Nhìn lại ngành tôm năm 2022: Thách thức từ thị trường và dịch bệnh

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Theo quy luật hàng năm, trong mùa tôm thường có 2 cao điểm, gồm: cao điểm thu hoạch, bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến giữa tháng 9 và cao điểm chế biến xuất khẩu bắt đầu từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 12. Tuy nhiên, ở vụ tôm năm nay, cả 2 cao điểm trên đều không xuất hiện, nhưng nhìn chung ngành tôm vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân 2 con số.

 Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022 được nhận xét là một vụ nuôi khó…

 

Trầm lắng vụ nuôi

Theo đánh giá của hộ nuôi và các đại lý cung ứng vật tư đầu vào, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022 thật sự là một vụ nuôi khó chứ không hề suôn sẻ như mọi người vẫn nghĩ. Cái khó trước tiên và dễ nhận thấy nhất chính là tình hình độ mặn tại các vùng nuôi diễn biến khá thất thường, khi mới bước vào đầu tháng 5, hầu hết các vùng nuôi trong nội đồng đã không còn độ mặn, còn các vùng gần biển hơn, độ mặn cũng xuống khá thấp, dao động trong khoảng 3 – 5 phần ngàn. Ông Phan Đức Hùy, một hộ nuôi tôm công nghiệp ở xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Trại nuôi của tôi nằm sát cửa sông Cổ Chiên đổ ra biển mà mới tháng 5 độ mặn chỉ còn có 5 phần ngàn, còn đến tháng 6 thì coi như hết mặn. Cũng may nhờ tôi có dự trữ nước mặn nên mới nuôi được 2 vụ, còn nếu không chắc phải kết thúc vụ sớm rồi”.

Không chỉ khó khăn về độ mặn, vụ tôm năm nay còn gặp khó do tôm nhiễm vi bào tử trùng (EHP) và bệnh phân trắng đều khắp các vùng nuôi của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Đại đa số các hộ sản xuất cho rằng, môi trường nước, ao hồ ngày càng ô nhiễm; nhiệt độ, thời tiết nắng mưa đan xen thất thường và các dịch bệnh nguy hiểm như gan tụy cấp, EHP gây hại liên tục khiến người nuôi tôm “ôm nợ”.

Anh Nguyễn Văn Công, một hộ nuôi tôm ở huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang than: “Tôi sử dụng con giống của một thương hiệu nổi tiếng, nuôi theo quy trình của doanh nghiệp nhưng tôm vẫn chậm lớn do bị nhiễm EHP buộc phải thu hoạch non”. Còn tại Trà Vinh, khi người viết hỏi thăm những mô hình nuôi tôm thâm canh có lợi nhuận cao trong năm nay thì đều nhận được những cái lắc đầu, kèm lời khuyên từ các đại lý: “Không dễ kiếm đâu, vì năm nay phần lớn đều bị EHP, bệnh phân trắng “đánh” cho te tua hết rồi, hộ nào hòa vốn hoặc có lời chút đỉnh coi như may mắn”. Cũng theo các đại lý ở Trà Vinh, do tôm không về cỡ lớn được trong khi thời gian nuôi kéo dài, giá thức ăn cùng vật tư đầu nào khác đều tăng mạnh, nên chỉ những người nuôi đạt năng suất, tỷ lệ đầu con cao thì mới có lời.

Bên cạnh EHP, dịch bệnh đốm trắng liên tiếp được ghi nhận tại Trà Vinh cũng khiến người nuôi điêu đứng. Tính đến cuối tháng 10/2022, toàn tỉnh Trà Vinh có trên 17,4% diện tích (tương đương 1.924ha) thả nuôi tôm bị thiệt hại; đặc biệt là trên địa bàn huyện Cầu Ngang tỷ lệ tôm nuôi bị thiệt hại trên 22,3%. Qua thực hiện lấy 104 mẫu giáp sát ngoài môi trường tại các kênh đầu nguồn, ngoài sông, có 43% mẫu mang mầm bệnh đốm trắng; trong vùng nuôi, có 44% mẫu mang mầm bệnh đốm trắng.

Chính sự bất thường của độ mặn và dịch bệnh phát sinh nên thời điểm thả nuôi tại các vùng nuôi đều không tập trung như mọi năm mà có sự chênh lệch lớn về thời gian, diện tích thả nuôi. Vì vậy, mùa vụ thu hoạch năm nay không tập trung mà trải đều trong năm, giúp giá tôm luôn ổn định ở mức cao trong suốt mùa vụ nhờ cung – cầu không có sự chênh lệch lớn.

