Cắt cuống mắt tôm: Tác động tiêu cực tới sức khỏe và phúc lợi động vật

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Cắt cuống mắt tôm là một phương pháp phổ biến trong sản xuất các loài giáp xác mười chân. Phương pháp này bao gồm loại bỏ một hoặc hơn một cuống mắt của con vật bằng cách dập, cắt, đốt, hoặc thắt chặt bằng dây. Cắt cuống mắt kích thích đẻ trứng và rút ngắn thời gian thành thục sinh dục. Tuy nhiên, phương pháp này tác động tiêu cực đến sức khỏe và phúc lợi của tôm bố mẹ và tôm giống. Đồng thời, cắt cuống mắt cũng ảnh hưởng đến chất lượng và khả năng sống sót của tôm nuôi dẫn tới giảm năng suất và lợi nhuận của người nuôi.

Cắt cuống mắt và phúc lợi động vật

Cần nhấn mạnh rằng giới khoa học đã công nhận các loài giáp xác mười chân (bao gồm tôm) là sinh vật có cảm giác. Khả năng có cảm giác nghĩa là con vật có thể cảm nhận đau đớn và khổ sở. Hiểu theo nghĩa khác, con vật có cả cảm giác tiêu cực và tích cực. Các nhà nghiên cứu đã khám phá rằng khi tôm sắp bị cắt cuống mắt, chúng cố gắng trốn chạy. Chúng giật đuôi và tự dụi vào vùng vết thương ở mắt. Khi vết thương được che kín hoặc dùng thuốc, tôm có biểu hiện bình tĩnh trở lại. Điều này cho thấy cắt cuống mắt gây đau đớn, khổ sở cho con vật. Bất cứ phương pháp nào trong sản xuất gây ra hoặc có khả năng gây ra đau đớn, sợ hãi, và/hoặc khổ sở cho con vật cần được hạn chế, thậm chí xóa bỏ. Làm được điều này sẽ cải thiện phúc lợi cho động vật.

Phức hệ cơ quan X tuyến xoang trong cuống mắt của các loài giáp xác sinh ra và chứa các nội tiết tố. Có một nội tiết tố đặc biệt gọi là nội tiết tố ức chế tuyến sinh dục (viết tắt là GIH) có chức năng kiểm soát các cơ quan sinh sản và thời điểm các cơ quan này trở nên thành thục. Nội tiết tố này cũng tác động đến thời điểm con cái đẻ trứng. Loại bỏ tuyến này đẩy nhanh quá trình thành thục sinh dục và khiến con vật đẻ trứng sớm hơn.

Một nội tiết tố khác bị tác động bởi cắt cuống mắt là nội tiết tố ức chế lột xác (viết tắt là MIH). Sau khi cắt cuống mắt, quá trình lột xác bị kích thích. Lột xác tiêu tốn rất nhiều năng lượng của con vật. Chúng sẽ trở nên mệt mỏi và căng thẳng. Con vật sẽ khó sinh sản hơn, đặc biệt trong các môi trường nuôi thâm canh. Tôm mới lột xác có cơ thể rất mềm. Các con tôm khác có thể ăn con mới lột xác vì chúng không thể tự bảo vệ khi không có lớp vỏ cứng. Các nội tiết tố quan trọng khác không thể tiết ra hoàn toàn, gây ra các vấn đề về sức khỏe tôm liên quan đến nội tiết tố. Điều này khiến tỉ lệ sống của tôm bố mẹ giảm xuống, số lượng và chất lượng của tôm con giảm, đề kháng yếu, khả năng sinh sản cạn kiệt, giảm trọng lượng và căng thẳng.

Các nghiên cứu về động vật bố mẹ với một hoặc hai bên cơ thể bị cắt bỏ cho thấy những khác biệt lớn về tỉ lệ chết. Động vật bị cắt bỏ cả hai bên cơ thể có tỉ lệ chết cao hơn.

Chúng ta cần thêm những nghiên cứu khoa học về đề tài này, tuy nhiên các nghiên cứu đến nay cho thấy tôm con sinh ra bởi những con tôm mẹ bị cắt cuống mắt có khả năng chịu đựng căng thẳng kém hơn. Chúng cũng dễ bị nhiễm bệnh hơn. Trong thủy sản, đã có nhiều yếu tố có thể gây căng thẳng cho vật nuôi, bao gồm cách xử lý con vật, không gian nuôi nhốt đông đúc, mật độ nuôi cao và chất lượng nước nuôi thấp. Cắt cuống mắt sẽ góp phần khiến điều kiện phúc lợi của các con vật này trở nên tồi tệ hơn.

Hình ảnh giải phẫu cuống mắt trái của loài tôm hồng (tên khoa học: Pandalits borculis), chỉ ra vị trí của tuyến xoang (SG) và cơ quan X (SPX) – Hình ảnh từ trang 90 của tạp chí “The Biological bulletin”, số 122

Ảnh hưởng đến kết quả năng suất

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng con vật không bị cắt cuống mắt có thể đạt năng suất tương đương con bị cắt cuống mắt. Điều này vẫn đúng trong trường hợp tôm được nuôi trong điều kiện thâm canh. Tôm con đạt tăng trưởng tương đương, và thậm chí còn chống chịu căng thẳng tốt hơn các con sinh ra từ tôm mẹ bị cắt cuống mắt. Một số nghiên cứu khác cho thấy con cái không bị cắt cuống mắt đẻ nhiều trứng hơn (hơn 20%) và ấu trùng Nauplius (hơn 16%) mỗi ngày so với con cái bị cắt cuống mắt. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh không có khác biệt lớn về tỉ lệ nở trứng sinh bởi tôm cái bị cắt và không bị cắt cuống mắt.

