Thái Thụy: Tập trung chăm sóc và bảo vệ thủy sản

Ngay sau khi thả giống thủy sản vụ xuân hè, các hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn huyện Thái Thụy đã tập trung chăm sóc, bảo vệ và phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản, nhất là trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay.

Hộ nuôi trồng thủy sản xã Thụy Xuân (Thái Thụy) chăm sóc thủy sản sau khi thả giống.

Năm 2023, huyện Thái Thụy phấn đấu duy trì diện tích NTTS 4.270ha, sản lượng đạt 65.000 tấn. Để hoàn thành mục tiêu này, UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn có diện tích NTTS đôn đốc, hướng dẫn các hộ dân làm tốt việc cải tạo ao đầm, tập trung xuống giống đúng thời vụ. Đến nay, toàn huyện đã thả giống đạt gần 100% diện tích nước lợ với gần 150 triệu con giống gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược…, các diện tích còn lại đang chờ san giống.

Vụ xuân hè này, gia đình anh Vũ Hồng Tuân, hộ NTTS tại xã ven biển Thụy Xuân nuôi thả hơn 1ha tôm thẻ chân trắng, tôm sú và cá vược theo hình thức bán thâm canh. Nhờ làm tốt công tác thả giống, chăm sóc nên đến nay, sau hơn 1 tháng nuôi thả, tôm và cá đang sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Tuân cho biết: Khi tôm nuôi được hơn 1 tháng tuổi trở đi rất nhạy cảm với biến động của môi trường. Thời tiết lúc nắng, lúc mưa như hiện nay dễ khiến tôm mắc các bệnh gây chết hàng loạt, vì vậy, ngay sau khi thả giống, tôi tập trung quản lý và chăm sóc thủy sản nuôi, trong quá trình nuôi thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước để bảo đảm sức khỏe tôm nuôi và giữ môi trường bền vững; thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh, duy trì các yếu tố môi trường bảo đảm thích hợp, nhất là duy trì ổn định độ pH trong nước bằng vôi bột; cho tôm, cá ăn khẩu phần thích hợp với mật độ và kích cỡ con giống, định kỳ bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa để tôm, cá tăng sức đề kháng. Ngoài ra, định kỳ 2 tuần 1 lần rải vôi xung quanh bờ ao để ngăn nước mưa mang phèn và chất bẩn từ trên bờ ao xuống, nhất là những ngày có mưa dông; duy trì mực nước ao nuôi luôn được bảo đảm từ 1,2 – 1,5m để giảm biến động nhiệt độ nước, nhằm ổn định môi trường để tôm, cá phát triển tốt.

Cùng với các hộ nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh, bán thâm canh, các hộ nuôi tôm theo hình thức công nghiệp tại các xã ven biển trên địa bàn huyện cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản.

Ông Nguyễn Văn Quyết, hộ nuôi tôm công nghiệp tại xã Thái Thượng cho biết: Hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa nên các đối tượng thủy sản, nhất là tôm hay mắc bệnh, gây tổn thất cho người nuôi như với tôm là bệnh đốm trắng. Vì vậy, giai đoạn này tôi đang tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc và bảo vệ tôm nuôi của gia đình với diện tích hơn 1,5ha. Theo đó, thường xuyên theo dõi quá trình ăn của tôm, đồng thời kết hợp theo dõi nguồn nước trong ao, hạn chế lấy nước vào ao, nhất là thời điểm nguồn nước cấp bên ngoài có độ mặn cao và hiện là thời điểm các dịch bệnh hay phát sinh nên khi lấy nước vào dễ bị lây dịch bệnh. Ngoài ra, đối với những ao nuôi phủ bạt đã nuôi được 1 tháng, tôi đã chuyển bớt tôm sang ao nuôi giai đoạn 2, bảo đảm mật độ nuôi từ 150 – 250 con/m2. Trước khi sang ao tôi đã áp dụng các biện pháp xử lý môi trường, gây màu nước ao nuôi giai đoạn 2 bảo đảm môi trường ao nuôi; nhà bạt được thông khí, thông gió trước để nhiệt độ nước trong nhà bạt tương đương bằng với nhiệt độ nước trong ao lớn…

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Những ngày gần đây, thời tiết trên địa bàn huyện diễn biến thất thường như nắng nóng kết hợp với những trận mưa rào dẫn đến các yếu tố môi trường ao nuôi như độ pH, oxy, nhiệt độ… biến động vượt ngưỡng cho phép đã ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển các thủy sản nuôi, nhất là hiện nay tôm đang trong giai đoạn nhạy cảm với thời tiết. Bên cạnh đó, qua kiểm tra của cán bộ chuyên môn cho thấy, một số địa phương việc chăm sóc tôm, cá chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, nhiều diện tích ao đầm ương giống mật độ dày đã đạt kích cỡ nhưng vẫn chưa được san thưa làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của tôm, cá. Nhiều ao tôm nuôi bán thâm canh đã phát triển và có nhu cầu ăn nhiều nhưng vẫn chưa cho ăn bổ sung bằng thức ăn công nghiệp.

Ông Lê Văn Hoan, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các HTX NTTS  tập trung đôn đốc, hướng dẫn các hộ NTTS thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản theo đúng kỹ thuật, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi ao nuôi, nếu thấy hiện tượng thủy sản chết bất thường cần báo ngay cho chính quyền địa phương để cử cán bộ chuyên môn về cơ sở hướng dẫn thực hiện các biện pháp khoanh vùng, xử lý dịch bệnh. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn huyện thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến của thời tiết, dịch bệnh để tham mưu UBND huyện chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản được kịp thời, hiệu quả.

Chăm sóc thuỷ sản vụ xuân hè tại xã Thuỵ Xuân.

Trần Tuấn

Tin mới nhất

T7,27/04/2024