6 sự kiện nổi bật ngành tôm năm 2021

[Người Nuôi Tôm] – Hãy cùng Người Nuôi Tôm nhìn lại 6 sự kiện nổi bật ngành tôm năm 2021.

 

1. Giá tôm liên tục “nhảy múa”
Trong những tháng đầu năm 2021, giá tôm luôn ở mức khá cao so với cùng kỳ năm trước, nhưng vào thời điểm từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8/2021, khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giá tôm liên tục giảm. Có những thời điểm, giá bán tôm thương phẩm ghi nhận giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg, thậm chí có những vùng giảm hơn 20.000 đồng/kg. Giá tôm giảm khiến hoạt động thả nuôi có chiều hướng giảm theo, do doanh nghiệp thu mua, chế biến, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào phải tạm ngừng hoạt động bởi Covid-19 dẫn đến tâm lý e ngại của người nuôi. Từ đầu tháng 9 đến nay, giá tôm nguyên liệu bắt đầu tăng trở lại. Tính đến thời điểm hiện tại, tôm 20 con/kg có giá 250.000 đồng. Loại 25 con/kg bình ổn ở mức 190.000 đồng, 30 con/kg giá 172.000 đồng, 40 con/kg giá 153.000 đồng, 90 con/kg giá 115.000 đồng. 

Ảnh minh họa: Diệu Lữ

 

2. Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng

Chuỗi cung ứng tác động trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp. Từ đợt bùng dịch lần thứ tư cuối tháng 4/2021, ngành tôm đã thực sự gặp khó và tốc độ tăng trưởng bị ảnh hưởng đáng kể. Đặc biệt, việc thực hiện giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15, 16 chưa thống nhất từ Trung ương tới địa phương và giữa các địa phương với nhau, đã dẫn đến các chuỗi cung ứng (cả trong nước và quốc tế) bị đứt gẫy. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Khoảng 70% số nhà máy không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất (ngừng hoàn toàn, hoặc tạm ngừng để tổ chức lại nhà máy theo điều kiện “3 tại chỗ” để trình phương án). Ước tính 300.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất công ăn việc làm.

 

3. Việt Nam lọt top 5 nước xuất khẩu tôm

Xuất khẩu thủy sản năm 2021 về đích với kết quả ước tính gần 9 tỷ USD, có thể được coi là kỳ tích trong bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngoài sự nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp, kết quả trên trước hết là Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ với quyết sách chống dịch thích ứng, linh hoạt, đã mang đến luồng sinh khí mới, giúp cho sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản nhanh chóng hồi phục trong những tháng cuối năm 2021, tạo đà xuất khẩu cho năm 2022.

Bản thân nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng đã rất nỗ lực, linh hoạt, tìm mọi biện pháp để dự trữ nguyên liệu đảm bảo duy trì việc chế biến thành phẩm, khắc phục những khó khăn rất lớn về thiếu tàu, thiếu container, chi phí sản xuất, cước vận chuyển tăng cao.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu năm 2021, xuất khẩu tôm vẫn thể hiện mặt hàng chủ lực của thủy sản Việt Nam. Sau khi tăng hơn tăng 14% trong 7 tháng năm 2021, xuất khẩu tôm giảm liên tiếp trong 2 hơn tháng. Bắt đầu từ nửa cuối tháng 10, xuất khẩu phục hồi ước tính trong cả năm nay, xuất khẩu tôm đạt trên 3,8 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2020. Với giá trị xuất khẩu như trên, Việt Nam đang nằm trong Top 5 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, đứng thứ 4 sau Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và đứng trước Thái Lan.

