Thế nào là nuôi tôm bền vững?

Đạt các tiêu chí nuôi trồng bền vững đang là yêu cầu bắt buộc với các nhà sản xuất tôm, trong bối cảnh ngành này vẫn còn nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái.

Trang trại tôm bền vững Nature’s Hug của Blue Aqua ở Singapore.

Tháng 2-2023, nhà sản xuất tôm Blue Aqua hân hoan tuyên bố đã thành cơ sở nuôi tôm đầu tiên và duy nhất của Singapore đạt chuẩn nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC).

ASC được coi là chứng nhận với yêu cầu cao và toàn diện nhất hiện nay về các tác động môi trường và xã hội tiềm ẩn của nuôi trồng thủy sản, bao gồm mất đa dạng sinh học, sử dụng nguồn thức ăn và nước, quản lý dịch bệnh và các tác động đối với cộng đồng địa phương.

ASC đặt ra các tiêu chuẩn về nuôi tôm có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Để được chứng nhận, các trang trại phải tích cực giảm thiểu tác động đến môi trường tự nhiên xung quanh, hạn chế sử dụng kháng sinh và tuân thủ trách nhiệm xã hội, chăm sóc đầy đủ cho nhân viên và hợp tác với cộng đồng địa phương. Tất cả gồm 500 điểm phải tuân thủ.

Trang trại của Blue Aqua rộng 1,3 ha, nằm hoàn toàn trong đất liền, với năng suất 120 tấn/năm, chỉ cung cấp cho nhà hàng và các chuỗi cửa hàng trong nước. “Khi nhu cầu sản phẩm thân thiện sinh thái ngày càng gia tăng, chứng nhận ASC sẽ giúp tăng tính cạnh tranh cho chuyện kinh doanh và bảo vệ hành tinh cho thế hệ sau” – Hamoon Shishechian, lãnh đạo phụ trách các mục tiêu bền vững, có trách nhiệm của Blue Aqua, nói.

Quả vậy, đạt các tiêu chí nuôi trồng bền vững đang là yêu cầu bắt buộc với các nhà sản xuất tôm, trong bối cảnh ngành này vẫn còn nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái, chẳng hạn sau mỗi vụ thu hoạch, nước nuôi tôm – gồm tồn dư kháng sinh và chất thải – được xả thẳng ra môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước và việc canh tác nông sản khác xung quanh.

Nuôi tôm truyền thống thường đặt lồng trên biển hoặc đào ao, và nước thải sau thu hoạch sẽ ảnh hưởng đến các nguồn nước này. Một trong các giải pháp để thay đổi điều này là việc áp dụng các công nghệ như hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS), liên tục lọc và tái sử dụng nước. Các nhà môi trường cho biết phương pháp này có thể bền vững, cho phép khối lượng sản xuất cao với ít nước thải hơn và nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái thấp hơn.

Theo Andrew Wyatt, phó giám đốc nhóm môi trường Mekong của Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN), RAS giúp giải quyết các vấn đề của nuôi tôm truyền thống: sử dụng kháng sinh và xả nước thải chứa đầy chất thải của tôm ra môi trường sau mỗi vụ nuôi.

Trang trại RAS đã có mặt ở nhiều nơi, từ Philippines đến Đài Loan, với quy mô đa dạng – từ các bể vận hành thủ công, chi phí thấp đến các hệ thống lớn và tinh vi hơn. Theo tạp chí Nikkei Asia, Việt Nam cũng bắt đầu tham gia ứng dụng RAS, hoặc các giải pháp tương tự như hệ thống lấy nước vào và ra khỏi ao theo định kỳ của Tập đoàn Việt Úc. Tập đoàn này cũng sử dụng “công nghệ di truyền định lượng” và phân tử khi nhân giống tôm để tôm thích nghi tốt hơn và có khả năng kháng bệnh mạnh hơn.

Một trại tôm RAS ở Myoko (tỉnh Niigata, Nhật).

Trong bài viết “Công nghệ có thể làm sạch ngành tôm”, BBC lấy ví dụ về các dự án RAS tiên phong ở Ấn Độ của Công ty Kings Infra Ventures. Do điều kiện nước có thể được kiểm soát nghiêm ngặt và tôm được giám sát chặt chẽ, người nuôi có thể làm 5 vụ/năm so với tối đa 2 vụ như trước kia, theo Shaji Baby John, chủ tịch và giám đốc điều hành Kings Infra Ventures. “Nhiều vụ hơn đồng nghĩa năng suất tăng – một cơ sở 1.000m2 có thể cho ra tới 45 tấn tôm/năm” – John nói với BBC.

Ưu điểm của RAS là các bể nuôi có thể lắp đặt bất kỳ đâu, không cần phải đào ao hay phụ thuộc nguồn nước tự nhiên. Mặc dù công nghệ đang mở ra tương lai nuôi tôm trên đất liền khả thi về mặt thương mại, mọi thứ vẫn còn quá sớm.

“Tôm RAS vẫn là một sản phẩm nhỏ. Chi phí tương đối cao và sản lượng trên toàn cầu tương đối thấp. Hơn nữa, tôm RAS phải được bán với giá cao hơn cho các thị trường cao cấp. Nó không thể cạnh tranh như một mặt hàng phổ thông” – Steve Hedlund, giám đốc truyền thông của Liên minh Thủy sản toàn cầu (GSA), nói với Nikkei Asia.

Tương tự, Victor Suresh, chủ tịch Hiệp hội chuyên gia nuôi trồng thủy sản Ấn Độ, nói có rất ít tiềm năng để RAS trở thành công nghệ sản xuất tôm chủ đạo ở nước này, vì có vốn và chi phí vận hành rất cao. Suresh cho rằng RAS có thể cạnh tranh gần các thành phố lớn, nơi có thể có nhu cầu về tôm tươi sống giá cao.

Nhưng thị trường này vẫn còn rất nhỏ. “Nuôi tôm trong ao vẫn là phương án kinh tế nhất với một quốc gia mà hàng trăm nghìn tấn tôm được hầu hết nông dân nhỏ nuôi để chế biến và bán ra thị trường xuất khẩu” – ông nói thêm.

Những người tiên phong như John vẫn không nhụt chí. John thừa nhận chi phí đầu tư ban đầu của nuôi RAS là cao, nhưng cho biết chất lượng sản phẩm từ hệ thống RAS của ông tốt hơn và chi phí trên mỗi con tôm thấp hơn so với nuôi trong ao truyền thống.

Ngoài ra, nhờ dùng pin mặt trời để phát điện, ông nói rằng các cơ sở mới sẽ có phát thải carbon thấp. “Chúng tôi hướng đến nuôi trồng thủy sản tập trung hoàn toàn vào các biện pháp thực hành bền vững và thân thiện với môi trường, không sử dụng kháng sinh và không lãng phí” – ông nói.

Tịnh Anh

Báo Tuổi Trẻ

Tin mới nhất

T5,19/09/2024