Bạc Liêu: Chỉ thị 06 tạo điều kiện cho con tôm phát triển bền vững

Phát huy thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản, từ năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Hải (khóa XII) đã ban hành Chỉ thị 06 về quy hoạch, đầu tư để các xã phía Đông phát triển thành vùng sản xuất tập trung về nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh (TC-BTC) và các xã phía Tây là vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến – kết hợp (QCCT-KH) theo hướng bền vững, chất lượng cao. Qua hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 06 đã mang lại nhiều kết quả và bài học kinh nghiệm cho Đông Hải trong chỉ đạo phát triển sản xuất.

Doanh nghiệp ngoài tỉnh tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong bể tròn của ông Tạ Hoàng Nhiệm (huyện Đông Hải) năm 2020.

Nhiều mô hình đột phá

Cụ thể, đến nay mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, TC-BTC ở các xã phía Đông của huyện có gần 3.100 hộ tham gia với tổng diện tích trên 3.864ha, tăng 490ha so với năm 2016. Trong đó, nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của các công ty khác nhau (như Công ty CP, Việt Úc, Nam Mỹ, Trúc Anh) cho hiệu quả khá, tỷ lệ hộ nuôi thành công trên 90%, năng suất từ 20 – 25 tấn/ha. Với thời gian nuôi từ 90 – 110 ngày tôm đạt trọng lượng từ 30 – 40 con/kg và mang lại lợi nhuận từ 600 – 800 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như: Hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao Đông Hải (xã Long Điền Đông); Hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao Thành Đạt (xã Long Điền); các hộ: Ngô Văn Trung, Nguyễn Hùng Anh (xã Long Điền Tây); hộ Cao Văn An (xã Điền Hải)… Nuôi tôm siêu thâm canh là mô hình nuôi đột phá, cho năng suất, lợi nhuận và tỷ lệ thành công cao.

Đối với mô hình nuôi tôm TC-BTC, có hơn 2.780 hộ tham gia với tổng diện tích trên 3.040ha. Kết quả, mô hình nuôi tôm sú với thời gian nuôi 5 – 6 tháng và cho năng suất thu hoạch từ 3 – 3,5 tấn/ha/vụ. Với cỡ tôm thu hoạch từ 25 – 30 con/kg giúp nông dân cho tổng thu từ 500 – 650 triệu đồng/ha và đạt lợi nhuận từ 120 – 200 triệu đồng/ha.

Riêng mô hình nuôi tôm QCCT ít thay nước và QCCT-KH sử dụng vi sinh ở các xã phía Tây của huyện có diện tích trên 18.329ha, với hình thức nuôi thu tỉa thả bù, ghép các loại thủy sản tôm – cua – cá, phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch theo chuỗi giá trị.

Thời gian qua, tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đông Hải đã triển khai thực hiện nhân rộng mô hình QCCT-KH ít thay nước sử dụng chế phẩm vi sinh ở hầu hết các xã. Nếu năm 2016, diện tích mô hình này khoảng 694ha/326 hộ, thì đến nay đã nhân rộng với tổng diện tích trên 4.242ha/1.757 hộ, năng suất thu hoạch bình quân 600 – 750kg/ha/năm (tôm – cua), lợi nhuận bình quân từ 60 – 70 triệu đồng/ha/năm (cao hơn so với mô hình nuôi tôm QCCT-KH truyền thống). Thậm chí, có nhiều hộ đạt lợi nhuận trên 80 triệu đồng/ha như: hộ Dương Minh Đoàn, Hồ Văn Út, Đặng Thanh Chăng, Trần Văn Vũ (xã Định Thành); hộ ông Phan Văn Tiền, Nguyễn Văn Mừng, Châu Văn Út (xã An Trạch A)…

 

 

Nông dân ấp Cây Giá (xã Định Thành, huyện Đông Hải) thu hoạch tôm nuôi theo mô hình QCCT-KH áp dụng vi sinh an toàn sinh học. Ảnh: L.D                                                                                                                     
Tăng cường đầu tư cho phát triển con tôm
Đến nay, mô hình QCCT-KH đã gắn kết được với doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo chuỗi liên kết “4 nhà” với diện tích trên 1.321ha/470 hộ. Qua đó, có sự hỗ trợ của Nhà nước về khoa học – kỹ thuật, doanh nghiệp hỗ trợ về phần con giống, chế phẩm vi sinh, hỗ trợ đánh giá vùng nuôi đạt tiêu chuẩn ASC. Đồng thời, tôm nuôi theo mô hình QCCT-KH còn được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đảm bảo giá cao hơn so với giá thị trường từ 15.000 – 30.000 đồng/kg (giá tăng từ 10 – 15%) và cao hơn so với thị trường từ 1.000 – 2.000 đồng/kg đối với tôm nuôi theo mô hình TC-BTC, cũng như thiết lập vùng nuôi tôm nguyên liệu sạch đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu…
Có thể nói, Chỉ thị 06 đã thật sự đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng tình và ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân trong huyện. Qua hơn 5 năm thực hiện, đến nay Đông Hải đã cơ bản quy hoạch xong 2 vùng nuôi ở các xã phía Đông và phía Tây phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương, giảm thiểu diện tích nuôi tôm bị thiệt hại, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả từng vùng nuôi.
Thực tiễn cho thấy, mô hình nuôi tôm QCCT-KH ít thay nước sử dụng chế phẩm vi sinh mang tính bền vững, hiệu quả khá cao, dịch bệnh thấp; môi trường nước ổn định, tôm nhanh lớn, chi phí không cao, kỹ thuật nuôi đơn giản, có thể thả nuôi kết hợp nhiều đối tượng, giá bán khá cao và được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh phát triển mạnh từ năm 2019 đến nay và đạt tỷ lệ thành công cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế của huyện…

Tú Anh

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Tiếp tục phát huy những kết quả đã được từ Chỉ thị 06, Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Hải (khóa XIII) chỉ đạo UBND huyện trên cơ sở quy hoạch tổng thể của tỉnh cần tập trung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội huyện để làm cơ sở căn cứ thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy, Chỉ thị 06 của Ban Thường vụ Huyện ủy, nhằm đạt kết quả cao nhất. Triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch ngành Nông nghiệp đã được phê duyệt. Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đảm bảo tính liên kết vùng và các quy hoạch chuyên ngành khác gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ khuyến nông cơ sở.

Tăng cường mối quan hệ với các viện, trường đại học về hợp tác, nghiên cứu khoa học – công nghệ (KH-CN) và chuyển giao tiến bộ KH-CN; tích cực tham gia hội chợ, triển lãm KH-CN để tiếp thu công nghệ mới có thể áp dụng vào thực tế sản xuất ở địa phương.

Huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp và các tổ chức KH-CN, thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài; liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; triển khai quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch.

Tin mới nhất

T7,23/11/2024