 

Chế biến: Nửa năm tăng, nửa năm giảm

Trong nửa đầu năm 2022, nhờ dự đoán đúng thị trường và lượng tôm dự trữ từ vụ nuôi năm 2021 khá dồi dào, nên hầu hết các doanh nghiệp đều có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng tôm chế biến và doanh số xuất khẩu. Tuy nhiên, bước sang tháng 7, tình hình xuất khẩu tôm bắt đầu chững lại, sau đó đột ngột tăng trong tháng 8, rồi quay đầu giảm mạnh cho đến tháng 11 này. Đây cũng là lý do vì sao ngay cả trong lúc cao điểm và sản lượng tôm thu hoạch không nhiều nhưng hầu như không có doanh nghiệp nào kêu ca chuyện thiếu hụt nguyên liệu. Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, lý giải: “6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm tăng mạnh là do các nhà nhập khẩu dự báo sức tiêu thụ sẽ tăng sau khi các nước khống chế được dịch Covid-19 nên họ tăng cường nhập hàng. Còn chuyện tháng 8, xuất khẩu tôm đột ngột tăng trở lại chủ yếu là do có nhiều doanh nghiệp có hợp đồng giao trùng thời điểm này thôi, chứ thị trường thì vẫn trên đà lao dốc”.

Cũng theo ông Lực, do sức mua yếu, cộng thêm sự cạnh tranh từ tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ nên phần lớn doanh nghiệp chuyển sang làm sản phẩm chế biến sâu để xâm nhập phân khúc thị trường cao cấp có giá bán cao và ít có đối thủ cạnh tranh hơn. Việc chuyển sang tập trung làm sản phẩm chế biến sâu nhiều hơn cũng làm cho năng suất chế biến giảm đi, giúp doanh nghiệp giảm áp lực về tôm nguyên liệu. Ông Lực chia sẻ: “6 tháng cuối năm, nhiều hợp đồng giao hàng bị hoãn, hủy, các hợp đồng gối đầu cho năm mới rất ít và giá tôm trong nước cao, nên các doanh nghiệp cũng giảm lượng thu mua, vì nói thật, nếu mua nhiều cũng không biết bán cho ai. Vì vậy, Quý IV năm nay, việc thu mua, chế biến, xuất khẩu không còn sôi động như mọi năm, hay nói cách khác là không có cao điểm chế biến ở vụ tôm năm nay”.

 

Doanh nghiệp và người nuôi chung tay vượt khó

Chứng kiến những khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp tới người nuôi tôm, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào nghiên cứu các sản phẩm giúp hỗ trợ phòng và trị bệnh, tư vấn quy trình nuôi giúp người nông dân hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Ngoài siết chặt an toàn sinh học và theo dõi dịch bệnh, người nuôi tôm hiện nay có thể sử dụng thức ăn phòng trị bệnh mới để ngăn chặn các đợt bùng phát EHP, phân trắng…trên tôm thẻ chân trắng. Đi đầu trong xu hướng phòng và hỗ trợ điều trị bệnh EHP hiện nay có thể kể đến Công ty GrowMax. Thời gian qua, công ty đã cho triển khai đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu, thực nghiệm liên tục, để tạo ra sản phẩm thức ăn cho tôm có khả năng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị EHP. Công ty Grobest Việt Nam với sản phẩm thức ăn chức năng hỗ trợ phòng ngừa hữu hiệu bệnh phân trắng trên tôm… đã mang về nhiều tín hiệu tích cực cho người nuôi. Có thể nói, thức ăn chức năng đang dần trở thành xu hướng, góp phần hỗ trợ phòng và điều trị bệnh cũng như tăng khả năng đề kháng trên tôm nuôi.

Bên cạnh đó, yếu tố con giống cũng cần được chú trọng và nâng cao chất lượng, về vấn đề này, ông Hồ Quốc Lực cho rằng: “Nội tại trong nước, chúng ta phải nâng tỷ lệ nuôi thành công, ví dụ hồi xưa nuôi 10 ao – trúng 3 ao, thì cố gắng giờ trúng 7 ao. Tăng tỷ lệ nuôi thành công sẽ làm giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của mình. Giải pháp con giống, chúng ta cần thiết phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn những con giống chưa đạt chất lượng lưu thông và tiêu thụ, khắc phục được điểm này chắc chắn chúng ta sẽ nâng được tỷ lệ thành công của ao nuôi”.

Nhìn chung, năm nay tôm nuôi khó, nhưng vô hình chung lại là cái may, bởi nếu vụ nuôi thuận lợi, tôm trúng mùa, sản lượng lớn chắc chắn giá tôm sẽ giảm mạnh do sức tiêu thụ của thị trường bị chững lại vì lạm phát. Theo dự báo, tình hình lạm phát toàn cầu sẽ còn kéo dài chí ít là đến tận Quý I/2023, nên xuất khẩu tôm sẽ còn gặp khó trong thời gian tới. Cùng với đó là hình thái thời tiết Lanina được dự báo sẽ còn kéo dài đến hết tháng 12 khiến việc thả nuôi sớm vụ nuôi mới cũng không phải là điều dễ dàng. Hiện các doanh nghiệp đang rất tích cực đàm phán, thương thảo các hợp đồng gối đầu cho năm mới, nhưng theo các doanh nghiệp cho biết là rất khó khăn, nên số lượng nếu có cũng sẽ không bằng như mọi năm.

Hoàng Nhã – Phạm Huệ

 

Tin mới nhất

T6,19/04/2024