Vì sao thức ăn nuôi tôm luôn tăng giá?

[Người nuôi tôm] – Theo chia sẻ của người nuôi tôm, mấy năm gần đây ngành tôm liên tục tăng trưởng nhưng lợi nhuận của người nuôi tôm không tăng nhiều, thậm chí còn thua lỗ. Giá bán tôm thì tăng giảm thất thường trong khi đó giá vật tư đầu vào lại không ngừng tăng. Thức ăn nuôi tôm là một trong những vật tư đầu vào luôn giữ “phong độ” về tăng giá.

TRĂM THỨ “ĐỔ ĐẦU”TÔM

Vừa cầm chén nước chưa kịp uống thì điện thoại đổ chuông, anh M (một người nuôi tôm ở Giao Thủy, Nam Định) nhìn xuống màn hình điện thoại với những vết xước nhằng nhịt rồi thở dài: “Đại lý gọi điện đòi tiền cám chú ạ”.

Cám ở đây là thức ăn nuôi tôm. Vụ tôm cuối năm này, anh M nuôi tiếp 3 ao tôm thẻ chân trắng, mỗi ao gần 3.000m2 để mong kiếm cái Tết nhưng cũng không được như mong muốn. Anh M cho biết: 2 ao bị “chết non” khi mới đạt 200 con/ kg nên bán tháo cũng chẳng được bao nhiêu nên chắc chỉ đủ tiền giống, còn tiền thức ăn và thuốc, điện coi như mất trắng, chưa kể công mình bỏ ra. Ao còn lại thì tôm về cỡ 83 con/ kg nhưng bị “rớt đáy” mỗi ngày hàng cân (kg) nên cũng đành bán vội mà không có cách nào giữ nổi.

Vì sao thức ăn nuôi tôm luôn tăng giá?

Biết mới bán tôm nên chủ đại lý gọi điện nhắc về khoản nợ 1,6 tấn thức ăn anh M còn nợ lại, chưa kể còn tiền thuốc và chế phẩm.
Anh M cho biết, thức ăn tôm anh mua của đại lý, nếu mà tiền ngay thì giá 27.500 đồng/kg nhưng mua nợ phải chịu giá 29.000 đồng/ kg. Nhẩm tính với 1,6 tấn thức ăn anh M còn nợ đại lý hơn 46 triệu, một con số không hề nhỏ với vụ nuôi thất bại.

Theo tính toán của người nuôi tôm, thức ăn nuôi tôm chiếm từ 60-65% chi phí, thậm chí là cao hơn nếu quản lý không tốt. Theo cách tính thông thường của người nuôi, cứ 1kg thức ăn sẽ thu được 1kg tôm thương phẩm (Hệ số chuyển đổi thức ăn FCR 1:1), nếu con số này cao hơn thì lợi nhuận của người nuôi tôm sẽ giảm. Để làm ra được 1kg tôm, người nuôi tôm phải bỏ ra riêng tiền thức ăn đã là 29.000 đồng theo giá mà anh M mua thức ăn chịu của đại lý.

Chi phí cho 1kg tôm không chỉ là thức ăn mà còn bao gồm: tiền giống, tiền thuốc, tiền điện, tiền công,…Tính ra, hàng trăm thứ “đổ đầu” tôm, chỉ cần tôm gặp vấn đề là người nuôi tôm cầm chắc lỗ.

THỨC ĂN TÔM CHỈ TĂNG…. MÀ KHÔNG GIẢM

Rủi ro của người nuôi tôm rất lớn nhưng giá thức ăn nuôi tôm không ngừng tăng và luôn ở mức cao so với thức ăn dành cho các loại thủy sản khác. Giá thức ăn nuôi tôm cao bởi một phần do yêu cầu về chất lượng (hàm lượng protein, phụ gia,…), phần nữa là do yếu tố thương mại.

Anh Th (nhân viên kinh doanh hãng thức ăn tôm có nhà máy tại tỉnh Long An) đang hoạt động tại thị trường Quảng Ninh cho biết: Công ty anh có 2 line thức ăn tôm (1 line cho đại lý, 1 line bán trực tiếp cho farm). Với line cho đại lý giá có rẻ hơn so với line bán cho farm.

Nhìn vào bảng giá bán lẻ thức ăn tôm mới nhất của công ty này thì giá bán cho đại lý (đại lý bán lại cho người nuôi tôm) thì giá trung bình cũng phải trên 30.000 đồng/ kg, có khi là 31.000 – 33.000 đồng/ kg tùy từng số (No0 – No4,..). Còn line bán cho farm thì giá còn cao hơn nhiều, trung bình 35.000 – 36.000 đồng/ kg.

Theo lý giải của nhiều công ty sản xuất thức ăn tôm, giá thức ăn tôm cao do đòi hỏi công nghệ sản xuất, nguồn nguyên liệu chất lượng cao. Nhiều nguyên liệu phải nhập hoàn toàn từ nước ngoài như bột cá, chất phụ gia,…nên giá thành thức ăn tôm luôn ở mức cao. Tuy nhiên, theo người nuôi tôm thì thức ăn tôm chỉ có tăng giá chứ hầu như chưa có khi nào giảm.

