Ngành tôm Việt tiêu tốn 10.000 tỷ đồng kháng sinh/năm

Là mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực, hàng năm kim ngạch XK tôm chiếm từ 40 – 45% tổng kim ngạch XK của toàn ngành thủy sản. Tuy nhiên, chi phí sản xuất cao, mỗi năm ngành tôm tốn 10.000 tỷ đồng do sử dụng kháng sinh đã làm mất lợi thế cạnh tranh của con tôm Việt so với các đối thủ chính…

Nêu những vấn đề tồn tại hiện nay đã làm cho ngành tôm Việt Nam giảm sức cạnh tranh so với các quốc gia nuôi tôm khác (Ấn Độ, Ecuador), ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh – Phú dẫn chứng: Ngành tôm Việt Nam mất 10.000 tỷ đồng vì thói quen nuôi tôm có sử dụng kháng sinh.

Cụ thể, đó là chi phí mà doanh nghiệp (DN) phải bỏ ra để kiểm và kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến. Đây là khoản chi phí không nhỏ và kéo dài hàng chục năm qua.

Bên cạnh đó là chi phí kiểm kháng sinh ở các nước nhập khẩu mà DN phải chịu và bị trừ vào giá bán. Hệ quả là cơ hội bán hàng bị giảm đáng kể do thời gian thông quan kéo dài vì phải chờ thời gian lấy mẫu và chờ kết quả kiểm kháng sinh, từ đó khả năng cạnh tranh bị giảm sút.

Theo ông Quang, giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam hiện cao hơn 30% so với Ấn Độ và cao hơn gấp đôi so với Ecuador, điều này khiến con tôm Việt Nam mất sự cạnh tranh so với tôm các nước.

Vì vậy, để phát triển ngành thủy sản thì nên tập trung chú trọng nhiều hơn trong việc phát triển con tôm từ khâu nuôi trồng nguyên liệu đến chế biến, XK, giúp con tôm Việt Nam cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới.

Đại diện Tập đoàn Minh Phú kiến nghị Chính phủ mạnh tay với kháng sinh; kiểm kháng sinh liên tục và thường xuyên ở vùng nuôi; kiểm soát chặt chẽ và xử lý thật mạnh tay với công ty và người bán thuốc, hóa chất, chế phẩm vi sinh… có trộn kháng sinh.

Chính phủ cho phép xây dựng cơ chế được hợp tác công tư giữa DN với các viện nghiên cứu, trong đó có Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản II trong các vấn đề đề như: Già hóa cải thiện di truyền tôm bố mẹ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) để tạo ra tôm giống có khả năng chống chịu tốt và thích ứng tốt với dịch bệnh, thời tiết, khí hậu và môi trường của từng vùng miền của Việt Nam, đưa tỷ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt Nam đến năm 2030 đạt trên 60% và đến năm 2035 đạt trên 80% (hiện tại chỉ đạt dưới 40%).

Xây dựng và hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú – lúa, tôm sú thâm canh, tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao với giá thành thấp, phù hợp với từng vùng miền của Việt Nam.

Theo đại diện DN, với các giải pháp trên nếu làm ngay trong năm nay và làm quyết liệt thì giá thành con tôm Việt Nam sẽ bằng Ấn Độ trước năm 2030 và bằng Ecuador trước năm 2035, giúp người nuôi tôm làm giàu trên chính mảnh đất của mình và giúp các DN chế biến tôm có lợi nhuận tốt hơn…

Nuôi tôm thẻ chân trắng

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – cho biết, kỷ lục XK 11 tỷ USD năm 2022 đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 quốc gia XK thủy sản lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc, Na Uy).

VASEP đặt mục tiêu kim ngạch XK thủy sản đến 2025 là 12,5 – 14 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đó, bên cạnh một số cơ hội, lợi thế thì còn không ít khó khăn, thách thức.

Đặc biệt là bối cảnh năm 2023, lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động xấu đến sản xuất trong nước khiến cho lượng đơn hàng XK của các DN giảm từ 20 – 50%, lượng tồn kho tăng.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất nguyên liệu tăng cao cùng với sự tăng giá bao bì, vật tư, năng lượng, nhân công… trong khi thủy sản Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán với các nước Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tại các thị trường lớn. Trong khi đó, các DN chế biến XK hải sản khai thác gặp nhiều khó khăn theo quy định IUU…

Theo kết quả là quý I vừa qua, XK thủy sản giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái khi chỉ đạt 1,8 tỷ USD và giảm sâu ở tất cả các sản phẩm và thị trường chính. Với diễn tiến này, dự báo XK thủy sản Việt Nam chỉ có thể hồi phục dần từ quý III/2023. Tập trung lớn nhất hiện nay là sản xuất, chế biến trong nước phải sẵn sàng nguồn cung ứng ngay khi thị trường hồi phục…

Cảnh Kỳ

Báo Tiền Phong

Tin mới nhất

T5,25/04/2024