Sản xuất và cung ứng giống thủy sản còn nhiều bất cập

Con giống đóng vai trò quan trọng trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên hiện nay, tình hình sản xuất và cung ứng giống nuôi thủy sản ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập.

Thực trạng con giống thủy sản

Trong khuôn khổ Triển lãm thủy sản Aquaculture 2019 được tổ chức tại thành phố Cần Thơ giữa tháng 10/ 2019, nhiều bài trình bày đến từ các diễn giả và chuyên gia trong ngành đã cùng hội tụ để bàn luận, phân tích về vấn đề sản xuất và cung ứng giống nuôi thủy sản ở nước ta hiện nay.

Mở đầu, diễn giả Nguyễn Văn Hảo đưa ra cái nhìn bao quát về con giống trong nuôi trồng thủy sản nói chung với chủ đề “Chọn tạo giống thủy sản Việt Nam”. Theo ông Hảo, trong suốt 20 năm qua (giai đoạn năm 1999 đến 2019), ngành thủy sản Việt Nam đã có một bước tiến dài trong lĩnh vực chọn tạo giống thủy sản, cải thiện đáng kể chất lượng và giá trị đóng góp cho nền kinh tế nông nghiệp của nước nhà.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu thì vẫn còn đó rất nhiều khó khăn kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực này; điển hình như các nhà chọn tạo giống gần như “đơn thân độc mã” trên con đường chọn tạo giống thủy sản cho nghề nuôi; Quy mô và phạm vi các chương trình chọn tạo giống không thoát khỏi một nhiệm vụ KHCN; Doanh nghiệp và người nuôi không đồng hành với nhà chọn tạo giống; Thiếu cơ chế sở hữu bản quyền khi có sự tham gia của đối tác thứ ba; Vấn đề phát tán sản phẩm chọn tạo cần sự đa dạng và linh hoạt so với phương cách hiện hữu (cung cấp đại trà);…

Trong khi đó, tập trung nghiên cứu về vấn đề sản xuất giống cá tra, TS Nguyễn Quốc Bình, Trung tâm Công nghệ Sinh học thành phố Hồ Chí Minh trình bày bài thuyết trình “Đề xuất phương án sản xuất cá tra giống sạch bệnh”. Đồng quan điểm, TS Bình cũng khẳng định những khó khăn đối với việc sản xuất con giống nuôi trồng thủy sản nói chung và việc sản xuất giống cá tra nói riêng.

TS Nguyễn Quốc Bình đề xuất phương án sản xuất cá tra giống sạch bệnh

Ông Bình chia sẻ, tại Việt Nam mỗi năm thả nuôi 1.5 – 2 tỷ cá tra giống (20 – 50g/ con). Tuy nhiên, tỷ lệ cá hao hụt đến khi trưởng thành lên tới gần 40%; Tỷ lệ cá nhiễm các bệnh gan, thận mủ hay phù đầu xuất huyết gần 20%; Quy trình ương nuôi cá tra từ bột lên con giống trong môi trường không có kiểm soát bệnh; Chưa có quy chế, quy định rõ ràng về chất lượng cá tra giống phải có trước khi thả nuôi; Chưa có quy trình đồng bộ để nuôi giống cá tra sạch bệnh.

Tổng kết, chính vì những thách thức và khó khăn vẫn chưa được giải quyết triệt để mà trong những năm qua, nhu cầu về nguồn tôm giống chất lượng, được sản xuất trong nước vẫn chưa được đáp ứng. Hơn 90% tôm thẻ chân trắng bố mẹ phải nhập ngoại, còn giống bố mẹ tôm sú phụ thuộc nhiều vào hoạt động đánh bắt tự nhiên. Đối với các cơ sở sản xuất tôm giống, ngoài những cơ sở đạt chuẩn, còn nhiều cơ sở không đảm bảo chất lượng sản xuất, không đảm bảo được an toàn sinh học khi cung ứng nguồn tôm giống ra bên ngoài thị trường.

Giải pháp cải thiện

Trước những khó khăn được đề cập và bóc tách trong khuôn khổ hội thảo triển lãm. Các chuyên gia đồng thời cũng chia sẻ định hướng, hành động nhằm khắc phục và cải thiện tình hình sản xuất và cung ứng con giống trong nuôi trồng thủy sản.

