Thủy sản Việt Nam 2019: Vững vàng vươn xa 3 chủ lực

[Người nuôi tôm]  – Năm 2018, xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước tính đạt 9 tỷ USD với ba mũi nhọn chính là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra. Đây cũng là 3 đối tượng thủy sản vừa được Chính phủ công bố là chủ lực của ngành Thủy sản Việt Nam, hy vọng sẽ mang về con số 10 tỷ USD trong năm 2019.

Vững vàng 3 mũi nhọn

Theo báo cáo của ngành chức năng, xuất khẩu tôm chân trắng 11 tháng của năm 2018 đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 69%, giảm gần 3%; xuất khẩu tôm sú chiếm 23% tương đương 745 triệu USD, giảm gần 8%. Dự báo xuất khẩu tôm hết năm 2018 đạt khoảng 3,6 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2017.

Xuất khẩu cá tra duy trì tăng trưởng khả quan 32% trong tháng 11/2018 đạt 212 triệu USD, đưa kết quả 11 tháng đầu năm lên trên 2 tỷ USD. Theo dự báo, xu hướng tăng này sẽ vẫn tiếp tục trong những tháng tới và dự báo sẽ đạt tổng giá trị trên 2,2 tỷ USD trong cả năm 2018, tăng 22% so với năm 2017.

Ba thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam là Mỹ, EU và Nhật Bản.Trong đó, xuất sang Mỹ đạt kim ngạch cao nhất với1,48 tỷ USD, chiếm 18,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, tăng trên 14% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu sang EU đạt 1,31 tỷ USD, chiếm 16,4%, tăng 1,7%. Xuất sang Nhật Bản chiếm 15,8%, đạt 1,27 tỷ USD, tăng 6,7%.

Ngoài ra, một số thị trường cũng đạt kim ngạch lớn như: Trung Quốc đạt 910,43 triệu USD, chiếm 11,3%, giảm 9,8%; Hàn Quốc đạt 785,66 triệu USD, chiếm 9,8%, tăng 11,3%. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á nói chung đạt 615,59 triệu USD, chiếm 7,7%, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2018, được đánh giá là năm khó khăn của ngành thủy sản Việt Nam do gặp nhiều bất lợi và thiên tai, dịch bệnh, biến động của thị trường, những rào cản kỹ thuật,…nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng so với năm 2017. Đây chính là một trong những lý do để ngành thủy sản Việt Nam hướng đến mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2019.

Mục tiêu 10 tỷ USD năm 2019

Theo nhiều chuyên gia thủy sản, để đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD trong năm 2019 thì ngành thủy sản phải giải quyết được những thách thức đã được nhận diện như: cần nỗ lực của trong việc chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) và tuân thủ thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để tránh bị “thẻ vàng”; đối mặt với hàng rào thương mại và kỹ thuật ngày càng khắt khe; phải thường xuyên quan tâm đến vấn đề chất lượng sản phẩm thủy sản và xây dựng thương hiệu,…

Bên cạnh những khó khăn từ khách quan, ngành thủy sản cũng cần giải quyết được những vấn đề tồn tại nhiều năm qua như: vấn đề quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu; giảm giá thành sản phẩm (chủ yếu là sản phẩm nuôi); nâng cao chất lượng giống thủy sản; chủ động trong công tác cảnh báo và phòng ngừa thiên tai, dịch bệnh,…

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, người nuôi cũng cần nắm bắt những biến động trên thế giới có ảnh hưởng trực tiếp đến việc nuôi trồng và chế biến thủy sản, từ đó có những tính toán hợp lý. Ví dụ, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ít nhiều tác động đến ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản của Trung Quốc từ đó có thể tác động trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến ngành thủy sản Việt Nam,…

Vươn xa 3 chủ lực

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì một trong những chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 là giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 11 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7-8%/ năm (giai đoạn 2011-2020); trong giai đoạn 2020 -2030, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 20 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 6-7%/ năm.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, để đạt được mục tiêu trên ngành thủy sản cần phải tạo những “đột phá” ngoạn mục, đưa 3 chủ lực “vươn xa” một cách bền vững.

Đối với ngành tôm, để xuất khẩu tốt cần lưu ý những vấn đề như kiểm soát dư lượng kháng sinh; đa dạng size (cỡ) khi thu hoạch và lưu ý đến màu sắc của tôm,…

Để làm được những điều trên, cần khắc phục những điểm yếu của nghề nuôi tôm hiện nay như: chất lượng tôm giống chưa đồng đều; việc quy hoạch vùng nguyên liệu còn nhiều hạn chế; tình hình dịch bệnh còn nhiều, quản lý vật tư đầu vào còn chưa chặt chẽ; giá thành nuôi tôm còn cao trong khi giá bán tôm thì tăng giảm thất thường, khó cạnh tranh. Ví dụ, giá thức ăn nuôi tôm của Việt Nam hiện còn cao hơn so với nhiều nước khác, đây cũng là một trong những lý do khiến tôm Việt Nam có sức cạnh tranh yếu.

Cũng như ngành tôm, ngành cá tra cũng phải đối mặt với nhiều thách thức còn tồn tại, trong đó nổi bật là vấn đề chất lượng con giống và nguyên liệu. Sản phẩm xuất khẩu cần nâng cao chất lượng để vượt qua các rào cản thương mại và kỹ thuật; đa dạng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh,…

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành thủy sản cũng như để các đối tượng thủy sản chủ lực “vươn xa”, cần có sự nỗ lực lớn cả trong ngắn hạn và dài hạn. Hy vọng, năm 2019 ngành thủy sản Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu 10 tỷ USD với sự “tỏa sáng” của bộ 3 chủ lực là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra.

Thụy Vân

Tin mới nhất

T5,18/04/2024