Ngành thuỷ sản Quảng Ninh  – Cầu về lao động kỹ thuật tăng 

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Theo thông tin sở NN&PTNN, hiện nay địa bàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 57.300 lao động hoạt động trong lĩnh vực thuỷ sản. Tuy nhiên, trong số đó, lao động có tay nghề chỉ khoảng 4.400 người, chiếm 7.6% tổng lao động, con số hết sức khiêm tốn, còn lại 92.4% là lao động phổ thông chưa qua đào tạo.

Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Thiếu nguồn lao động kỹ thuật cao hiện đang là vấn đề gây không ít cản trở cho sự phát triển của ngành Thủy sản ở Quảng Ninh. Điều này minh chứng rõ nhất trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản. Trên địa bàn tỉnh, trừ cơ sở sản xuất giống chất lượng cao của Tập đoàn Việt – Úc tại huyện Đầm Hà vừa đi vào hoạt động được khoảng 3 tháng, chỉ có 19 cơ sở sản xuất, ương dưỡng. Trong đó có đến 1/3 số cơ sở đang hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng sản xuất. Mà nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những khó khăn trên là do đội ngũ lao động kỹ thuật vừa thiếu, vừa yếu, đa số chưa được đào tạo, tập huấn, chủ yếu sản xuất dựa vào kinh nghiệm là chính.

Ngay cả các đơn vị có ứng dụng KHCN cao và sản xuất thì các lao động kỹ thuật về cơ vẫn không qua đào tạo chính quy. So tỷ lệ lao động có kỹ thuật với lao động phổ thông vấn rất khiêm tốn, chưa đến 10%-  Ông Đỗ Đình Minh nhấn mạnh.

Vì sao lại có hệ quả thiếu nguồn nhân lực và làm cầu về lao động kỹ thuật thuỷ sản tăng cao? Thực tế, các trường nghề đào tạo lao động kỹ thuật thuỷ sản trên địa bàn hiện nay không thiếu, nhưng lại chưa thực sự hấp dẫn, thu hút được học viên đăng ký tham gia. Thậm chí, còn có rất nhiều những trường đào tạo lâu đời, uy tín như Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 1 và Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thuỷ sản,… Tuy nhiên, một hiện trạng chung đó là số lượng sinh viên đăng ký tham gia rất ít, chủ yếu là những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực thuỷ sản muốn học hỏi và cập nhật thêm kiến thức mà thôi.

Trước tình trạng buồn tẻ của các khối ngành đào tạo lao động kỹ thuật thuỷ sản, sự ra đời của Khoa Thuỷ Sản (Đại học Hạ Long) năm 2016 với sự đổi mới và đầu tư nghiêm túc từ cơ sở vật chất được xây dựng đồng bộ, hệ thống phòng thí nghiệm thực tế, trang bị thiết bị hiện đại với khu thực hành sản xuất giống, khu thực hành nuôi thương phẩm… Đặc biệt là đội ngũ giảng viên có chuyên môn sâu… Khoa Thuỷ Sản được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều sinh viên đăng ký, đáp ứng được đầu ra và giải quyết được phần nào “cơn khát” lao động kỹ thuật chất lượng. Tuy nhiên, sau 3 mùa tuyển sinh, số sinh viên đăng ký vẫn rất hạn chế. Khoá học khai giảng đầu tiên năm 2016 – 2017, có 12 sinh viên tham gia và cho đến nay, con số đấy cũng chẳng mấy khả quan.

Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh, Trưởng Khoa Thủy sản (Trường Đại học Hạ Long), cho biết: Các sinh viên theo học chuyên ngành Thủy sản hiện nay đều đang được đào tạo chắc về kiến thức và gắn chặt với thực hành thực tế. Từ năm thứ 2, sinh viên đã được thực tập tại cơ sở liên tục trong 2 tháng; đến năm thứ 3, thứ 4 là 4 tháng trở lên. Trong quá trình thực tập, sinh viên được các cơ sở, đơn vị đánh giá cao về cả kiến thức, kỹ năng, lẫn niềm đam mê, say nghề. Nhiều sinh viên đã được các cơ sở thực tập bồi dưỡng thêm sinh hoạt phí, có được nguồn thu nhập đầu tiên. Khi tốt nghiệp sinh viên cơ bản có việc làm ngay, đây sẽ là động lực khích lệ các em tiếp tục học tập, nghiên cứu, hoàn thiện bản thân hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, nếu đặt cạnh các ngành như quản trị kinh doanh, du lịch – lữ hành, khách sạn – nhà hàng, ngoại ngữ… thì đào tạo ngành Thủy sản hiện vẫn chưa mấy hấp dẫn để thu hút sinh viên theo học.

Để thực hiện tốt kế hoạch phát triển ngành thuỷ sản trong thời điểm hiện tại và phục vụ chặng đường phát triển dài hơi đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và cả trong tương lai, hy vọng trong những năm tới, ngành Thuỷ sản sẽ thu hút được đông đảo sinh viên hơn nữa, góp phần giải quyết bài toán khó trong đào tạo lao động kỹ thuật cao cho ngành thuỷ sản Quảng Ninh.