Ảnh minh họa: Diệu Lữ

 

4. 53 lô hàng tôm bị cảnh cáo

Theo báo cáo của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, tính đến thời điểm hiện tại (năm 2021), đã có 53 lô hàng tôm bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo về an toàn chất lượng… Trong đó, đáng chú ý là cảnh bảo về các chỉ tiêu phosphate 25 lô, chiếm 47%; dịch bệnh 13 lô, chiếm 24,5%; vi sinh 5 lô, chiếm 9,4%; kim loại nặng 1 lô, chiếm 1,88%; ghi nhãn 1 lô, chiếm 1,88%. Riêng về tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm có 8 lô, chiếm 15,1% giảm so với tỷ lệ cảnh báo năm 2020 đối với nhóm chỉ tiêu này, 10 lô bị cảnh báo liên quan đến hóa chất, kháng sinh chiếm 28,3% tổng số lô hàng bị cảnh báo.


Theo ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, tính đến thời điểm hiện tại, thực hiện kế hoạch được phê duyệt, Cục đã thực hiện lấy 1620 mẫu tôm nuôi (thẻ, sú) tại 111 vùng nuôi tôm tập trung để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh. Kết quả, phát hiện 10 mẫu tôm vi phạm liên quan đến các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh.

Bên cạnh đó, vấn đề tạp chất trong tôm nguyên liệu vẫn còn được phát hiện tại nhiều địa phương trọng điểm ngành tôm. 10 tháng đầu năm 2021, 04 tỉnh trọng điểm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tổng số 49 cơ sở, phát hiện 34 cơ sở vi phạm, tịch thu 3,838.4 (kg) tang vật vi phạm với tổng số tiền xử phạt từ các cơ sở vi phạm là trên 1 tỷ VNĐ.


Tính đến 11 tháng đầu năm 2021, các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng trực thuộc Cục đã thẩm định, cấp chứng thư cho tổng số 333,005 (tấn) sản phẩm tôm (gấp 2 lần so với 166,670 tấn của cả năm 2020) vào gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Cơ quan thẩm quyền có yêu cầu Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thẩm định, cấp chứng thư.

 

5. Mỹ hủy bỏ thuế chống phá giá với Minh Phú

Ngày 17/2/2021, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết Cơ quan Hải quan Mỹ (CBP) đã huỷ bỏ quyết định đã ban hành ngày 13-10-2020 về việc áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào thị trường Mỹ.


Quyết định này cho phép Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào khác. Tập đoàn thủy sản này cũng được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá đã phải tạm nộp (tiền ký quỹ) trước đó.

 

6. Vật tư đầu vào liên tục tăng “phi mã”

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi, thủy sản trên thế giới đã tăng liên tiếp nhiều đợt. Tính từ lần tăng giá đầu tiên từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi, thủy sản trong nước đã tăng trung bình từ 7-8 đợt, có doanh nghiệp lên tới 9 đợt (tăng từ 30-40%) trong khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, khiến không ít hộ chăn nuôi thua lỗ. Đặc biệt, hiện tại giá ngô, đậu tương và lúa mì tiếp tục neo ở mức cao so với mức giá trung bình trong các năm gần đây và đang có xu hướng tăng mạnh trở lại…Trên thị trường thế giới, giá ngô đang có xu hướng tăng mạnh trở lại khi giá dầu thô trên thế giới tăng vọt, kích thích nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học.


Theo ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Việt Nam đang có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản và hầu hết các nhà máy này đều phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Có khoảng 30 doanh nghiệp chuyên về nhập khẩu nguyên liệu phục vụ các nhà máy sản xuất thức ăn. Sự phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài khiến giá thức ăn chăn nuôi, thủy sản trong nước bị tác động trực tiếp và mạnh mẽ khi giá trên thế giới biến động. Hiện nay, việc vận chuyển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về Việt Nam vẫn gặp khó khăn, chi phí vận chuyển các mặt hàng này tăng cao từ 200-300% so với trước, nên dự báo mức tăng của giá thức ăn chăn nuôi, thủy sản chưa dừng lại, có thể tiếp tục tăng từ 1-2 đợt.

Hoàng Long

 

Tin mới nhất

T6,22/11/2024