Bằng chứng cho thấy có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến năng suất, bao gồm điều kiện môi trường trong quá trình đẻ trứng, dao động trong tỉ lệ thụ tinh, và sức khỏe của con vật nói chung. Cắt cuống mắt không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến năng suất.

Các con vật bị cắt cuống mắt có tỉ lệ giao vĩ thành công cao hơn và đẻ trứng thường xuyên hơn. Tuy nhiên, điều này có giá của nó. Trong dài hạn, các con vật này có tỉ lệ chết tăng gấp đôi và năng suất sinh sản giảm.

Tôm con sinh ra từ tôm bố mẹ không bị cắt cuống mắt có sức khỏe tốt hơn. Chúng có tỉ lệ sống sót cao hơn khi bị ảnh hưởng bởi các bệnh tôm phổ biến như EMS (Hội chứng tôm chết sớm) và bệnh đốm trắng gây ra do virus (WSSV).

Sử dụng tôm bố mẹ không bị cắt cuống mắt có nhiều lợi ích: tỉ lệ chết thấp hơn trong tôm bố mẹ, phúc lợi động vật tốt hơn, năng suất cao hơn trong dài hạn, và ít thua lỗ hơn cho người nuôi.

Rõ ràng, cắt cuống mắt tôm bố mẹ không mang lại ưu thế dài hạn đáng kể. Người nuôi nên thay thế phương pháp này bằng cách sử dụng tôm bố mẹ không bị cắt cuống mắt. Các trại giống có thể điều chỉnh các yếu tố khác trong quá trình sản xuất để bù lại tỉ lệ giao vĩ thấp hơn của con vật không bị cắt cuống mắt.

Hướng đi tương lai

Người nuôi nên cân nhắc sử dụng phương pháp sản xuất con giống vòng khép kín như một phương pháp thay thế có lợi thay cho cắt cuống mắt. Với phương pháp này, người nuôi gây giống trên các lứa con vật kế tiếp có chất lượng cao, thay vì phải phụ thuộc vào con vật bố mẹ đánh bắt từ tự nhiên để thay thế các con đã chết.

Tuy nhiên, việc đảm bảo phục lợi động vật trong quá trình gây giống vòng khép kín rất quan trọng. Con vật bố mẹ chỉ nên được sử dụng trong một số lượng thế hệ hạn chế. Để đạt được năng suất tương tự hoặc cao hơn mà không cắt cuống mắt tôm, người nuôi nên tập trung vào các vấn đề sau: cung cấp dinh dưỡng chất lượng tốt cho con vật bố mẹ trong quá trình tiền sinh sản; duy trì tỉ lệ giới tính tôm đực: tôm cái ở mức 1:2 thay vì 1:1; và tạo điều kiện môi trường tối ưu.

Nhu cầu về dinh dưỡng, hành vi tập tính, sức khỏe, môi trường, và tinh thần của con vật rất quan trọng. Người nuôi nên ưu tiên các yếu tố này, dù họ có sử dụng con vật bị cắt hay không cắt cuống mắt.

 Kết luận

Cắt cuống mắt dường như là một giải pháp đơn giản để tăng năng suất. Tuy nhiên, như chúng tôi đã thảo luận, thực tế không phải như vậy. Đã có các bằng chứng về tác hại của phương pháp này đối với tôm và ảnh hưởng tiêu cực của nó tới số lượng và chất lượng tôm con. Các phương pháp không cắt mắt có thể đem lại hiệu quả tương đương, thậm chí mang đến những ưu thế lớn hơn cho người nuôi.

Người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn đến các thực hành tốt về phúc lợi động vật trong nuôi tôm và thủy sản nói chung. Do đó, nếu ngành tôm dịch chuyển theo hướng xóa bỏ cắt cuống mắt, người nuôi sẽ có lợi ích tốt nhất. Điều này cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và yêu cầu khắt khe của các tổ chức cấp chứng chỉ và luật pháp về phúc lợi động vật tại các thị trường xuất khẩu.

Các nghiên cứu và sáng kiến tiếp tục hé mở các phát hiện mới về vấn đề này. Người nuôi có thể sử dụng các dữ liệu, kiến thức mới này để cải thiện phương pháp nuôi tôm. Làm được điều này sẽ giúp đảm bảo phúc lợi động vật mà không ảnh hưởng tới năng suất.

Shrimp Welfare Project

Shrimp Welfare Project khuyến nghị sử dụng nguồn con giống được sản xuất theo quy trình không cắt cuống mắt, và tránh các nguồn con giống sinh ra từ tôm bố mẹ bị cắt cuống mắt. Nhiều cơ sở sản xuất giống tại các nước Brazil, Colombia, Ecuador, Mexico và Thái Lan đã ngừng sử dụng phương pháp này và dịch chuyển thành công sang các phương pháp không cắt cuống mắt.