Công tác thú y thủy sản: Quyết định thành, bại của vụ nuôi

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Tỷ lệ thành công trong nuôi tôm ở nước ta được đánh giá ở mức thấp, chưa đến 40%. Nguyên nhân chính là do thiệt hại từ dịch bệnh. Vai trò của công tác thú y trong thủy sản là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành hay bại của vụ nuôi.

Tỷ lệ nuôi tôm thành công chỉ khoảng 40%

Tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam chỉ dưới 40%. Con số này thấp hơn nhiều so với một số nước đối thủ như Thái Lan (55%), Ấn Độ (48%). Thậm chí, tỷ lệ nuôi của Thái Lan có thời điểm ở mức trên 80%.

Trả lời phỏng vấn tại một diễn đàn Nông nghiệp, GS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh, Giảng viên Cao cấp Trường Thủy sản, Đại học Cần Thơ, nhận định: “Ở Việt Nam, người nuôi đang gặp phải vấn đề về mật độ nuôi, họ thường thả nuôi với mật độ rất cao. Vì vậy, khi tôm bị nhiễm bệnh, khả năng lây lan rất nhanh và rất khó xử lý. Nuôi mật độ cao còn khiến tích tụ nhiều thức ăn thừa, xác động vật, vật chất hữu cơ dưới đáy ao, tạo môi trường tốt cho dịch bệnh phát triển”.

Năm 2022, có hiện tượng là các vùng nuôi tôm tại Việt Nam nói chung và ở khu vực ĐBSCL nói riêng, tôm nuôi nhiễm một loại bệnh do Vi bào tử trùng (EHP). Bệnh này không làm chết tôm, nhưng lại khiến tôm nuôi không lớn hoặc lớn chậm, dẫn tới sản lượng thu hoạch thấp. Ngoài EHP, tôm nuôi còn bị cộng nhiễm một số loại bệnh khác dẫn tới nguyên nhân tỷ lệ thành công thấp.

Hiện tại, chưa có một quy trình nuôi tôm cụ thể, bài bản nào cố định mà cần dựa trên từng vùng nuôi, quy trình nuôi và mô hình nuôi. Cho nên, người nuôi tôm cần đặt quy trình an toàn sinh học lên hàng đầu. Trên thế giới chưa có vaccine để chủ động phòng bệnh cho tôm, nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu phải dựa vào những biện pháp an toàn sinh học và quản lý ao nuôi.

Theo ông Lâm Thành Lâm, Phó Giám đốc HTX Thủy sản Hưng Phú, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng: “Hiện nay, công tác điều trị nhiều bệnh trên tôm còn hạn chế, chủ yếu là phương pháp phòng bệnh như tuân thủ lịch thời vụ, chọn lựa nguồn giống chất lượng, quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường sẽ giúp người nuôi hạn chế phần nào rủi ro”.

Người nuôi tôm ứng phó cùng lúc nhiều dịch bệnh

Theo tổng kết từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), giai đoạn 2016 – 2020, diện tích thiệt hại của ngành thủy sản hàng năm khoảng 45.000ha với giá trị khoảng 3.000 tỷ/năm. Lí do là vì dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và xâm ngập mặn, biến đổi khí hậu.

Trong năm 2022, tổng diện tích tôm nuôi bị dịch hại trên 23,4 nghìn ha, tại 21 tỉnh, thành phố, tăng 15,5% so với năm 2021. Trong đó, diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại nhiều nhất, chiếm trên 8.500ha tổng diện tích thiệt hại.

Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước có hơn 1.600ha tôm nuôi tại 6 tỉnh bị thiệt hại (giảm 78% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng diện tích xác định được bệnh khoảng 688ha, nhiều nhất tại các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng…

Theo ghi nhận của ngành Thú y, tôm nuôi bị các bệnh phổ biến như Hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh Đốm trắng (WSD), bệnh Hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHND), bệnh do Vi bào tử trùng (EHP), bệnh Phân trắng…

Theo ông Tiền Ngọc Tiên, Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y vùng VII cho biết, những năm gần đây, tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, nước mặn đến trễ hơn… đã làm ảnh hưởng tới tôm nuôi. Các tác nhân gây bệnh như Đốm trắng, Hoại tử gan tụy cấp, Hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu vẫn còn lưu hành tại các vùng nuôi. “Đầu năm 2023, đã xảy ra một số loại dịch bệnh trên tôm, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi thời gian tới là rất cao”, ông Tiên nhận định.

