Làm sạch ao nuôi bằng enzyme

Hiện nay, ngành nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam đang ngày một phát triển, mang nhiều lợi ích trên thị trường. Tuy nhiên vẫn có không ít những thách thức phải đối mặt, đó là sự suy giảm chất lượng nước trong môi trường ao nuôi, dẫn đến tình trạng bệnh tật trên tôm, khiến tôm kém phát triển và làm suy giảm năng suất. Đây là lý do khiến việc dùng enzyme xử lý nước ao tôm trở nên phổ biến.

Enzyme là gì?

Enzyme hay enzym (tiếng Anh: enzyme) hay còn gọi là men, là một trong nhiều loại protein xuất hiện trong các hệ thống sinh học. Chúng là chất xúc tác đẩy nhanh tốc độ phản ứng sinh hóa trong nước ao nuôi, nhưng không bị biến đổi bởi phản ứng đó. Giống như tất cả các loại xúc tác khác, enzyme tăng tốc độ phản ứng bằng cách làm giảm năng lượng hoạt hóa. Một số enzyme có khả năng tăng tốc độ phản ứng nhanh hơn tới hàng triệu lần.

Enzyme cung cấp một công cụ bổ sung hiệu quả để vô hiệu hóa các yếu tố kháng dinh dưỡng và tăng giá trị dinh dưỡng của protein thực vật trong thức ăn. Có thể chuyển đổi tự nhiên các thành phần thức ăn phức tạp thành các chất dinh dưỡng dễ hấp thu.

Trong nuôi trồng thủy sản, môi trường nước quyết định đến 50% thành công của vụ nuôi, xử lý nước là bước quan trọng và không thể bỏ qua trong nuôi tôm thẻ và tôm sú. Cách nhanh chóng vừa mang tính bền vững vừa thân thiện với môi trường được sử dụng để cải thiện chất lượng nước ao nuôi tôm là bổ sung trực tiếp các enzyme và các chủng vi sinh vật có lợi vào ao nuôi. Bằng cách sử dụng các sinh vật có lợi trong enzyme để làm giảm sự xuất hiện của các vi sinh vật gây hại, tăng cường sự khoáng hóa chất hữu cơ và loại bỏ chất ô nhiễm không mong muốn từ đó cải thiện sức khỏe vật nuôi và năng suất cao hơn.

Ưu điểm và nhược điểm

Ưu điểm: Thúc đẩy quá trình phân hủy các thành phần thức ăn thành những chất dễ tiêu hóa hơn, giúp vật nuôi gia tăng tối đa khả năng hấp thu dinh dưỡng. Đồng thời phân hủy vật chất tồn đọng dưới đáy ao như: xác tảo, phân tôm, thức ăn thừa,..giúp giảm khí độc, vệ sinh ao nuôi, ổn định màu nước và mở rộng môi trường sống giúp tôm phát triển khỏe mạnh.

Enzyme là một trong các protein xuất hiện trong hệ thống sinh học

Nhược điểm: Không chịu được nhiệt độ và áp suất cao. Độ hiệu quả của enzyme bị giảm đáng kể nếu như nhiệt độ và pH không ở mức tối ưu cho enzyme. Khi ở nhiệt độ quá cao, nhiều enzyme sẽ bị biến chất khiến chúng mất đi cấu trúc và tính chất xúc tác. Hầu hết các enzyme hoạt động tốt nhất ở khoảng 37 độ C và nhiệt độ thích hợp để trữ enzyme là ở 5 độ C.

Hoạt động của enzyme và cách dùng cho ao nuôi

Nên sử dụng enzyme xử lý nước ao nuôi vào một số trường hợp nhất định. Chẳng hạn khi ao nuôi có quá nhiều chất hữu cơ tồn đọng hay chất thải, thức ăn dư thừa của tôm quá nhiều làm tắc nghẽn độ thông thoáng trong ao, lúc này ta cần cho enzyme vào nước hoặc cho trực tiếp xuống bề mặt đáy ao sẽ hỗ trợ quá trình phân hủy diễn ra nhanh hơn. Đáy ao nuôi là nơi vi sinh vật hoạt động trong điều kiện kị khí (thiếu oxy), khi đó enzyme sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của vi sinh vật có lợi bằng cách phá vỡ các phân tử hữu cơ. Bởi bản thân enzyme là chất xúc tác, có vai trò làm giảm sự tích tụ mùn bã hữu cơ và thúc đẩy phân hủy chất hữu cơ gây ô nhiễm nhất là trong môi trường nuôi thâm canh.

Bên cạnh đó vấn đề tảo độc phát triển mạnh trong ao, gây ra nhiều thiệt hại cho các hộ nuôi tôm. Chúng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng nước, tranh giành oxy với tôm nuôi và sinh ra khí độc làm giảm khả năng tiêu thụ thức ăn của tôm dẫn đến tôm được thu hoạch có xu hướng còi cọc. Enzyme được sử dụng góp phần lớn vào quá trình cắt tảo, tảo được cắt sẽ chết đi và tiếp tục được enzyme phân hủy tạo thành thức ăn tự nhiên cho tôm.

Việc sử dụng enzyme để xử lý nước cho ao nuôi tôm là một phương pháp được nhiều bà con tin dùng vì dễ áp dụng, thêm nữa bản thân enzyme được tạo ra bởi các sinh vật sống, động vật và thực vật bậc cao đến các dạng đơn bào do đó không gây ô nhiễm môi trường. Ứng dụng các biện pháp sinh học trong các lĩnh vực nuôi trồng và sản xuất vừa giúp nâng cao năng suất thu hoạch cho người nông dân vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Nhất Linh

Tepbac.com