Suy giảm và phục hồi ở tôm sú

Gần đây, với những tiến bộ vượt bậc trong di truyền của tôm sú (Penaeus monodon) đang dẫn đến sự khôi phục ấn tượng của loài này ở nhiều vùng.

Những thay đổi của ngành tôm sú

Tại Diễn đàn Tôm Toàn cầu, Phó chủ tịch cấp cao của CP Foods (CPF – một tập đoàn của Thái Lan với các hoạt động trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến và thương mại) đã có bài phát biểu về số phận của ngành tôm sú và nêu lên lý do cho sự phục hồi của ngành sau khi hai thập kỷ suy giảm.

Nghề nuôi tôm bắt đầu ở châu Á với loài tôm sú vào khoảng năm 1985, có nguồn gốc từ tôm bố mẹ và tôm giống hoang dã. Tuy nhiên, nó bắt đầu bị thay thế bởi tôm thẻ chân trắng nhập khẩu (Litopenaeus vannamei) do sự di truyền ở tôm sú kém, dẫn đến tốc độ tăng trưởng và kích cỡ có phần suy giảm.


Tôm sú bố mẹ. Ảnh: thefishsite.com

Đến năm 2002 nghề nuôi tôm sú dần đi xuống đã dẫn đến nhiều sự thay đổi. Bằng cách đưa tôm thẻ chân trắng vào hệ thống nuôi trồng vì chúng đã được thuần hóa, chúng đã dần lấp đầy những thiếu sót của tôm sú và trở nên phổ biến. Một số công ty, bao gồm CP bắt đầu nghiên cứu đến việc thuần hóa tôm sú.

Công việc thuần hóa chúng gặp phải rất nhiều thử thách so với dự đoán. Vì phải mất 8 thế hệ mới có thể chọn lọc được. Để thiết lập một chương trình SPF (giống sạch bệnh), CP phải đảm bảo nguồn giống sạch, mang lại càng nhiều biến thể di truyền càng tốt từ phạm vi của loài. Sau khi thuần hóa mất 8 – 9 năm, mới có thể bắt đầu việc tuyển chọn tại trung tâm nhân giống. Ở thế hệ thứ 14, họ đã có thể lập biểu đồ về tỷ lệ sống sót đã tăng từ khoảng 30% lên 85% như thế nào.


Chương trình nhân giống tôm sú của CP đã chứng kiến ​​tỷ lệ sống tăng từ khoảng 30% lên 85%. Ảnh: thefishsite.com

Những quốc gia đã tận dụng các dòng tôm sú mới được thuần hóa gồm có Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia, Bangladesh và Madagascar, CP ghi nhận tốc độ tăng trưởng của loài này lên đến 42% kể từ năm từ năm 2019 đến năm 2021.

Ưu và nhược điểm

Có khả năng chống chịu với cả EMS / AHPND (hội chứng hoại tử gan tụy cấp trên tôm) và EHP (tổn thương thành ruột, gây nên tình trạng chậm lớn thường gặp ở tôm thẻ chân trắng).

Ở Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan tôm thẻ chân trắng đang có tình trạng tử vong và không phát triển tốt, việc đưa tôm sú vào nuôi là một biện pháp khả thi vì chúng có khả năng chống chịu tốt với vốn đầu tư thấp, không cần sục khí nhiều và các trang thiết bị nâng cấp như đối với tôm thẻ chân trắng. Vì thế, nhiều hộ nuôi có thể thực hiện được điều này. Bên cạnh đó, tôm sú có giá trị thị trường rất tốt.

Những bất lợi của tôm sú bao gồm năng suất tương đối thấp và tốc độ tăng trưởng thấp hơn, nhưng CP tin rằng những điều này có thể vượt qua tôm thẻ chân trắng trong vòng 10 năm tới, khi chương trình chọn lọc phát triển sẽ có thể đuổi kịp tôm thẻ chân trắng.

Nghiên cứu và chiến lược mới để nuôi tôm sú

Một số trang trại của CP ở Thái Lan nơi tôm sú hoạt động đặc biệt tốt với các vụ riêng lẻ đạt tới 45g trong 115 ngày. Với mật độ nuôi thấp hơn tôm thẻ chân trắng, nhưng tỷ lệ sống và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn rất tốt. Ở Trung Quốc, trong đó những vụ nuôi tôm thẻ chân trắng thất bại hiện đã có sự thành công với tôm sú, cho ra hiệu suất ngang ngửa các vụ nuôi ở Thái Lan và có giá thành lý tưởng hơn so với tôm thẻ chân trắng.


Tôm sú không đòi hỏi vốn đầu tư trả trước nhiều như tôm thẻ chân trắng và có thể nuôi trong hệ thống quảng canh. Ảnh: thefishsite.com

Các nhà nghiên cứu đã phác thảo một số kỹ thuật sản xuất mới. Chúng bao gồm một hệ thống nuôi ghép trong đó tôm thẻ chân trắng được bổ sung vào ao nuôi sú sau 6 – 7 tuần sau khi thả tôm. Phải bắt đầu từ nuôi tôm sú nếu ngược lại, tôm thẻ chân trắng sẽ giết chúng.

Một phương pháp khác là nuôi luân phiên tôm sú với tôm thẻ chân trắng để giảm tải mầm bệnh. Có 3 chu kỳ, ở chu kỳ đầu tiên sẽ thành công với tôm thẻ chân trắng nhưng sẽ dẫn đến thất bại liên tiếp ở chu kỳ 2 và chu kỳ 3, nếu đặt tôm sú thay vì tôm thẻ chân trắng trong chu kỳ 2 có thể sẽ thành công và làm giảm tải lượng mầm bệnh. Đồng thời, chu kỳ 3 lại có thể nối tiếp thành công với tôm thẻ chân trắng.

Tiềm năng trong tương lai

Mặc dù CP không tin rằng tôm sú có thể vượt qua mức sản xuất của tôm thẻ chân trắng trên toàn cầu, nhưng họ nhận thấy loài này có một tương lai tươi sáng trong một loạt các khu vực địa lý khi việc di truyền đã được cải thiện.

Ngày nay, tôm sú thuần hóa đã có thể hoạt động trong ao hoặc trong trại giống một cách dễ dàng giống như tôm thẻ chân trắng. Vì vậy, chúng sẽ có thị trường ngách và sẽ tiếp tục phát triển. Đặc biệt, là khi gặp vấn đề với tôm thẻ chân trắng, bởi vì tôm sú dường như có một số thuộc tính cho phép chúng tồn tại trong khi tôm thẻ chân trắng thì không làm được điều đó.

Nhất Linh

Nguồn: Tép Bạc

Tin mới nhất

T3,16/04/2024