Hiệu quả từ nuôi tôm vụ đông

Ba năm trở lại đây, nuôi tôm vụ đông (hay còn gọi là nuôi tôm trái vụ) đã trở thành phương thức canh tác mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân khu vực các xã bãi ngang của huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình). Năm nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do môi trường, dịch bệnh nhưng người nuôi tôm thắng lớn do giá tôm thương phẩm đang cao gấp đôi, gấp ba so với tôm chính vụ và cao hơn giá tôm vụ đông năm trước.

Gia đình anh Trần Văn Cường ở xóm 1, xã Kim Hải (Kim Sơn) ứng dụng công nghệ nhà bạt trong nuôi tôm trái vụ.

Trong tiết trời se lạnh, mưa lất phất bay của những ngày cuối năm, chúng tôi về thăm các đầm tôm vụ đông cho thu nhập bạc tỷ của những nông dân mạnh dạn đi đầu áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên diện tích hơn 7 ha của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển thủy sản Bình Minh.

Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh Vũ Hải Đường chia sẻ: Bắt đầu từ năm 2016, Công ty thuê hơn 7ha đất nhiễm mặn, cấy lúa kém hiệu quả của Công ty TNHH MTV Bình Minh triển khai xây dựng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với hệ thống ao nuôi, ao ươm, ao xử lý nước đều được bê tông hóa bờ, đáy; riêng 2,6 ha ao nuôi được làm mái che hình chóp nón, sử dụng khung cáp chịu lực và 3 lớp lưới, ni lông che phủ; áp dụng công nghệ mới giúp ao nuôi chống rét, giữ ấm về mùa đông và chống nắng vào mùa hè, nhiệt độ ao luôn đảm bảo cho con nuôi sinh trưởng, phát triển.

Do vậy ngoài sản xuất 2 vụ chính như các hộ nuôi quảng canh khác, Công ty còn sản xuất thêm 1 vụ tôm thẻ trong vụ đông. Thực tế cho thấy ở miền Bắc, nếu không làm ao có mái che sẽ không nuôi được tôm vụ đông. Mái che có tác dụng giữ được nhiệt bên trong ao, vào mùa đông nhiệt độ bên ngoài trời và bên trong ao sẽ chênh lệch từ 10-12 độ C, đảm bảo tôm thích nghi. Qua hơn 3 năm sản xuất cho thấy đây là mô hình phù hợp và cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Tôm thành phẩm đảm bảo chất lượng và có năng suất tương đương 2 vụ chính, ước tính mỗi ha đạt từ 22 -24 tấn/vụ. Trong khi giá bán ra cao hơn từ 1,5 -2 lần so với tôm chính vụ. Sau khi trừ chi phí, nuôi tôm vụ đông cho thu nhập đạt trên 1,5 tỷ đồng/ha/vụ. Toàn bộ diện tích tôm vụ đông năm nay của Công ty đang phát triển tốt và dự kiến sẽ xuất bán đúng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý.

Cũng nuôi tôm vụ đông nhưng hộ anh Trần Văn Cường xóm 1, xã Kim Hải sử dụng công nghệ nhà bạt che phủ trên diện tích 3.600 m2. Trong khi phần lớn các hộ nuôi tôm quảng canh đang cải tạo, vệ sinh ao đầm cho vụ nuôi đầu tiên của năm 2020 thì đầm tôm vụ đông của anh đã có tôm thu hoạch. Quăng một mẻ lưới nhỏ với vài chục con tôm to tầm ngón tay cái, anh Cường phấn khởi chia sẻ: “Tôm này đạt trọng lượng 30 con/kg và đã có thương lái vào trả trên 300 nghìn đồng/kg.

Hiện nay thị trường tôm rất khan hiếm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới nhu cầu tăng cao, giá có thể tăng, do vậy hộ nuôi nào giữ được, không để dịch bệnh xảy ra sẽ có lãi lớn”. Cũng theo anh Cường, giải pháp cho nuôi tôm vụ đông là xây dựng các ao nuôi có nhà bạt che phủ, lót bạt dưới đáy ao và có hệ thống quạt, oxy để kiểm soát nhiệt độ, đảm bảo nhiệt độ bên trong và ngoài ao luôn chênh lệch từ 7 – 12 độ C, giúp tôm sinh trưởng tốt.

Ngoài việc làm nhà bạt, thì người nuôi còn phải lưu ý quản lý hiệu quả môi trường nuôi, xử lý tốt nguồn nước đầu vào và tìm nguồn con giống có uy tín. Hiệu quả kinh tế đem lại của nuôi tôm vụ đông tăng gấp đôi, gấp ba so với sản xuất chính vụ. Do vậy ngày càng có nhiều hộ nuôi trong vùng mạnh dạn áp dụng công nghệ mới vào sản xuất.

Nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển huyện Kim Sơn đã trở thành một trong những nghề chính mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân các xã bãi bồi. Tuy nhiên, hầu như các hộ nuôi chỉ sản xuất 2 vụ chính do các đối tượng nuôi không chịu được nhiệt độ thấp.

Xuất phát từ nhu cầu của thị trường trong mùa đông, nhiều hộ nuôi trên địa bàn huyện Kim Sơn đã mạnh dạn phát triển thêm 1 vụ sản xuất trong năm là nuôi tôm thẻ vụ đông trong nhà bạt. Ước tính trên địa bàn huyện có 150 -170 ha nuôi tôm công nghiệp, trong đó có trên 20 mô hình nuôi tôm vụ đông trong ao nổi, đáy lót bạt, mái che bạt với tổng diện tích ước hơn 18ha.

Các mô hình hiện đang phát huy hiệu quả rất tốt, sản lượng tương đương nhưng thu nhập cao gấp 2 lần so với sản xuất tôm vụ chính. áp dụng công nghệ nuôi tôm vụ đông đã giúp người nuôi tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng và sẽ là hướng phát triển chính trong thời gian tới tại vùng bãi bồi của huyện Kim Sơn.

Bài, ảnh: Giáng Hương

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Tin mới nhất

T5,21/11/2024