Lén đào ao giữa đêm nuôi tôm trái phép

Bất chấp lệnh cấm lẫn xử phạt, diện tích ao nuôi tôm trái phép ở Đồng Tháp Mười tăng từ vài ha lên 215 ha trong vòng một năm, nhiều hộ lén đào ao giữa đêm.

Khu ao nuôi tôm thẻ chân trắng đang trong quá trình đầu tư, nằm sát lộ kênh 79, xã Tân Lập, huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An, ngày 7/5. Ảnh: Hoàng Nam

 

Từ đầu tháng 5, lán trại nuôi tôm rộng trên 20 ha (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) rỉ rả tiếng máy bơm cùng hàng trăm cánh quạt tạo oxy quẫy nước tung tóe. Thức ăn, các loại thuốc, máy móc được chất đầy trong kho. Hàng chục nhân công đi lại như con thoi. Nhiều ao đã thu hoạch xong phơi đáy, một số ao mới đào đang được máy xúc đắp bờ bao. Do tôm thẻ chân trắng chỉ sống ở nước mặn, nên hầu hết ao đều khoan giếng tầng nông, sâu 30-40 m để lấy nước có độ mặn 4-9 phần nghìn, hoặc dùng muối để tạo độ mặn với tỷ lệ 20 tấn trên 1.000 m2.

“Khu vực này dùng chung nước từ con kênh nội đồng rộng khoảng 7 m, nên chúng tôi lo nước muối rỉ từ các ao nuôi tôm sẽ nhiễm vào ruộng lúa lẫn ao nuôi cá”, anh Nguyễn Văn Thanh có 4.000 m2 ao nuôi cá nước ngọt lo ngại.

Xã Tân Lập hiện được xem là “đại bản doanh” của tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép ở Đồng Tháp Mười, với hơn 121 ha, 76 hộ nuôi. Trong đó, khoảng phân nửa diện tích nuôi tập trung ở ấp 2, nằm giữa quốc lộ 62 và sông Vàm Cỏ Đông, cách trụ sở UBND xã 2 km. Ngoài ra, dọc kênh 79 qua địa bàn xã này, hàng trăm ao nuôi mới từ đất lúa cũng đang hình thành. Nhiều khu vực máy xúc đào ao nuôi công khai giữa ban ngày, sát trục lộ giao thông chính.

Chủ tịch UBND xã Tân Lập Lê Văn Phân cho biết, địa phương có trên 3.000 ha lúa, tình trạng người dân chuyển sang nuôi tôm trái phép xuất hiện khoảng 5 năm nay.

Theo ông Phân, chi phí đầu tư ban đầu như đào ao, trang thiết bị cho một hecta tôm khoảng một tỷ đồng. Hiện chi phí nuôi một kg tôm thương phẩm chừng 70.000 đồng, bán khoảng 120.000 đồng. Mỗi năm nuôi ba vụ, mỗi vụ 3 tháng với năng suất khoảng 15 tấn một ha. Trừ chi phí, mỗi năm một ha ao nuôi tôm người dân lãi ít nhất khoảng 1,25 tỷ đồng, cao gấp 50 lần trồng lúa. Lợi nhuận cao, các hộ dân xung quanh sẽ làm theo, diện tích nuôi trong vùng vì thế tăng cao.

Ông Phân cho biết, khi phát hiện ao nuôi trái phép, UBND xã đình chỉ, nếu không chấp hành sẽ báo cáo cấp huyện xử phạt. “Do mức phạt hiện quá thấp, cao nhất một hộ vi phạm chỉ khoảng 30 triệu đồng, so với siêu lợi nhuận từ vụ tôm, nên đa số người dân đều chấp nhận nộp phạt, cấm ban ngày, họ lén cho máy múc ban đêm”, ông Phân nói.

Địa phương từng kiến nghị kéo các máy xúc đào ao trái phép để xử lý, nhưng lo ngại việc bảo quản giá trị tài sản các máy này lớn, nên còn chờ ý kiến của cấp trên.

