Đưa thủy sản thành mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn

Nhờ lực lượng nông dân ngày càng am hiểu công nghệ, nghề nuôi tôm công nghệ cao tại Sóc Trăng dần đi vào hiệu quả và phát triển bền vững.

Tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Sóc Trăng, UBND tỉnh cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của địa phương đạt hơn 1,4 tỷ USD trong năm 2022, tăng 8,61% so với năm 2021. Riêng thủy sản, tỉnh có năm thứ hai liên tiếp vượt mốc 1 tỷ USD.

Cụ thể, xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh, với sản phẩm chủ yếu là tôm nước lợ, đạt 1,05 tỷ USD, tăng 6,49% so với năm ngoái. Đồng thời, thiệt hại cho người nuôi tôm giảm đáng kể. Cùng với đó, xuất khẩu gạo đạt 250 triệu USD, tăng 17,3%.

Sóc Trăng hiện là tỉnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm thuộc tốp đầu cả nước. Theo Sở NN-PTNT tỉnh, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh năm 2022 ước đạt 79.122 ha (tính cả ngọt, lợ, mặn) vượt 5,5% so với kế hoạch (75.000 ha) và tăng 3,39% so với năm 2021. Tổng sản lượng thủy sản cả năm của tỉnh ước đạt 377.865 tấn, vượt 7,35% kế hoạch (352.000 tấn) và tăng 11,4% so với năm trước.

Đặc biệt, tỉnh đã bám sát định hướng của Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thủy sản trong việc “tăng nuôi trồng, giảm cường lực khai thác”. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2022 ước đạt 311.572 tấn, vượt 10,1% kế hoạch (283.000 tấn), tăng 14,9% so với năm 2021; trong khi sản lượng khai thác thủy sản đạt 66.293 tấn (khai thác biển 60.827 tấn, khai thác nội địa 5.466 tấn) đạt 96,1% kế hoạch (69.000 tấn), giảm 2,26%.

Tôm nước lợ, sản phẩm thủy sản chính của tỉnh, tiếp tục có những bước tiến vững chắc. Kết quả thả nuôi cả năm ước đạt 54.600 ha, vượt 7,06% kế hoạch, tăng 3,02% so với năm trước. Trong đó, tôm thẻ chân trắng khoảng 41.416 ha, chiếm 75,9% diện tích thả nuôi và tôm sú 13.184 ha, chiếm 24,1% diện tích thả nuôi. Diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm 94,5%.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đánh giá, vụ nuôi tôm năm 2022 gặp khá nhiều khó khăn vì đầu vụ nuôi độ mặn thấp, các chi phí sản xuất đều tăng khiến người dân hạn chế thả nuôi, làm chậm tiến độ thả nuôi so với các tháng cùng kỳ.

“Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, vụ nuôi năm 2022 cơ bản thành công về kế hoạch diện tích, sản lượng và tỷ lệ thiệt hại được khống chế ở mức dưới 5,5%. Đây là tín hiệu khả quan, chứng tỏ công tác chỉ đạo sản xuất và phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả. Ngoài ra, người dân đã bước đầu bố trí thả nuôi theo mô hình cuốn chiếu, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiến bộ, chú trọng công nghệ, nâng cao năng suất, an toàn thực phẩm”, ông Nhã nói.


Người dân thu hoạch tôm thẻ tại TX. Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ảnh: nongnghiep.vn

Ở thị xã Vĩnh Châu, địa bàn nuôi tôm lớn bậc nhất niên vụ 2022 tại tỉnh Sóc Trăng, nhiều nông dân đã vươn mình trở thành tỷ phú nhờ mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Với 6 ha diện tích đất đầu tư nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, ông Tăng Văn Xúa, ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông cho biết, do có nguồn nước lợ nên Sóc Trăng có thế mạnh sẵn có để phát triển nuôi tôm. Tuy nhiên, những năm trước, nuôi tôm trong ao đất, không kiểm soát được dinh dưỡng, dịch bệnh cũng như chất lượng nước nên không “trúng”.

Từ năm 2016, được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, ông Xúa bố trí lại diện tích ao nuôi. Nếu như trước, 1 ha đất ông dành tới 8.000 m2 để nuôi tôm, thì nay diện tích sử dụng không quá 2.000 m2. Phần còn lại, ông sử dụng làm ao ương và ao xử lý nước. Tuy diện tích nuôi giảm, nhưng cách làm này giúp gia đình ông có thể thả tôm với mật độ dày đặc, gấp hơn 3 lần so với thả nuôi theo cách truyền thống. Do đó, ông vừa đảm bảo được số lượng con giống thả mỗi vụ, vừa có thể nuôi theo lứa, đến cỡ lớn 25-30 con/kg.

Ông Xúa nhẩm tính, nếu mưa thuận gió hòa, sau khoảng 3 tháng trở ra, tính từ lúc thả tôm giống, là các ao có thể thu hoạch. Trừ chi phí đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu đồng/ao và chi phí vật tư, máy móc, thức ăn, con giống, một năm ông thả nuôi đều đặn 3 vụ, mỗi vụ có thể thu lợi đến 1 tỷ đồng.

Để có thể nuôi siêu thâm canh như vậy, nguồn nước được ông Xúa cho tuần hoàn liên tục, từ ao lắng qua ao nuôi, rồi được bơm lại vào ao chứa nước thải, rồi lọc trở lại ao lắng. Ông cũng chú trọng, thả cả rô phi khoảng một tháng trong các ao lắng, sau khi bơm nước trực tiếp từ sông, hồ về, giúp ổn định môi trường nước và hạn chế sự phát tán của các sinh vật gây bệnh từ bên ngoài.

Bảo Thắng

Nông Nghiệp Việt Nam

Tin mới nhất

T5,18/04/2024