Bảng điều chỉnh giá thức ăn tôm của một số công ty (nguồn: Facebook)

Nếu như thị trường thức ăn cho cá với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Việt Nam thì thị trường thức ăn cho tôm lại là của các công ty nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Pháp,…mà không có các doanh nghiệp Việt Nam hoặc có doanh nghiệp Việt Nam nhưng chiếm tỉ lệ rất nhỏ nên khó có thể tác động lớn về mặt giá cả và thị trường.

Một trong những nguyên nhân khiến giá thức ăn tôm tăng cao là do khâu trung gian (đại lý). Nhiều đại lý cho biết, các công ty thường chiết khấu cho đại lý từ 2.000 – 3.000 đồng/ kg hoặc hơn tùy vào sản lượng các đại lý bán hằng năm. Các đại lý bán cho người nuôi tôm cũng với nhiều cách khác nhau, nếu bán tiền mặt thì rẻ hơn, còn bán bao (cho nợ đến hết vụ, thu tôm trả tiền) thì đắt hơn theo giá bán lẻ của công ty niêm yết.

NHỮNG ĐIỀU TẾ NHỊ…

Anh M than thở: “Chúng tôi nuôi tôm lúc được, lúc thua nhưng các công ty bán thức ăn tôm thì năm nào cũng thắng”. Họ cho nhân viên, đại lý đi du lịch hằng năm, gần thì ở Nha Trang, Phú Quốc, xa thì ở tận châu Âu, châu Mỹ,…người nuôi tôm được hay mất họ (các công ty) cũng không quan tâm, anh M giải thích.

Khi được hỏi về “hiện tượng” thức ăn tôm đều đều tăng giá mỗi năm, thời điểm tăng giá thường vào tháng 1 Dương lịch, một đại lý ở Sóc Trăng cho biết: Đầu năm các công ty thường tăng giá bán lên 1.000 đ/kg hoặc hơn. Mức tăng giá này thực chất là công ty tăng giá cho đại lý để“kích thích” sản lượng cho năm đó hoặc dùng cách tăng giá như chiêu bài để mở đại lý mới.

Mặc dù báo tăng giá nhưng công ty vẫn bán cho đại lý mức giá cũ, còn phần tăng thêm là cho đại lý, tất nhiên người chịu thiệt vẫn là người nuôi tôm, đại lý này cho biết thêm.

Câu hỏi vì sao thức ăn tôm luôn “đều đặn” tăng giá luôn treo lơ lửng trên đầu người nuôi tôm, còn câu trả lời thì chưa biết bao giờ mới được giải đáp.

Hương Giang

 

NGÀNH SẢN XUẤT THỨC ĂN NUÔI TÔM VIỆT NAM

ơn chục năm qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới tham gia ngành sản xuất thức ăn nuôi tôm công nghiệp như các doanh nghiệp FDI đến từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ (Cargill), Hà Lan,…với các tên tuổi như CP, UP, Thăng Long, Grobest, Tongwei, Tomboy,…và cả những thương hiệu mới như Ocialis,
DeHeus,…
Các doanh nghiệp này ngày càng lớn mạnh và chiếm lĩnh thị trường trong nước. Không chỉ sản lượng lớn, các công ty này còn có nguồn nguyên liệu đầu vào tốt, đặc biệt với 2 nguồn nguyên liệu chính là bột cá (nguồn gốc từ Peru, Chile), đậu nành (Mỹ).
Hơn nữa, vốn của các doanh nghiệp FDI rất dồi dào, với chi phí lãi vay thấp từ các ngân hàng nước ngoài. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam không đủ vốn đầu tư cho đại lý và người dân nên khó phát triển được thị phần, không thể tăng giá khi có biến động chi phí đầu vào.
Trong khi đó, cứ đến lúc tôm tăng trưởng mạnh là giá thức ăn lại đồng loạt tăng, dẫn đến giá thành sản xuất tăng thêm. Theo tính toán hiện nay, giá thức ăn nuôi tôm của Việt Nam cao hơn nhiều nước như Ấn Độ,… Còn theo nông dân nuôi tôm, thức ăn nuôi tôm chiếm tới 70% tổng chi phí cho mỗi chu kỳ nuôi tôm nên đây là yếu tố quan trọng quyết định đến giá thành.
Để giảm giá thành sản xuất từ thức ăn nuôi tôm, theo các chuyên gia ngành thủy sản, cần có khảo sát và so sánh giá thức ăn tôm trong nước với giá thức ăn tôm ở nước ngoài cả trong khâu sản xuất lẫn khâu lưu thông qua trung gian để đánh giá sự chênh lệch giá và xem có hay không việc bắt tay làm giá của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn tôm.
Từ đó, có các biện pháp quản lý để ổn định giá cả và đảm bảo yếu tố cạnh tranh; đồng thời người dân cũng không bị rủi ro khi phải mua thức ăn có chất lượng không tương ứng với chi phí bỏ ra, hoặc phải trả quá nhiều chi phí trung gian.

Tin mới nhất

T6,22/11/2024