Dạo quanh thị trường tôm trên thế giới

[Người Nuôi Tôm] – Trong thời gian vừa qua, thị trường xuất khẩu tôm trên thế giới đã có nhiều biến động. Dự báo khan hiếm nguồn tôm nguyên liệu cho 6 tháng cuối năm 2021.

 Trung Quốc: Nhập khẩu tôm nước ấm giảm

Theo cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong tháng 4/2021, nhập khẩu tôm nước ấm của nước này đạt 43 nghìn tấn, trị giá 240 triệu USD, giảm 19% về lượng và giảm 21% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái; giá nhập khẩu trung bình giảm 0,11 USD/kg so với tháng 4/2020, xuống còn 5,53 USD/kg.

Tháng 4/2021, nhập khẩu tôm nước ấm của Trung Quốc từ hầu hết các thị trường cung cấp giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong khi nhập khẩu từ Ấn Độ tăng.

Tháng 4/2021, mặc dù giảm 30% nhưng Ê-cu-a-đo vẫn là thị trường cung cấp tôm nước ấm lớn nhất cho Trung Quốc, đạt 26,1 nghìn tấn; Ấn Độ là thị trường cung cấp lớn thứ 2, đạt 8,5 nghìn tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu do tháng 4/2020 xuất khẩu tôm nước ấm của Ấn Độ bị gián đoạn do đợt phong tỏa phòng Covid-19 của nước này.

Thái Lan là thị trường cung cấp tôm nước ấm lớn thứ 3 cho Trung Quốc trong tháng 4/2021, đạt 1,5 nghìn tấn, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 1,4 nghìn tấn, giảm 55%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu tôm nước ấm của Trung Quốc đạt 178 nghìn tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2020.

(Ảnh minh họa)

Anh: Giá tôm nước lạnh có xu hướng tăng

Việc mở cửa trở lại của một số ngành dịch vụ thực phẩm ở Anh khiến giá tôm nước lạnh trong tháng 4 và tháng 5/2021 tại nước này tăng, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong những tháng tiếp theo. Giá tôm tại Anh đã tăng trung bình 5% trong nửa cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2021 tùy loại do nhu cầu từ các ngành dịch vụ thực phẩm tăng.

 

Ê-cu-a-đo: Thị trường xuất khẩu biến động mạnh

Tháng 4/2021, xuất khẩu tôm của nước này đạt mức cao kỷ lục, đạt 75,87 nghìn tấn, trị giá 404 triệu USD, tăng 30,9% về lượng và tăng 27,4% về trị giá so với tháng 4/2020. Xuất khẩu tôm của Ê-cu-a-đo tăng mặc dù xuất khẩu tôm sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm, nhưng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và châu Âu tăng mạnh.

Theo đó, tháng 4/2021, xuất khẩu tôm của Ê-cu-a-đo sang thị trường Trung Quốc đạt 37,2 nghìn tấn, trị giá 193 triệu USD, giảm  21,4% về lượng và giảm 24,6% về trị giá so với tháng 4/2020. Về khối lượng, thị trường Trung Quốc vẫn chiếm 49% tổng xuất khẩu tôm của Ê-cu-a-đo, giảm mạnh so với mức 82% trong tháng 4/2020. Trong khi xuất khẩu tôm của Ê-cua-đo sang Hoa Kỳ tăng 352% về lượng và tăng 347% về trị giá so với tháng 4/2020, đạt 16,4 nghìn tấn, trị giá 92,2 triệu USD; tỷ trọng xuất khẩu tôm của Ê-cu-a-đo sang Hoa Kỳ tăng từ 6% trong tháng 4/2020, lên 22% trong tháng 4/2021.

Xuất khẩu tôm của Ê-cu-a-đo sang thị trường châu Âu tháng 4/2021 tăng 87,7% về lượng và tăng 70,2% về trị giá so với tháng 4/2020, đạt 31,66 nghìn tấn, trị giá 79,9 triệu USD.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm của Ê-cu-a-đo đạt 241,64 nghìn tấn, trị giá 1,26 tỷ USD, tăng 9,8% về lượng và tăng 2,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tôm của Ê-cu-a-đo sang thị trường Trung Quốc giảm 32% về lượng và giảm 39% về trị giá, đạt 94,3 nghìn tấn, trị giá 470 triệu USD; xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, lên 54,4 nghìn tấn, trị giá 300 triệu USD.

So sánh với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ tôm Ê-cu-a-đo xuất khẩu sang Trung Quốc giảm từ 64% xuống còn 39% 4 tháng đầu năm 2021; trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng từ 12%, lên 23%; tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường châu Âu tăng lên mức 23%, từ mức 19% của cùng kỳ năm 2020.

Giá tôm xuất khẩu của Ê-cu-a-đo tháng 4/2021 trung bình ở mức 2,42 USD/pao (tương đương 5,33 USD/kg), giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng ngành tôm của Ê-cu-a-đo đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua, từ 146 nghìn tấn năm 2010, lên 675,8 nghìn tấn vào năm 2020. Đây là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Ê-cu-a-đo sau dầu mỏ.

