Người mở lối cho công nghệ Semi – Biofloc ở Bình Ðịnh

Trong 2 năm gần đây, nhiều hộ nuôi tôm ở Bình Ðịnh áp dụng công nghệ Semi – Biofloc thành công, gặt hái kết quả tốt. Người đầu tiên đưa công nghệ này về Bình Ðịnh là anh Nguyễn Tất Tùng (40 tuổi, quê ở Cát Minh, huyện Phù Cát). Từ mô hình của anh Tùng, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) cùng với Sở KH&CN nghiên cứu xây dựng mô hoàn chỉnh, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ có nhu cầu để nhân rộng.

Từ mô hình cá nhân đến đề tài nghiên cứu khoa học

Anh Tùng kể, việc áp dụng công nghệ Semi – Biofloc vào nuôi tôm khá tình cờ. Năm 2017, anh tham gia vào chuyến học tập kinh nghiệm do Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam tổ chức cho các đại lý, những người nuôi tôm đang sử dụng tôm giống C.P tại Cà Mau. Chuyến đi này giúp anh tiếp cận được nhiều công nghệ mới trong nuôi tôm. Ở một khu nuôi ở Cà Mau, anh Tùng đã thấy được công nghệ xử lý nước – vấn đề quan trọng bậc nhất với nuôi tôm, khắc phục được ô nhiễm cho vùng nuôi.


Anh Nguyễn Tất Tùng (bên phải) trong khu nuôi tôm theo công nghệ Semi – Biofloc. Ảnh NVCC

“Lúc đó tôi đi từ ngỡ ngàng tới hạnh phúc khi nắm bắt được “bí kíp”. Gọi “bí kíp” không sai đâu, vì thời điểm đó người nuôi tôm tại Bình Định, trong đó có gia đình tôi đang gặp khó khăn vì nguồn nước nuôi tôm ngày càng ô nhiễm. Trong khi tôi thấy rõ các vùng nuôi ở Cà Mau họ đã áp dụng được nguyên lý tuần hoàn, nước từ ao nuôi thải ra được xử lý, lọc lắng và đưa vào nuôi trở lại. Thấy hướng gỡ được vấn đề ô nhiễm nguồn nước, tôi thử nghiệm ngay ở vùng nuôi của gia đình”, anh Tùng hào hứng nhớ lại.

Hiểu được sự quan trọng của môi trường nước, anh Tùng học hỏi công nghệ Semi – Biofloc để tạo ra nguồn thức ăn dinh dưỡng, giảm sử dụng kháng sinh, đồng thời giữ sạch nước trong ao nuôi. Nuôi tôm bằng công nghệ này, hệ thống ao hoàn toàn khép kín từ nước – giống – thức ăn đều đảm bảo quy trình nghiêm ngặt. Tuy suất đầu tư ban đầu lớn hơn kiểu cũ, nhưng lợi nhuận lại tăng hơn 15%, thừa sức bù lại. Quan trọng là khi đã có công nghệ, làm chủ được kỹ thuật, việc chuyển hướng nuôi trái vụ đem lại thu nhập cao cho người nuôi tôm. Đến nay, riêng diện tích ao tôm nuôi theo công nghệ Semi – Biofloc hoàn toàn khép kín gia đình anh Tùng đã có 8 ha ao.


Hệ thống ao nuôi hoàn toàn khép kín, áp dụng công nghệ mới đã giúp anh Tùng điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp, tăng cạnh tranh cho sản phẩm. Ảnh: THU DỊU

Theo ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến công nghệ Semi – Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng, mô hình của anh Tùng trở thành địa chỉ, là thực tế nghiên cứu, giúp các cán bộ kỹ thuật tiếp cận, từ đó có những giải pháp phù hợp để hoàn thiện đề tài để có thể áp dụng vào nhiều vùng nuôi tôm với đặc thù khác nhau.

Thành công và lan tỏa

Ngay thời điểm này, trong khi hầu hết các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh trong tỉnh đã thu hoạch và tạm nghỉ chờ vụ mới, thì anh Tùng đã xuống giống vụ 3 để có tôm phục vụ cho thị trường dịp Tết. Theo anh Tùng, hầu hết khách hàng của anh đều là những nhà hàng, khách sạn lớn ở các tỉnh phía Bắc, do vậy nhu cầu mua tôm “ô xy” (tôm sống vận chuyển giao tới nơi) rất lớn. Ở miền Nam, sản lượng tôm “ô xy” rất cao, tôm rất khỏe nhưng cung đường vận chuyển ra Bắc quá dài, không phù hợp; ngược lại vùng phía Bắc miền Trung tuy gần nhưng khí hậu quá khắc nghiệt khó áp dụng công nghệ Semi – Biofloc, cho nên tự nhiên mà vùng nuôi tôm của Bình Định sở hữu ưu thế “địa lợi”.

Theo anh Tùng, nhờ nắm bắt tốt công nghệ Semi – Biofloc, cùng với “địa lợi”, anh có thể nuôi tôm trái vụ, đáp ứng nhu cầu đặc biệt của thị trường nên đạt lợi nhuận rất cao. Ngay từ thời điểm này, toàn bộ 48 ha diện tích ao nuôi – gồm 8 ha áp dụng hoàn chỉnh công nghệ Semi – Biofloc khép kín, 40 ha nuôi theo kiểu cũ nhưng có áp dụng công nghệ lọc nước – đã vào vụ nuôi phục vụ thị trường Tết. “Từ đầu năm nay, tôi thí điểm áp dụng thêm hệ thống ánh sáng xanh để điều chỉnh nhiệt độ ao nuôi, đảm bảo tôm phát triển tốt, giảm hẳn sức tác động của nhiệt độ bên ngoài. Qua 2 mùa thí điểm các ao nuôi có ánh sáng xanh, tôm phát rất tốt”, anh Tùng tiết lộ.

Thành công với hướng đi mới, anh Tùng không ngại chia sẻ kinh nghiệm cho những người nuôi tôm trong tỉnh và vùng lân cận. Anh rất cởi mở và chân thành chia sẻ toàn bộ kinh nghiệm nuôi tôm của mình, điều mà không nhiều người muốn làm khi đã thành công. Khi nghe tôi thắc mắc như thế, anh Tùng bật cười: “Tôi cũng đi học hỏi từ người khác về nên không ngại chia sẻ. Tôi chỉ đơn thuần nói những điều mình biết và đã làm. Xong đâu đó bà con về còn phải điều chỉnh sao cho phù hợp với từng vùng nuôi nữa mới đạt hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, không phải là mình chia sẻ mà gọi đúng hơn là trao đổi kinh nghiệm, mỗi người đều cho nhau những thông tin hay và ngược lại. May mắn là nếu ai đó tham quan mô hình của tôi mà thành công thì tôi vui vì đã lan tỏa thêm được một điều tốt đẹp với nghề nuôi tôm. Vả lại khi tôi vào trong Nam học hỏi, bà con trong đó cũng nhiệt tình chia sẻ với mình, giờ tôi cứ khư khư giữ riêng cho mình thì coi sao được!”.

THU DỊU

Nguồn tin: Báo Bình Định

Tin mới nhất

T5,25/04/2024