Kết quả giám sát chủ động cho thấy tại 5 vùng nuôi tôm trọng điểm như Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh, trong năm 2022 phát hiện hơn 1.500/17.000 mẫu có dương tính với các bệnh như Hoại tử gan tụy cấp, Đốm trắng, Hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu, EHP. Tỷ lệ này chiếm 8,9%. Như vậy, có thể thấy có một số loại dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành trong vùng thời gian gần đây.

Đặc biệt, với hai bệnh cố hữu là bệnh Đốm trắng và Hoại tử gan tụy cấp. Hai bệnh này thường xuất hiện hơi nghịch mùa với nhau. Bệnh Đốm trắng thường xuất hiện nhiều khi nhiệt độ xuống thấp, còn Hoại tử gan tụy cấp lại dễ xuất hiện ở môi trường có nhiệt độ cao. Ở thời điểm hiện nay, đặc biệt là thời điểm giao mùa, khả năng bộc phát một trong hai loại bệnh nguy hiểm này là rất cao. Bên cạnh đó, trong nuôi tôm thường ít khi xuất hiện 1 loại dịch bệnh, mà sẽ diễn biến nhiều loại bệnh cùng lúc. Cộng thêm yếu tố từ thời tiết, môi trường làm cho bệnh dễ dàng bùng phát, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.

Khi môi trường biến động, hoặc cơ thể tôm suy yếu, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao. Việc tăng cường sức đề kháng cho tôm là giải pháp phòng ngừa cần thiết.

Giám sát chặt chẽ ngành tôm

Hiện nay, đối với dịch bệnh trên tôm cần nắm bắt về đặc điểm dịch tễ, đường di chuyển, đặc biệt là cần tìm giải pháp để phòng ngừa sinh học, đánh giá đúng thực trạng và đưa ra các giải pháp gắn với thực tế của môi trường Theo bà Bùi Thị Huỳnh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Việt Đức, trong vấn đề nuôi tôm, sử dụng con giống, xả thải, mỗi người nuôi đều phải có trách nhiệm. Trách nhiệm lớn nhất nằm ở các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y, thủy sản nói chung. Chúng ta nên có trách nhiệm trong việc làm của mình. “Luật Thủy sản năm 2017 đã có quy định chi tiết về trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của người nuôi thủy sản. Do đó, mỗi cá nhân người nuôi, doanh nghiệp cần nỗ lực làm tốt hơn để phát triển ngành thủy sản bền vững hơn”, bà Hoa cho hay.

Để khắc phục thiệt hại do dịch bệnh, cần quản lý chặt chẽ chất lượng con giống. Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với các địa phương thực hiện kiểm dịch chặt chẽ tôm giống xuất và nhập. Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh và tìm hiểu quy định quốc tế để hỗ trợ cho các cơ sở phòng, chống dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra thực tế và phản ánh của người nuôi tôm, công tác phòng chống dịch và báo cáo dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều tồn tại, bất cập, đặc biệt là số liệu về thiệt hại, dịch bệnh chưa sát với thực tế, có thể cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo. Trước tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành của địa phương, chấn chỉnh công tác phòng chống dịch động vật thủy sản, thống kê, báo cáo dịch bệnh thủy sản.

Ngoài ra, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác thú y, các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hướng dẫn chuyên môn của Cục Thú y trong công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, đặc biệt là việc kiểm soát nguồn gốc con giống và kiểm dịch con giống, sử dụng kháng sinh có trách nhiệm; tuân thủ mùa vụ thả nuôi và quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thủy sản để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Phạm Huệ

“Khối chăn nuôi và thủy sản hiện chiếm 49,45% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Nếu không có sự phát triển của chăn nuôi và thủy sản, chắc chắn tăng trưởng nông nghiệp không thể đạt được mục tiêu đề ra. Thủy sản và chăn nuôi muốn phát triển bền vững thì công tác thú y phải là biện pháp hàng đầu. Có thể thấy vai trò rất quan trọng của công tác thú y trong môi trường thủy sản”.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị Phòng, chống Dịch bệnh Thủy sản khu vực phía Bắc năm 2021.

Tin mới nhất

CN,13/10/2024