Xử lý môi trường hiệu quả giúp phát triển nghề nuôi tôm bền vững

Con tôm, đối tượng nuôi chính trong trục kinh tế giúp ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cần xử lý môi trường hiệu quả để phát triển nuôi tôm bền vững.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Cà Mau là tỉnh phát triển nghề nuôi tôm nước lợ sớm và mạnh nhất ở ĐBSCL. Chính con tôm đã giúp cho ngành nông nghiệp tỉnh này có bước phát triển tăng tốc mạnh mẽ. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều vùng nuôi tôm ở Cà Mau đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường và suy thoái các hệ sinh thái ngày càng gia tăng.


Nghề nuôi tôm nước lợ phát triển sớm và rất mạnh ở Cà Mau, tuy nhiên cần phải trú trọng trong khâu xử lý môi trường, nhất là chất thải trong nuôi thâm canh để phát triển bền vững. Ảnh: Trọng Linh.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, một trong những nguyên nhân chính là do nuôi tôm tự phát, thiếu quy hoạch trong một thời gian dài, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và yếu kém. Đặc biệt là việc xả thải của các khu nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ra môi trường… Điều này đã dẫn đến chất lượng môi trường nước biển ven bờ và nước trong sông rạch nội địa suy giảm do ô nhiễm.

Theo kết quả quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua cho thấy nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ cao hơn tiêu chuẩn cho phép, có sự xuất hiện các thành phần độc hại như: H2S, NH3+ và chỉ tiêu vi khuẩn Vibrio tổng số xuất hiện rất cao. Suy giảm chất lượng nguồn nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, khó phát triển nghề nuôi tôm bền vững. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường còn để lại hậu quả và thiệt hại kéo dài đối với các ao nuôi mà nền đáy ao bị ô nhiễm nặng.

Trước tình hình đó, các ngành, các cấp trong tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm hướng dẫn, tuyên truyền và hỗ trợ các hộ nuôi thực hiện đúng quy trình xử lý, xả thải nước trong các ao nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Huyện Đầm Dơi là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn theo hình thức công nghiệp. Toàn huyện có 1.415 ha nuôi tôm siêu thâm canh.

Trong đó, Tân Dân là một trong những xã thực hiện tốt việc xử lý nước trong nuôi tôm siêu thâm canh. Qua rà soát, đa số người dân thực hiện tốt và đúng quy trình theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về xử lý nước thải trong các ao nuôi. Ngoài ra, UBND xã đã thành lập tổ môi trường và các thành viên trực tiếp xuống từng hộ dân, thường xuyên kiểm tra theo định kỳ mỗi tuần 2 lần/hộ. Trong quá trình kiểm tra nếu hộ nào chưa làm tốt sẽ đôn đốc, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục trong thời gian sớm nhất, để phát triển nuôi tôm bền vững.

Anh Quách Thanh Út, ấp Tân Phú, xã Tân Dân cho biết: “Trước khi nuôi tôm theo hình thức công nghiệp chúng tôi đều phải đăng ký và được cán bộ xã hướng dẫn quy trình rất rõ ràng. Ao nuôi tôm của gia đình tôi đã được thực hiện cơ bản quy trình xử lý nước theo quy định, tôi còn làm các hồ để lắng, lọc cặn thức ăn, tạp chất thừa bằng lưới mành qua nhiều lớp trước khi xử lý. Nước sau khi xử lý, tôi xả vào vuông nuôi tôm quảng canh ở phía sau, chứ không thải trực tiếp ra kênh, rạch. Nếu có xả ra sông thì nước đảm bảo đã sạch và không ảnh hưởng môi trường”.

Hầm Biogas giúp xử lý hiệu quả chất thải tôm nuôi

Ông Nguyễn Chí Hào, công chức địa chính, nông nghiệp, xây dựng, môi trường xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi cho biết: “Trên địa bàn xã, đa số bà con nuôi tôm thực hiện tốt việc xử lý nước thải. Nhiều hộ xử lý nước thải nuôi tôm siêu thâm canh dựa trên phương pháp ao sinh học kết hợp ao lắng và hầm biogas. Cụ thể, hệ thống bao gồm bồn lắng (thay cho ao lắng) để lắng chất lơ lửng, hầm biogas để xử lý bùn lắng từ nước xi – phông”.

Trong quá trình nuôi tôm công nghiệp, các hộ dân phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện theo Luật Thủy sản và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn trong tỉnh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện Đầm Dơi còn triển khai đến các xã và hầu hết các hộ nuôi về quy trình nuôi tôm bền vững, thực hiện nghiêm việc xử lý nước xả thải. Huyện đã hình thành 2 tổ môi trường và tiến hành kiểm tra định kỳ hàng tháng tại các xã.


Nuôi tôm công nghệ cao với quy trình tuần hoàn khép kín, xử lý hất thải băng chuỗi ao sinh học và hầm biogas… giúp người nuôi tôm ở Cà Mau đạt hiệu quả cao. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Phạm Thành Lập, ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân cho biết: “Nước thải ra sẽ qua quy trình xi-phông để hút và loại bỏ chất thải, vỏ tôm, thức ăn thừa… ra hố riêng, rồi mới thải ra ao chứa. Khi nước thật sự trong, hết tạp chất và mùi hôi tôi mới xả ra sông. Phần chất thải, vỏ tôm, thức ăn thừa tôi thu gom ủ lại làm phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư làm hầm biogas để xử lý với những tạp chất thừa đó”.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đầm Dơi ông Huỳnh Nhật Trường cho biết: “Ngành nông nghiệp và tài nguyên môi trường tỉnh Cà Mau cũng thường xuyên phối hợp với huyện tổ chức các đoàn kiểm tra, nhất là việc xả thải và an toàn về điện. Qua kiểm tra, vẫn còn một số hộ thực hiện chưa thật sự đảm bảo theo đúng quy định. Khi đó, sẽ giao lại cho cấp xã chịu trách nhiệm tái kiểm tra, thường xuyên theo dõi, quản lý, giám sát, buộc các hộ phải khắc phục việc xử lý nước xả thải đúng theo quy định. Từ đó, xây dựng ngành thủy sản thân thiên với môi trường, phát triển nuôi tôm bền vững”.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng mạnh

Cà Mau là tỉnh phát triển công nghiệp chế biến tôm rất mạnh, với kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu ĐBSCL. Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 1,16 triệu USD. Trong đó, riêng xuất khẩu thủy sản, chủ yếu là sản phẩm từ tôm nuôi đạt trên 960 triệu USD, tăng 14,9% so cùng kỳ.

Diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh cả tỉnh là 6.318/7.899 ha theo kế hoạch, sản lượng nuôi tôm thu hoạch đạt 183.707 tấn. Mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh đang ngày càng chứng tỏ được hiệu quả và giá trị kinh tế, được người dân áp dụng rộng rãi. Đây được xem là nguồn cung cấp tôm nguyên liệu dồi dào cho chế biến xuất khẩu.

Đ.T.Chánh – Trọng Linh

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin mới nhất

T7,27/04/2024