Khu vực nuôi tôm trái phép rộng khoảng trên 20 ha, nằm giữa sông Vàm Cỏ Tây và sát quốc lộ 62, xã Tân Lập, Mộc Hóa trưa 7/5, góc trái là ao nuôi mới đang được triển khai. Ảnh: Hoàng Nam

Khu vực nuôi tôm trái phép rộng khoảng trên 20 ha, nằm giữa sông Vàm Cỏ Tây và sát quốc lộ 62, xã Tân Lập, Mộc Hóa. Ảnh: Hoàng Nam

Đến nay, tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của Long An, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 215 ha với 122 hộ, phân bố tại 5 huyện Tân Hưng, Kiến Tường, Mộc Hóa, Tân Thạnh và Thạnh Hóa. Trong đó tập trung chủ yếu ở hai huyện Tân Hưng và Mộc Hóa với gần 200 ha. Ngoại trừ UBND huyện Mộc Hóa hiện xử phạt vi phạm hành chính 44 trường hợp đào ao nuôi thủy sản trái phép với tổng số tiền 474 triệu đồng, các huyện còn lại chủ yếu tuyên truyền, vận động người dân.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An cho biết, hội thảo khoa học về nuôi tôm thẻ chân trắng vùng Đồng Tháp Mười tại huyện Mộc Hóa năm ngoái đánh giá, việc đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi ở vùng nước ngọt hoàn toàn không phù hợp về đặc điểm sinh học, sự phát triển tự nhiên hài hòa của vùng.

Theo bà Khanh, tình trạng nuôi tôm tự phát, trái phép sẽ có những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài, tác động tiêu cực đến mạch nước ngầm do khai thác quá mức, thiếu nước vào mùa khô, gây sụt lún đất. Việc xả thải, thẩm thấu nước nhiễm mặn từ các ao nuôi gây nhiễm mặn cho vùng nước ngọt, ảnh hưởng đến sản xuất lúa và các cây trồng khác. Bên cạnh đó, hạ tầng cho nuôi tôm không phù hợp, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh và khó kiểm soát đầu ra dẫn đến rủi ro thiệt hại lớn cho người dân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đề xuất tỉnh cấp kinh phí để kiểm tra, thu mẫu phân tích nhiễm mặn của đất ở các ao đã nuôi tôm thẻ chân trắng lẫn đất khu vực xung quanh, trên sông rạch. Từ đó sẽ có đánh giá toàn diện và thiết lập bản đồ thổ nhưỡng vùng Đồng Tháp Mười để có khuyến nghị hợp lý cho người dân. Đồng thời, sở cũng đánh giá lại hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi trên đất lúa, định hướng phát triển nông nghiệp bền vững cho khu vực thời gian tới.

“Trước mắt, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tiếp tục phát sinh thêm diện tích mới”, bà Khanh nói.

Một khu nuôi tôm khác nằm liền kề với các ruộng lúa tại xã Tân Lập (Mộc Hóa) ngày 7/5. Ảnh: Hoàng Nam

Khu nuôi tôm nằm liền kề với các ruộng lúa tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa. Ảnh: Hoàng Nam

Bất chấp cảnh báo của địa phương và việc nhiều người từng chuyển ruộng lúa sang nuôi cá tra phải bán nhà, đất vì thua lỗ, những ngày này, tiếng máy xúc vẫn đang gầm rú quanh địa bàn Mộc Hóa. Các ao nuôi tôm tự phát tiếp tục hình thành.

Cũng như anh Nguyễn Văn Thanh, đầu năm ngoái, mảnh ruộng 4 ha của ông Bùi Văn Rài (61 tuổi) và hàng xóm lọt thỏm giữa vòng vây các ao tôm. Lo ngại ảnh hưởng bởi nước mặn từ các ao này, họ gửi đơn đến chính quyền yêu cầu ngăn chặn tình trạng nuôi tôm tự phát. Sau đó, nhiều lần thương lái đến nhà hỏi thuê hoặc mua lại đất giá cao gấp 2-3 lần giá thị trường để nuôi tôm nhưng đều bị hai ông từ chối.

Hơn năm qua, hai thửa ruộng trở thành một “thành trì” bất khả xâm phạm giữa khu vực ao tôm hơn 10 ha. Tuy nhiên, mấy ngày nay, diện tích ruộng của hai nông dân này, màu xanh của lúa đã thay thế bởi màu xanh của cánh quạt tạo oxy nuôi tôm.

Hoàng Nam

Nguồn: VN Express

Tin mới nhất

T7,23/11/2024