Sóc Trăng chuẩn bị tốt nhất cho vụ tôm nước lợ năm 2023

Vụ tôm nước lợ năm 2022 của tỉnh Sóc Trăng đã kết thúc thắng lợi với diện tích thả nuôi đạt 54.600 ha, sản lượng tôm nuôi trên 200.000 tấn. Thành công này ghi nhận sự nỗ lực từ nhiều phía, từ công tác điều hành, sự chỉ đạo của cơ quan chuyên môn đến sự nỗ lực của hộ nuôi và doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm đúc kết được, tỉnh Sóc Trăng đang có bước chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc xây dựng khung lịch thời vụ, quản lý yếu tố đầu vào và lựa chọn mô hình thả nuôi phù hợp nhằm đạt được thành công trong vụ nuôi của năm 2023.


Vệ sinh ao nuôi chuẩn bị cho vụ tôm tiếp theo

Năm 2022, ngành thủy sản chịu ảnh hưởng bởi các tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá xăng, dầu, chi phí vận chuyển và giá vật tư đầu vào tăng cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người sản xuất. Tuy nhiên, nhờ vào sự chủ động của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, sự sáng tạo, chủ động của doanh nghiệp và nông dân trong công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh nhờ đó mà kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của tỉnh năm 2022 đạt mốc 1,4 tỷ USD, mà mặt hàng chủ lực là con tôm đạt 1,05 tỷ USD (tăng 6,49%). Tình hình sản xuất thủy sản của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2022 cơ bản đã đạt và vượt kế hoạch đã đề ra.

Theo dự báo, trong năm 2023, ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ do ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu tăng cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, dẫn đến tồn kho tăng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ, khiến cho việc tiêu thụ tôm ở các thị trường lớn gặp khó khăn, nhất là vào thời điểm quý I của năm 2023. Để giúp cho người nuôi có kế hoạch sản xuất đạt hiệu quả tối ưu, bên cạnh các giải pháp quản lý tổng hợp, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nuôi tôm theo khung lịch thời vụ và đồng bộ các giải pháp bám sát với tình hình thực tiễn để đảm bảo duy trì tốt đà tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh. Đối với tỉnh Sóc Trăng, việc quản lý nuôi tôm theo lịch mùa vụ được bắt đầu áp dụng từ năm 2010 cho đến nay. Kết quả cho thấy trong những năm qua, việc quản lý tôm theo lịch thời vụ được chính quyền địa phương và người nuôi tôm rất quan tâm và đánh giá cao, đây chính là một trong những yếu tố góp phần không nhỏ vào thắng lợi cho vụ nuôi. Đồng chí Quách Thị Thanh Bình – Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Từ việc đánh giá lại thời vụ và kết quả sản xuất năm 2022, dự báo về tình hình thời tiết, thủy văn năm 2023, cùng với sự tham vấn ý kiến từ các ngành, địa phương và người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Thông báo 03 về thông báo lịch thả giống vụ nuôi tôm nước lợ năm 2023. Thời gian bắt đầu thả giống từ ngày 15/01/2023 và sẽ kết thúc vào ngày 30/9/2023, trong đó: Đối với tôm thẻ chân trắng từ 15/01/2023 – 30/9/2023, đối với tôm sú: Từ 15/3/2023 – 30/9/2023, đối với mô hình Tôm – lúa: Phải bố trí thả nuôi tôm, thu hoạch kết thúc trước tháng 9 để chuẩn bị cho việc trồng lúa”.

