Lùi để tiến xa hơn

Khó khăn, thách thức của ngành tôm trong năm 2023 đang hiện hữu và được dự báo sẽ còn kéo dài đến hết quý II/2023, nên doanh nghiệp và người nuôi còn phải đối mặt với khó khăn ngày càng nhiều hơn cả về thị trường, nguồn vốn, chi phí đầu vào tăng lẫn lãi suất tín dụng cao. Do đó, để đạt mục tiêu kế hoạch sản xuất hơn 1 triệu tấn tôm và kim ngạch xuất khẩu hơn 4,3 tỷ USD cần có sự nỗ lực lớn và một quyết tâm cao cùng sách lược phù hợp của toàn ngành.

Liên tiếp trong 3 năm vừa qua (2020 – 2022), hầu như năm nào ngành tôm cũng có những khó khăn, thách thức nhất định. Tuy nhiên, bằng các giải pháp linh hoạt, phù hợp và hiệu quả, ngành tôm đều có được sự thành công cả về sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, năm 2022 hết sức khó khăn nhưng sản lượng tôm vẫn đạt trên 1 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD. Trên nền tảng thành công của năm 2022, mặc dù đã được dự báo trước và không thể tránh khỏi những khó khăn, thách thức đến từ lạm phát toàn cầu, từ sự cạnh tranh gay gắt với các cường quốc tôm khác… nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đặt mục tiêu sản lượng tôm trên 1,1 triệu tấn và xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD.


Giá tôm đã bắt đầu giảm mạnh từ nửa cuối tháng 3 đến nay khiến người nuôi tôm trở nên thận trọng hơn để tránh rủi ro về giá. Ảnh: TÍCH CHU

Thực tế cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm cả nước chỉ đạt 577 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ. Không chỉ giảm mạnh trong quý I, tình hình xuất khẩu tôm được dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn trong quý II do các nhà nhập khẩu vẫn đang tồn kho số lượng lớn và một số quốc gia đang vào vụ thu hoạch mới. Nếu như tại hội nghị phát triển ngành tôm tổ chức tại Sóc Trăng vào đầu tháng 3, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) còn phân vân chưa có câu trả lời chính thức về thị trường tôm, thì mới đây ông cho biết, quý II vẫn sẽ hết sức khó khăn. Ông Hòe chia sẻ: “Thông thường, đến đầu quý II hàng năm, các doanh nghiệp đã có đơn hàng giao đến quý IV, nhưng năm nay phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa ký được đơn hàng lớn nào mà chủ yếu là những đơn hàng nhỏ, giao nhanh để duy trì hoạt động giữ chân lao động chờ cơ hội vì giá xuất khẩu đang rất thấp”.

Để vượt qua khó khăn trong năm 2023 này, bên cạnh việc quản lý tốt các yếu tố đầu vào, như con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… một trong những vấn đề được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý các địa phương chính là an ninh sinh học. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chỉ đạo: “Đối với ngành tôm cần nâng lên một bước từ an toàn sinh học lên an ninh sinh học bởi đây là vấn đề rất quan trọng trong xuất khẩu. Do đó, trên cơ sở quan trắc môi trường, dịch bệnh, các đề tài… phải xây dựng quy trình đảm bảo an ninh sinh học vì nguyên nhân thiệt hại tôm vừa qua đa phần xuất phát từ vấn đề này”.

Bên cạnh các giải pháp trên, theo Thứ trưởng, cơ sở hạ tầng vùng nuôi cũng là yếu tố rất quan trọng nhằm đảm bảo môi trường tốt nhất cho nuôi tôm, giúp hạn chế rủi ro và tăng tỷ lệ nuôi thành công. Công tác ứng dụng khoa học công nghệ cũng cần rà soát lại các khâu để giải quyết kịp thời các vấn đề về khoa học kỹ thuật phục vụ nghề nuôi tôm và cùng với đó là quản lý tốt điều kiện nuôi, đăng ký đối tượng nuôi để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu được thuận lợi hơn. Đối với các doanh nghiệp, Thứ trưởng đề nghị cần tăng cường năng lực cả về công nghệ, thiết bị, cơ sở, vốn lẫn nhân lực… để tiết giảm chi phí sản xuất, duy trì hoạt động, đảm bảo nguồn vốn, nắm bắt tốt cơ hội khi thị trường bắt đầu hồi phục. “Nếu chúng ta giải quyết tốt và đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tôm và ngành tôm vượt qua khó khăn thực hiện đạt các mục tiêu kế hoạch đã đề ra” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận.

Hiện nay, hầu hết các vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều đã bước vào vụ thả nuôi chính khi độ mặn tại các vùng nuôi tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, tiến độ thả nuôi vẫn chưa được cải thiện nhiều do người nuôi còn đang phân vân trước tình trạng giá tôm liên tục giảm mạnh từ nửa cuối tháng 3 đến nay. Do đó, nhiều khả năng, sách lược “bước lùi chiến thuật” sẽ lại được người nuôi và doanh nghiệp áp dụng để cân đối cung – cầu, giúp giá tôm không giảm sâu thêm, nhằm duy trì sản xuất và đón đợi thời cơ, bởi cả nghề nuôi lẫn chế biến xuất khẩu đều không thể dừng, nên đây có thể xem là bước đi hợp lý mà ngành tôm đã từng thực hiện thành công trong những năm khó khăn trước đây.

Thực tế cho thấy, từ khi giá tôm bắt đầu giảm, tiến độ thả nuôi cũng chậm lại, người nuôi không thả hết diện tích mà luôn có sự nghe ngóng, trông chờ thông tin mới từ thị trường cũng như diễn biến dịch bệnh, thời tiết, môi trường… Sự chủ động giảm tiến độ thả nuôi cũng kéo theo sự giảm giá, tăng khuyến mãi đến từ các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng con giống trong thời gian gần đây, giúp người nuôi tiết giảm một phần chi phí sản xuất. Sự chủ động lùi một bước nhằm tránh cung vượt cầu trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để giúp người nuôi và các nhà cung ứng vật tư đầu vào vẫn duy trì được sản xuất, đợi thời cơ thuận lợi sẽ tăng tốc.

Trong nguy luôn có cơ, nhưng khi nào cơ hội mới xuất hiện vẫn còn là một ẩn số chưa ai có thể nói trước được bởi thị trường luôn có những diễn biến khó lường. Tuy nhiên, nếu tất cả các bên liên quan trong toàn ngành tôm thực hiện tốt các giải pháp đã được đề ra và áp dụng sách lược “bước lùi chiến thuật” một cách nhuần nhuyễn, hiệu quả, thì chúng ta vẫn có hy vọng đạt được một mùa tôm khả quan.

TÍCH CHU

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Tin mới nhất

T6,10/05/2024