(Ảnh minh họa)

Thái Lan: Khởi động chiến dịch “Thailand Delivers with Safety”

Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế Thái Lan (DITP) đã khởi động một chiến dịch mới có tên gọi “Thailand Delivers with Safety” nhằm tăng thêm niềm tin của khách hàng quốc tế vào các sản phẩm cá ngừ và các sản phẩm khác của Thái Lan. Theo DITP, thị trường cá ngừ chế biến và đóng hộp năm 2021 dự kiến sẽ đạt 2,34 tỷ USD. Mặc dù đơn hàng xuất khẩu của Thái Lan giảm, nhưng DITP dự kiến xuất khẩu thực phẩm đông lạnh của Thái Lan năm 2021 sẽ tăng 2%, đạt 140,26 tỷ Bath(tương đ ương 4,5 tỷ USD).

Theo DITP, mặc dù Thái Lan có lợi thế cạnh tranh trong ngành cá ngừ, nhưng Chính phủ cần đảm bảo rằng đại dịch toàn cầu đang diễn ra không gây thiệt hại thêm cho ngành này. Do đó, DITP sẽ hợp tác với cả khối nhà nước và tư nhân để đảm bảo rằng nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà cung cấp nguyên liệu thô, cũng như các nhà khai thác dịch vụ logistic tuân thủ các biện pháp thực hành tốt nhất về phòng ngừa Covid-19 trong mọi quy trình sản xuất sản phẩm thực phẩm. Các nhà máy sản xuất cá ngừ đóng hộp của nước này đã tuân thủ quy trình nghiêm ngặt về việc phòng ngừa virus corona từ năm 2020.

Theo chương trình Giao hàng An toàn của Thái Lan, các nhà sản xuất và vận chuyển sản phẩm phải tuân thủ các quy định sau:

– Nỗ lực giảm nguy cơ nhiễm bẩn từ các thành phần và bao gói.

– Các nhà sản xuất phải thực hiện kiểm soát chất lượng và an toàn nghiêm ngặt toàn bộ dây truyền sản xuất, việc tiếp nhận nguyên liệu từ tàu và cầu tàu, lưu trữ trong phòng ướp lạnh, chế biến, đóng gói, làm sạch và khử trùng bên trong các container vận chuyển.

– Giám sát vệ sinh cá nhân và môi trường làm việc cũng như các tòa nhà sản xuất. Làm sạch và khử trùng: các nhà sản xuất phải ưu tiên vệ sinh, làm sạch và khử trùng nghiêm ngặt máy móc, phân xưởng sản xuất, sàn nhà, tường, cũng như các khu vực chung dễ tiếp xúc với tần suất thích hợp.

– Giám sát vệ sinh cá nhân của công nhân trước khi vào nhà máy. Cũng như, công nhân sẽ được đào tạo để bảo vệ mình khỏi Covid-19 để ngăn chặn đúng cách bất kỳ sự lây nhiễm nào trong quá trình vận hành. Thái Lan đặt mục tiêu giảm rủi ro ngoại hối, tạo ra nhiều sản phẩm GTGT để mở rộng thị trường, cũng như tối đa hóa phụ phẩm từ ngành chế biến cá ngừ để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

 

Dự báo thiếu hụt nguồn cung tôm toàn cầu trong 6 tháng cuối năm

Tại hội thảo “Triển vọng thị trường tôm nuôi thế giới” do Undercurrentnews tổ chức trực tuyến, các chuyên gia dự báo thị trường tôm toàn cầu có thể sẽ thiếu nguồn cung trong 6 tháng cuối năm 2021.

Nguồn cung tôm có thể thiếu hụt do dịch Covid ảnh hưởng đến sản lượng tôm của các nước nuôi tôm chính, trong khi tình hình vận tải hàng hóa vẫn bất ổn và nhu cầu tiêu thụ trong mùa hè dự kiến sẽ tăng mạnh khi ngành dịch vụ thực phẩm phục hồi.

Hoa Kỳ và các nước châu Âu mở cửa dịch vụ ăn uống khiến nhiều nhà nhập khẩu bắt đầu tăng dự trữ hàng với dự đoán rằng hoạt động kinh doanh sẽ hồi phục. Trong khi đó, dịch Covid-19 ở Ấn Độ khiến nhiều nhà máy chế biến tôm ở nước này làm việc với công suất dưới một nửa. Vấn đề logistics cũng sẽ tiếp tục khó khăn với tình trạng tắc nghẽn khi vào các cảng, kho lạnh và thiếu container. Một số tuyến vận chuyển hàng hóa tăng giá từ 8.000 USD/container lên 16.000 USD/ container. Vấn đề này sẽ kéo dài đến cuối năm 2021, không thể giải quyết trong vài tháng tới, thậm chí có thể khó khăn hơn nữa trong mùa hè khi nhu cầu từ Hoa Kỳ, Ca-na-đa và EU tăng.

Phạm Huệ