Phát hiện 4 loài mới cho danh mục rong biển Việt Nam

Các nhà khoa học Việt Nam đã định được 375 loài rong biển thuộc 62 họ, 26 bộ của 4 ngành rong tại vùng biển ven 10 đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam.

Các nhà khoa học tìm hiểu các loài rong biển ở Vịnh Bắc bộ. Ảnh: VHNCS.

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam trải dài trên gần 15 vĩ độ nên có nguồn tài nguyên sinh vật biển rất phong phú và đa dạng. Vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế rộng khoảng 1 triệu km2 với trên 3.000 đảo lớn, nhỏ trải dọc từ Bắc vào Nam. Với sự đa dạng về điều kiện thời thiết khí hậu, nên đã tạo ra một nguồn tài nguyên sinh vật vùng biển Việt Nam rất phong phú và đa dạng.

Thời gian qua, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Tài nguyên & Môi trường biển và Trường Đại học Nha Trang đã nghiên cứu về đa dạng loài và phân bố nguồn lợi rong biển ven 10 đảo tiền tiêu đại diện cho các kiểu sinh thái từ Bắc vào Nam ở biển Việt Nam.

Kết quả, quá trình nghiên cứu đã ghi nhận được 375 loài rong biển thuộc 62 họ, 26 bộ của 4 ngành rong. Trong đó, ngành rong Lam (Cyanophyta) có 16 loài, ngành rong Đỏ (Rhodophyta) có 193 loài, ngành rong Nâu (Phaeophyta) có 72 loài và ngành rong Lục (Chlorophyta) có 94 loài.

Bước đầu phát hiện bổ sung 4 loài rong biển mới cho danh mục rong biển Việt Nam, sinh lượng nguồn lợi rong biển trung bình tại 10 đảo tiền tiêu đạt 1.456 ± 304 g/m2; dải độ sâu phân bố tập trung nguồn lợi rong biển từ 1-6 m nước.

Tình hình phân bố các loài rong biển. Ảnh: VNCHS.

Các đảo tiền tiêu khu vực biển miền Trung có thành phần loài rong biển đa dạng hơn so với khu vực miền Bắc và miền Nam, sự đa dạng này có liên quan mật thiết đến vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và môi trường tại từng đảo.

Cụ thể, thành phần loài đa dạng nhất ghi nhận tại Lý Sơn với 143 loài, tiếp đến tại Phú Quý ghi nhận 136 loài, Bạch Long Vỹ ghi nhận 112 loài, 3 đảo gồm: Cồn Cỏ, Côn Đảo, Nam Du cùng ghi nhận được 96 loài, Trường Sa lớn ghi nhận 81 loài, Cô Tô ghi nhận 79 loài và Vĩnh Thực ghi nhận 70 loài.

Thấp nhất là đảo Thổ Chu, chỉ ghi nhận được 69 loài. Dải độ sâu phân bố tập trung nguồn lợi rong biển tại các đảo tiền tiêu từ 1-6 m nước. Kết quả nghiên cứu này đã cung cấp cơ sở dữ liệu khoa học quan trọng cho việc đánh giá tiềm năng nguồn lợi rong biển ven các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam.

Tiễn sĩ Đỗ Anh Duy, Viện Nghiên cứu Hải sản cho biết, các đảo tiền tiêu dọc vùng biển Việt Nam từ Bắc đến Nam, có vị trí rất quan trọng trong an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, có nguồn tài nguyên sinh vật biển phong phú và đa dạng, đóng góp rất lớn vào nguồn an ninh lương thực Quốc gia.

Một trong 4 loài rong biển mới được phát hiện. Ảnh: VNCHS.

Tuy nhiên các nghiên cứu về nguồn tài nguyên sinh vật biển tại đây còn chưa nhiều, đặc biệt nghiên cứu về nguồn lợi rong biển tại các khu vực này còn nằm rải rác, chưa có tính hệ thống, chưa được nghiên cứu tổng thể trong một thời điểm nhất định.

Tiễn sĩ Đỗ Anh Duy nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các đảo, quần đảo này nằm ở xa đất liền, phương tiện đi lại khó khăn, điều kiện tài chính eo hẹp,… dẫn đến thông tin về nguồn lợi rong biển tại đây còn nhiều hạn chế.

Đến nay đã có một số nghiên cứu về nguồn lợi rong biển tại các đảo ở biển Việt Nam nhưng phần lớn đây là những nghiên cứu riêng lẻ, thời gian nghiên cứu đã lâu, không cập nhật được các thông tin về hiện trạng nguồn lợi.

Vì vậy, để từng bước có được các thông tin, xây dựng được bức tranh tổng thể về hiện trạng nguồn lợi rong biển ở các đảo tiền tiêu, cập nhật vào danh mục rong biển Việt Nam, việc nghiên cứu đa dạng loài và phân bố nguồn lợi rong biển tại các đảo, quần đảo này là cần thiết.

“Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất về nguồn lợi rong biển ven các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này cung cấp cơ sở dữ liệu khoa học quan trọng cho việc đánh giá tiềm năng nguồn lợi rong biển ven các đảo tiền tiêu, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, Tiến sĩ Đỗ Anh Duy chia sẻ.

Đinh Mười

Báo Nông nghiệp

Tin mới nhất

T5,07/11/2024