TS Nguyễn Quốc Bình giới thiệu phương pháp sản xuất giống cá tra mới. Phương pháp này đã được thử nghiệm thực tế và bước đầu đã cho thấy kết quả khả quan. Nghiên cứu thử nghiệm vắc – xin ở quy mô sản xuất cá ta giống tại tỉnh Tiền Giang. Các ao nuôi đều phải tuân theo quy trình xử lý qua vắc xin trước khi tiến hành thả giống. Quá trình nuôi về sau, tuy có phát hiện cá mắc bệnh ở thời điểm 18 – 20 ngày nuôi, nhưng sau 1 tuần thì ngừng chết (tỷ lệ cá chết giảm).

Từ cơ sở thử nghiệm thực tế, TS Bình đưa ra một số phương án nhằm nâng cao chất lượng sản xuất cá tra giống, đó là: Yêu cầu bắt buộc về việc vaccination cho cá tra giống trước khi thả nuôi; Thiết lập quy trình ương cá bột lên giống trên bể có kiểm soát môi trường nước và dịch bệnh; Phát triển thêm các loại vaccine khác; Thiết lập quy định sản xuất cá tra giống do Bộ NN&PTNT đề ra về sản xuất chất lượng cá tra giống.

Cùng quan tâm về vấn đề cải thiện chất lượng sản xuất và cung ứng con giống tại Việt Nam, TS. Huỳnh Trường Giang, bộ môn Thủy sinh học ứng dụng, khoa Thủy sản Đại học Cần Thơ đề xuất ứng dụng vi tảo vào quy trình sản xuất con giống. Theo nghiên cứu của TS Giang, hầu hết các loài vi tảo có giá trị dinh dưỡng cao (Protein 30 – 40%, Lipid 10 – 20 %, Carbohydrate 5 – 20%, Eicosapentaenoic acid 7 -34%, các acid béo bão hòa diatoms 37% và Chlorophytes 23%, một số loại giàu astaxathin, …).

TS Giang thực hiện một nghiên cứu tổng quát với các mô hình ao nuôi và điều kiện nuôi khác nhau, từ đó chứng minh tính hữu dụng của vi tảo trong sản xuất con giống thủy sản. Vi tảo có thể sử dụng ở 3 dạng tảo khô, tảo tươi và tảo cô đặc. Những thành phần dinh dưỡng trong vi tảo rất phù hợp với đa dạng các đối tượng thủy sản nuôi; Giúp đạt được mật số cao mà không ảnh hưởng đến tế bào; Thời hạn sử dụng có thể chấp nhận được (có thể duy trì được dinh dưỡng, tránh thối rữa khi sử dụng phương pháp đông lạnh); Hạn chế sử dụng chất bảo quản.

Từ đó, TS Giang nhận định, sử dụng vi tảo làm thức ăn tươi sống cho ấu trùng tôm, cá sẽ bổ sung giá trị dinh dưỡng, tăng sức đề kháng và nâng cao chất lượng con giống thủy sản lên rất nhiều.

Trong khi đó, với bài trình bày “Chọn tạo giống thủy sản tại Việt Nam” ông Nguyễn Văn Hảo cũng cho biết, chọn tạo giống thủy sản là một công việc dài hạn, đòi hỏi tính học thuật cao trong thiết kế chương trình, tính linh hoạt và sáng tạo trong vận dụng các nguyên lý, tính đa dạng của nguồn vật liệu ban đầu, tiêu chuẩn và hiệu quả cao của quy trình kỹ thuật, tính nghiêm túc trong triển khai thực hiện, sản phẩm phải được thực tiễn công nhận và thương mại hóa rộng rãi.

Con giống là yếu tố quan trọng nhất trong việc cho công tác phát triển bền vững ngành thủy sản. Cần bổ sung và hoàn thiện cách tiếp cận mới để trong tương lai không xa, các con giống chọn tạo của người Việt Nam thật sự đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản – ông Hảo bày tỏ quan điểm.

Thảo Thảo (tổng hợp)

Xem thêm: Tôm bố mẹ Việt – Úc khẳng định chất lượng qua 10 thế hệ

Tin mới nhất

T4,11/09/2024