Thủy sản tham vọng kim ngạch 10 tỷ USD: Con tôm “nặng gánh” 4,2 tỷ

[Người nuôi tôm] – Năm 2019, sứ mệnh của ngành sản xuất, chế biến tôm phải đạt giá trị xuất khẩu 4,2 tỷ USD để kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản tiến gần mục tiêu 10 tỷ USD.

Thủy sản tham vọng kim ngạch 10 tỷ usd: Con tôm “nặng gánh” 4,2 tỷ

SỨ MỆNH CỦA NGÀNH TÔM

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2018, xuất khẩu tôm giảm gần 8%, chỉ đạt 3,55 tỷ USD. Vì thế, dù xuất khẩu tôm chiếm giá trị cao nhất nhưng tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu bị giảm từ 46% (năm 2017) xuống còn 40% năm 2018.

Trong khi đó, cá tra tăng trưởng 26,5%, đạt 2,26 tỷ USD, nâng tỷ trọng trong tổng xuất khẩu thủy sản từ 21% lên 26% năm 2018.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP cho rằng con tôm đã có 1 năm tăng trưởng không ổn định. Trong năm qua, ngành tôm gặp không ít khó khăn khi chưa kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu, việc sử dụng hóa chất kháng sinh cấm trong chăn nuôi cũng như bơm chích tạp chất chưa được kiểm soát tốt.

Sức cạnh tranh yếu khi giá tôm nguyên liệu của Việt Nam vẫn đang cao hơn các nước trong khu vực cùng việc tăng giá các yếu tố chi phí đầu vào cũng ảnh hưởng đến giá thành và sức cạnh tranh.Theo ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận Phước, để đạt mục tiêu 4,2 tỷ USD, ngành tôm đã và sẽ gặp nhiều thách thức. Tại thị trường Mỹ và châu Âu, mùa đông vừa qua tình hình tiêu thụ tôm chậm nên tồn kho vẫn đang còn, tổng cầu năm 2019 sẽ nhỏ lại.
Vấn đề thứ 2 là đồng USD có xu hướng tăng cao cũng gây ít nhiều trở ngại khi VND ổn định. Thứ ba là sức ép cạnh tranh của thị trường Ấn Độ đang ngày càng lớn đối với con tôm Việt Nam.
Cuối cùng là vấn đề giá thành sản xuất trong nước còn cao trong khi các hàng rào kỹ thuật, các yêu cầu nguyên tắc xuất xứ ngày càng khắt khe hơn.

Ông Hòe đánh giá cả năm 2018, toàn ngành thuỷ sản tăng 6% là tương đối thấp so với thực lực. Ngành thủy sản hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng 10 – 12%. Với các tiềm năng chưa phát huy hết cùng các lợi thế thương mại sắp tới, mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD là hoàn toàn có thể.

Và cần thiết, mỗi ngành phải thực hiện mục tiêu riêng để đảm bảo mục tiêu chung. “Trong đó 4,2 tỷ USD là sứ mệnh của ngành tôm. Việc hoàn thành mục tiêu của ngành tôm sẽ giúp ngành thủy sản tiến sát hơn mục tiêu 10 tỷ USD”- ông Hòe cho biết.

Bên cạnh đó, với thế mạnh và lợi thế sẵn có, ngành cá tra sẽ củng cố mức xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD. Và hy vọng khi gỡ bỏ được thẻ vàng IUU, ngành hải sản có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD.

Thủy sản tham vọng kim ngạch 10 tỷ usd: Con tôm “nặng gánh” 4,2 tỷ

MỤC TIÊU ĐẠT KIM NGẠCH 10 TỶ USD CÓ CƠ SỞ

Tại hội nghị triển khai kế hoạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 diễn ra tại TP.HCM ngày 16.2/2019 do VASEP tổ chức, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD vào năm 2019 là hoàn toàn có cơ sở vì đó là mục tiêu mang tính hy vọng và biện chứng.

Trước khi nói về kỳ vọng, Bộ trưởng nhắc lại thời điểm này năm ngoái, VASEP phấn đấu đạt 9,5 tỷ USD. Tuy nhiên, kết thúc năm 2018, cả ngành chỉ đạt xấp xỉ 9 tỷ USD.

VASEP đặt ra kế hoạch cụ thể cho từng ngành. Trong đó, các doanh nghiệp ngành tôm cần có kế hoạch tăng tỷ lệ xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao để không bị áp thuế chống bán phá giá. Các doanh nghiệp cần rà soát và tập trung kế hoạch cho sản phẩm tôm có chứng nhận ASC; lấy yếu tố lòng tin của khách hàng vào các chứng nhận ASC “thật sự” làm yếu tố chủ đạo. Từ đó mở rộng xuất khẩu tôm sang châu Âu.

Mục tiêu mang tính khát vọng đặt ra 9,5 tỷ USD tuy chưa đạt nhưng kết quả gần 9 tỷ USD có ý nghĩa rất lớn, mang tính nền tảng để đặt ra các mục tiêu tiếp theo chứ không dừng ở giá trị kim ngạch.
Bởi vì, theo đánh giá của Bộ trưởng Cường, năm 2018 cả 2 khu vực khai thác và nuôi trồng đều chịu nhiều thách thức lớn, từ biến đổi khí hậu cho đến thẻ vàng của EC do khai thác không có báo cáo, không được quản lý và không đảm bảo truy xuất nguồn gốc (IUU).

“Tuân thủ quy định về IUU tuy là khó nhưng nghiêm túc mà nói, điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu chuyển đổi nghề khai thác sang bền vững mà Việt Nam đang đặt ra. Vì thế, mức doanh thu trong năm qua tuy chưa đạt như kỳ vọng nhưng các nỗ lực cho tới những hành động chấn chỉnh trong ngành mang ý nghĩa lớn lao hơn. Vấn đề không phải là rút hay không rút lại thẻ vàng mà là mục tiêu khai thác nghề cá bền vững”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Trong lĩnh vực nuôi trồng, cụ thể là con tôm, năm vừa qua rất nhiều nước lớn đẩy mạnh sản xuất khiến nguồn cung vượt cầu. Ngành thủy sản đã kịp thời đánh giá, chấn chỉnh lại hoạt động để kéo giữ giá và giữ lại thị trường. Đối tượng thứ 2 là cá tra. Giá thành tăng cao trong năm qua không quan trọng bằng giá trị con cá được cải thiện; chuỗi giá trị cá tra cũng ngày càng hoàn thiện hơn với gần 80 sản phẩm từ cá tra.

“Dù kim ngạch không đạt được mục tiêu mang tính kỳ vọng đầu năm 2018, nhưng đó là nền tảng căn bản cho các năm tiếp theo. Vì thế, mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD đặt ra cho năm 2019 vừa là mục tiêu hy vọng, vừa mang tính biện chứng trên cơ sở đã tính toán các điều kiện, cơ cấu, thị trường…”– Bộ trưởng Cường nói.

Ông Ngô Văn Ích – Chủ tịch VASEP đánh giá việc phấn đấu thêm 1 tỷ USD nữa không hề là nhiệm vụ đơn giản, nhất là khi bản thân ngành thủy sản vẫn còn không ít bất cập, tồn tại. “Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng cả 3 trục: Chính phủ, doanh nghiệp và người dân sẽ tự tin và cùng đoàn kết đồng lòng thể thực hiện thành công mục tiêu trên”- ông Ích nói.

N.V

 

Tin mới nhất

T7,12/10/2024