan đang phối hợp chặt chẽ với một số đơn vị nghiên cứu trực thuộc Bộ NN&PTNT nhằm đẩy mạnh các nghiên cứu sản xuất giống tôm hùm nhân tạo. Trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa hi vọng sẽ sớm chủ động được nguồn giống tôm hùm chất lượng cao, phục vụ nhu cầu nội tỉnh cũng như các địa phương lân cận.

 

Môi trường nuôi bị đe dọa nghiêm trọng

Một vấn đề nghiêm trọng khác ảnh hưởng tới năng suất nuôi tôm hùm là sự ô nhiễm môi trường xung quanh các vùng nuôi, bắt nguồn từ việc lạm dụng cá tạp làm thức ăn cho tôm hùm. Do chưa có sản phẩm thức ăn thương mại chuyên biệt cho tôm hùm, cá tạp vẫn là nguồn thức ăn chủ yếu cho các trại nuôi hiện nay. Điều này cùng với sự bố trí, sắp xếp các khu nuôi chưa thực sự hợp lý dẫn tới một lượng lớn chất hữu cơ được đưa vào vùng biển trong cùng một thời điểm. Bên cạnh đó, các vùng nuôi lồng bè tôm hùm còn mang tính tự phát, phát triển phá vỡ quy hoạch; các vùng nuôi lồng, bè chưa được quy hoạch chi tiết nên chưa thể giao/cho thuê mặt nước cho các cơ sở nuôi; công tác quy hoạch chi tiết và giao mặt nước, cấp phép cho người nuôi tôm hùm còn gặp nhiều khó khăn.

Theo một số nghiên cứu, ước tính lượng nitơ thải ra môi trường biển để tạo ra một tấn tôm hùm là từ 204-389 kg. Nồng độ nitơ cao có thể dẫn đến hiện thượng phú dưỡng trong khu vực canh tác, gây ra hiện tượng tảo nở hoa. Qua đó, hệ luỵ dẫn đến là giảm lượng oxy hòa tan, chất lượng nước suy giảm và làm cho tôm hùm dễ stress, dễ nhiễm bệnh, đồng thời tăng tỷ lệ chết của tôm hùm.

Tỉnh Phú Yên đã ghi nhận rất nhiều sự việc tôm hùm chết hàng loạt ở khu vực nuôi tại vịnh Xuân Đài trong nhiều năm gần đây. Theo báo Nhân Dân, hơn 2.000 lồng tôm hùm thương phẩm sắp thu hoạch tại thị xã Sông Cầu bị chết sau đợt mưa bão cuối năm 2020, ước thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Cũng theo nguồn tin trên, tại phường Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, vào tháng 5 và 6/2016, tôm hùm nuôi do ảnh hưởng môi trường đã chết hàng loạt. Tỷ lệ tôm chết từ 70-90%/lồng nuôi. Thống kê có 155 hộ bị thiệt hại, với gần 25 tấn tôm hùm bông chết. Vào thời điểm tương tự vào năm 2017, tại đây tiếp tục xảy ra tình trạng tôm hùm nuôi chết hàng loạt, thống kê cho thấy hơn 2,3 triệu con giống và tôm thương phẩm chết, ước tính 693 hộ nuôi bị ảnh hưởng, thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.

 

Rào cản cán cân cung – cầu

Cán cân cung cầu cho thị trường tôm hùm cũng được coi là một tồn đọng đáng kể trong quá trình phát triển ngành nghề này gần đây. Điểm đến cho xuất khẩu tôm hùm chính của Việt Nam là Trung Quốc, một thị trường “quen mà lạ, dễ mà khó”. Những năm gần đây, Trung Quốc đã thiết lập nhiều quy định và rào cản kỹ thuật mới cho các mặt hàng nông sản nhập khẩu, cộng thêm các ảnh hưởng chuỗi cung ứng do đại dịch, sự tồn đọng tôm hùm đã diễn ra nhiều hơn. “Giải cứu” là từ chúng ta đang được nghe nhiều hơn. Chính vì thế, việc đa dạng hóa sản phẩm từ tôm hùm, kiểm soát quy trình chặt chẽ cũng như khai phá các thị trường mới được coi là giải pháp hữu hiệu trước mắt.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay: “Với chính sách zero Covid-19, Trung Quốc kiểm tra ngặt nghèo hàng đông lạnh nhập khẩu, trong đó có thủy sản nên thời gian thông quan kéo dài. Thời gian qua, hàng loạt lô hàng từ Ấn Độ, Nga bị Trung Quốc phát hiện có virus SARS-CoV-2 trên bao bì khiến nhà nhập khẩu e ngại mua hàng. Người dân Trung Quốc chuyển hướng tiêu dùng thủy sản nội địa. Điều này khiến nhu cầu tiêu thụ cá tra ở kênh dịch vụ ăn uống tại Trung Quốc cũng giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc là cá tra và tôm đều giảm. Trong đó, tôm hùm giảm đến 82%”.

 

Cần có giải pháp bền vững cho nghề nuôi tôm hùm

Nhằm hỗ trợ người dân và các địa phương đang phát triển nghề nuôi tôm hùm, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Ðề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025. Theo đó, đề án khái quát về thực trạng, tiềm năng, thực trạng lĩnh vực nuôi tôm hùm nước ta; đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với ngành trong giai đoạn tới; đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm đạt các mục tiêu về nâng cao giá trị gia tăng, tạo sản phẩm hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng cao, có thương hiệu. Trong đó, tập trung vào 02 đối tượng chủ lực là tôm hùm bông (P. ornatus), tôm hùm xanh (P. hormarus), đồng thời phát triển một số các đối tượng nuôi khác là tôm hùm đỏ (P. longipes) và tôm hùm tre (P.polyphagus). Mục tiêu của đề án là nhằm phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Xây dựng nghề nuôi tôm hùm theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, phát huy cao lợi thế kinh tế biển của đất nước. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 tổng sản lượng tôm hùm nuôi đạt 3.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm hùm đạt 200 triệu USD, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 14,8%.

Nhìn chung, cùng với những thành tựu đã đạt được và tiềm năng sẵn có, nghề nuôi tôm hùm vẫn còn có những điều cần phải khắc phục. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và việc thực hiện sát sao từ các địa phương, chắc chắn nghề nuôi tôm hùm Việt Nam sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ trong tương lai không xa.

Chinh Lê

Tin mới nhất

T6,22/11/2024