Tình hình thủy sản tháng 6/2019: Tôm sú tăng giá, tôm thẻ sụt giảm

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Thị trường tôm nguyên liệu trong tháng có xu hướng tăng giá với tôm sú nhờ sức tiêu thụ thị trường nội địa tăng mạnh. Tuy nhiên, giá tôm thẻ sụt giảm do thời tiết mưa nắng thất thường làm môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột, buộc nông dân phải thu hoạch đồng loạt để tránh rủi ro khiến cho nguồn cung tôm thẻ tăng vọt.

Tình hình thủy sản tháng 6/2019: Tôm sú tăng giá, tôm thẻ sụt giảm

Tại thị trường Mỹ, theo số liệu mới nhất của Cục Nghề cá biển Hoa Kỳ (NMFS),

nhập khẩu phile cá tra đông lạnh và tôm của Mỹ đều có xu hướng giảm mạnh trong những tháng đầu năm. Với mức nhập khẩu giảm, giá mặt hàng này (tôm và cá tra) có xu hướng giảm.

Giá bán buôn cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 6/2019 tiếp tục xu hướng giảm khoảng 2.000 đ/kg so với tháng trước xuống còn 22.000-23.000 đ/kg đối với cá tra loại I (800-900g/con), trong khi giá thu mua chỉ trong khoảng 20.000-21.000 đ/kg.

Lượng bắt của các doanh nghiệp ở mức thấp, chủ yếu bắt cá ao nhà và hạn chế mua ngoài. Nhìn chung thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong nửa đầu năm 2019 có xu hướng suy yếu dần sau một năm liên tục tăng nóng: giảm gần 16.000 đ/kg so với cùng kỳ năm 2018, giảm gần 10.000 đ/kg so với đầu năm nay và đang ở mức thấp nhất trong khoảng 2 năm qua. Do ảnh hưởng bởi giá cá tra nguyên liệu giảm nên nhu cầu giống thả nuôi trong dân cũng giảm, giá cá giống cũng giảm mạnh: loại 30 con/kg dao động ở mức 18.000 – 20.000 đ/kg (trong khi cuối năm 2018 giá cá giống là 60.000- 65.000 đ/kg). Nguyên nhân giá giảm là do xuất khẩu giảm mạnh đặc biệt là xuất khẩu sang 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc.

Thị trường tôm nguyên liệu trong tháng 6/2019 có xu hướng tăng giá đối với tôm sú nhờ sức tiêu thụ thị trường nội địa tăng mạnh vào thời điểm du lịch. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá nguyên liệu cỡ 20 con/kg tăng 30.000 đ/kg lên 240.000 đ/kg, cỡ 30 con/kg tăng 50.000 đ/kg lên 210.000 đ/kg, cỡ 40 con/kg tăng 20.000 đ/kg lên 150.000 đ/kg. Tuy nhiên, giá tôm thẻ chân trắng giảm do cung tăng vào vụ thu hoạch. Giá tôm thẻ ướp đá (loại 60 con/kg) giảm 14.000 đ/kg so với tháng trước xuống 88.000-90.000 đ/kg; (cỡ 70 con/kg) giảm 12.000 đ/kg còn 80.000-82.000 đ/kg, cỡ 100 con/kg giảm 6.000 đ/kg còn 70.000-72.000 đ/kg. Thời tiết mưa nắng thất thường làm môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột, buộc nông dân phải thu hoạch đồng loạt để tránh rủi ro. Do đó, đã khiến cho nguồn cung tôm thẻ tăng vọt, đẩy giá sụt giảm.

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 6/2019 ước đạt 794 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt gần 4 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2018. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 55,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 6/2019 ước đạt 157 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2019 đạt 886 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất là Nauy (chiếm 12,5% thị phần) tiếp đến là Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản với thi ̣p hần l ần lượt là 12%, 8,4% và 7%.

Trong các tháng đầu năm 2019, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn như Nhật Bản, EU và Mỹ không có nhiều dấu hiệu tích cực. Đặc biệt, gần đây chính phủ Mỹ đã áp thuế 25% lên các mặt hàng thủy sản từ Trung Quốc, đặc biệt là trong phân khúc các sản phẩm thủy sản chế biến có giá trị gia tăng cao vốn là thế mạnh của nước này.

Tuy nhiên, đây sẽ trở thành cơ hội cho các quốc gia khác đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ, trong đó có Việt Nam. Hai ngành xuất khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam là tôm và cá tra, trong khi sản phẩm tôm từ một số công ty đã được chính phủ Mỹ gỡ áp thuế chống phá giá, thì sản phẩm cá tra lại bị tăng lên. Do đó, về ngắn hạn, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường này, trong khi tăng cường mở rộng xuất khẩu cá tra sang các thị trường truyền thống khác như Trung Quốc, EU và ASEAN. Ngoài ra, về dài hạn, để tận dụng tốt cơ hội trên, các cơ sở chế biến thủy sản nên nâng cấp, mở rộng hệ thống bảo quản tích trữ, các nhà máy tiệt trùng, chế biến… tương đương với chất lượng các nhà máy của Trung Quốc. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất – một điều kiện để Bộ Thương mại Mỹ xem xét khi áp mức thuế phá giá, qua đó tăng cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ hơn cho doanh nghiệp.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản

Bộ NN&PTNT

Tin mới nhất

T6,26/04/2024