Kiên quyết không cho đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt

Theo chủ trương của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Đồng Tháp và UBND huyện Tam Nông kiên quyết không cho mở rộng đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt.

Nguy hại khoan giếng lấy nước nuôi tôm thẻ

Nuôi trồng thủy sản, nhất là nghề nuôi tôm đã gắn bó với đời sống người dân huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp lâu nay. Hiện toàn huyện có trên 1.000ha mặt nước nuôi thủy sản các loại. Trong đó, có 395ha nuôi cá tra, 5,7ha nuôi cá lóc, 7,4ha nuôi cá sặc rằn, 46ha nuôi các loại cá khác và 564,5ha nuôi tôm.

Đặc biệt, nông dân ở xã Phú Thành B (huyện Tam Nông) đã gắn bó lâu đời với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh. Để phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản, nhất là nuôi tôm tại huyện Tam Nông, giữa năm 2019, Phú Thịnh Hội quán ở xã Phú Thành B đã ra mắt và đi vào hoạt động.


Hiện toàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có trên 1.000ha mặt nước nuôi thủy sản các loại. Trong đó, có 564,5ha nuôi tôm càng xanh và tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thành B cho biết: Phú Thịnh Hội quán có 49 thành viên, đang nuôi khoảng 500ha tôm càng xanh và tôm thẻ chân trắng, với hơn 225 triệu con tôm thẻ chân trắng, phân bổ chủ yếu ở Cù Lao Chim, ấp Phú Long, ô bao 15D ấp Phú Lâm và một phần ấp Phú Bình, ấp Phú Hòa. Đến giữa tháng 2/2022, các thành viên Hội quán đã thu hoạch được 282,6ha, tổng sản lượng đạt 681 tấn. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, các thành viên Hội quán đã có lợi nhuận bình quân 70 triệu đồng/ha/vụ.

Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đã tạo thu nhập cao cho bà con ở địa phương, tuy nhiên, đã có tình trạng một số hộ dân tự phát đào ao trong vùng nước ngọt, sử dụng nước giếng khoan, dùng muối khoáng siêu mặn, muối hột tăng độ mặn nước ao để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Những năm qua, Bộ NN-PTNT đã có chỉ đạo về việc tăng cường quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt. Trong đó, Bộ đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các cấp tại địa phương nghiêm túc thực hiện. Chủ trương của Bộ NN-PTNT là không phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt để không làm ảnh hưởng tới vùng trồng lúa, cây ăn trái trọng điểm của cả nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Căn cứ theo tinh thần chỉ đạo trên, những năm qua, UBND huyện Tam Nông thường xuyên triển khai, quán triệt trong cán bộ, công chức, viên chức và vận động người nuôi tôm thẻ chân trắng phải chấp hành nghiêm chủ trương trên. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý bằng nhiều hình thức đối với những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng không chấp hành nghiêm quy định của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Đồng Tháp.


Thời gian qua ở huyện Tam Nông xuất hiện trình trạng người dân nuôi tôm thẻ chân trắng bằng nước giếng khoan và cho muối ăn vào ao tạo độ mặn, tác động rất lớn đối với môi trường và đa dạng sinh học. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mới đây, UBND huyện Tam Nông đã tiếp tục tổ chức cuộc họp triển khai các văn bản quy định của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Đồng Tháp và UBND huyện Tam Nông về nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện cho 60 đại biểu là thành viên Phú Thịnh Hội quán và các hộ nuôi thủy sản ở các xã An Hòa, Phú Ninh, Phú Thọ, Phú Thành A và Phú Thành B.

Tại buổi triển khai, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo chính quyền các xã tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân biết tác hại của việc sử dụng nước giếng khoan bơm lên cho vào ao và dùng muối khoáng siêu mặn, muối hột để tăng độ mặn nước ao nuôi tôm thẻ chân trắng gây tác động rất lớn đối với môi trường và đa dạng sinh học. Từ đó sẽ làm ảnh hưởng đến sự sụt lún đất trong khu vực, gây mặn hóa vùng nuôi tại vùng quanh năm là nước ngọt. Bên cạnh đó, còn gây ô nhiễm nước ngầm và lâu dài do quá trình thẩm thấu sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và cây trồng khác xung quanh.

Kiên quyết không cho mở rộng đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng

Từ các yếu tố nói trên, UBND tỉnh Đồng Tháp và UBND huyện Tam Nông kiên quyết không cho mở rộng đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn. Đối với những hộ đang nuôi, sau thu hoạch không thả nuôi trở lại, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn xây dựng các mô hình chuyển đổi nuôi đối tượng thủy sản khác có giá trị kinh tế phù hợp định hướng phát triển kinh tế xã hội và sinh thái môi trường của địa phương. Trước mắt, yêu cầu các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng sớm chấm dứt và lắp lại các giếng khoan.


UBND tỉnh Đồng Tháp và UBND huyện Tam Nông kiên quyết không cho mở rộng đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn và lấp lại các giếng khoan. Đồng thời vận động chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác phù hợp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Dương Văn Nhí có 2,8ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng tại ấp Phú Bình, xã Phú Thành B lúc đầu cũng băn khoăn, nếu không nuôi tôm thẻ chân trắng thì sẽ gặp khó khăn, không biết nuôi đối tượng thủy sản nào.

Tuy nhiên, khi được tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích về tác hại của việc sử dụng nước giếng khoan, dùng muối khoáng siêu mặn, muối hột để tăng độ mặn nước ao nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Nhí đã đồng thuận cao và hứa sau thu hoạch lứa tôm thẻ chân trắng này sẽ không thả nuôi nữa. Đồng thời, ông còn vận động người dân trong ấp không đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức nói trên, mà chuyển sang nuôi tôm càng xanh toàn đực và các loại cá nước ngọt khác hay trồng trồng rau thủy canh để tạo nguồn thu nhập.

Lê Hoàng Vũ – Trần Trọng Trung

Nongnghiep.vn

Tin mới nhất

T6,26/04/2024