Nghề nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng khá đa dạng theo từng vùng, biên độ mặn cũng có sự chênh lệch rõ rệt. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hạn, mặn mùa khô năm 2023 nhiều khả năng sẽ xâm nhập sâu hơn so với cùng kỳ. Tuy vậy, ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, độ mặn tại các kênh đầu nguồn trong những tuần qua hiện vẫn ở mức tương đối thấp, đây là một trong những bất lợi đối với nghề nuôi. Dựa theo diễn biến tình hình thời tiết và độ mặn, từng vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh cũng đã bố trí khung lịch thả nuôi phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, nhưng vẫn tuân thủ khung lịch chung do ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ban hành. Công tác vận hành hệ thống thủy lợi hay quản lý các yếu tố đầu vào như: Giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường cũng được ngành chức năng tiến hành kiểm tra thường xuyên. Đồng chí Mã Chí Thọ – Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Về lịch thời vụ của thị xã Vĩnh Châu, chúng tôi dự kiến đối với tôm thẻ chân trắng bắt đầu từ 15/2/2023, đối với tôm sú khoảng 15/3/2023 đến hết tháng 9 năm 2023. Chúng tôi chỉ đạo các trạm vận hành tốt các cống, đồng thời rà soát lại các hệ thống thủy lợi để đề xuất phía tỉnh cũng như thị xã tiến hành nạo vét, chuẩn bị tốt nguồn nước phục vụ sản xuất cho bà con. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành của tỉnh để giám sát tình hình tôm giống cũng như giá cả, chất lượng vật tư đầu vào phục vụ nghề nuôi”.

Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cũng lưu ý, đối với các vùng, cơ sở nuôi, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng đủ điều kiện nuôi và cụ thể là không chủ động được nguồn nước, để hạn chế bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng và các yếu tố môi trường bất lợi thì hạn chế không thả nuôi vào các khoảng thời gian mà thời tiết khắc nghiệt, cụ thể là trong tháng 3 (thời tiết nắng nóng và độ mặn cao) và tháng 6 – 7 (thời tiết mưa dầm). Đối với các doanh nghiệp, trang trại nuôi quy mô lớn có khả năng đáp ứng yêu cầu điều kiện nuôi, mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, nuôi 2 giai đoạn có thể bố trí nuôi rải vụ quanh năm, nhưng cần chủ động dự trữ nước, nuôi nước, có giải pháp ứng phó với thời tiết bất lợi. Tất cả các mô hình nên chú trọng vận dụng các mô hình nuôi hiệu quả như: mô hình nuôi 2 giai đoạn, mô hình ứng dụng vi sinh, mô hình kết hợp cá rô phi/cá chẽm/cá đối mục hoặc tôm càng xanh toàn đực với tôm thẻ hoặc tôm sú và đặc biệt là mô hình đa dạng hóa sinh học trong ao nuôi, nuôi ao lót bạt… Đồng chí Quách Thị Thanh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo thêm: “Chúng tôi khuyến cáo hộ nuôi cần tiếp tục bố trí mô hình nuôi với nhiều giai đoạn, nên thả nuôi theo hình thức luân phiên, cuốn chiếu, liên hoàn để đạt hiệu quả cao hơn. Về phía ngành sẽ tiếp tục cập nhật dự báo, dự đoán thời tiết cũng như theo dõi sát diễn biến tình hình nuôi. Từ đó có thông báo thay đổi lịch (nếu cần thiết), cũng như khuyến cáo các giải pháp kịp thời theo từng giai đoạn nuôi”.

Mặc dù liên tiếp chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố tác động, nhưng trong những năm qua, nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng vẫn luôn phát huy tốt vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn và là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của tỉnh khi chiếm trên 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu mỗi năm. Thành công của nghề nuôi không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nuôi hay thúc đẩy sự phát triển công nghiệp chế biến xuất khẩu, mà còn mang tính quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh nhà. Tuy nhiên, sự thành – bại của mỗi vụ nuôi không chỉ có yếu tố chủ quan của người nuôi mà còn chịu tác động của thời tiết, khí hậu. Do vậy, việc tuân thủ đúng lịch thời vụ, đầu tư tốt cho công trình ao nuôi, quy trình kỹ thuật trong quá trình nuôi sẽ giảm được rủi ro do yếu tố khách quan tác động, giúp ngành tôm Sóc Trăng phát triển an toàn, bền vững trong xu thế cạnh tranh toàn cầu.

Ngọc Thơ

Nguồn: Sotrang.dcs.vn

Tin mới nhất

T7,20/04/2024