Cần quản lý chặt nguồn giống, thức ăn trong nuôi biển

Tại hội thảo phát triển giống và thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển do Cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng cần phải quản lý chặt chẽ việc sản xuất giống và thức ăn phục vụ nuôi biển nhằm phát triển bền vững nghề nuôi biển.

Chưa chủ động hoàn toàn về con giống, thức ăn

Khánh Hòa là một trong những địa phương đi đầu về phát triển nuôi biển của cả nước. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 65.000 lồng nuôi tôm hùm, với sản lượng trung bình mỗi năm hơn 1.300 tấn. Bên cạnh đó, các loại cá biển như: Cá chẽm, cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng… cũng được nuôi nhiều tại các vịnh, đầm với gần 9.800 lồng, tổng sản lượng mỗi năm khoảng 8.000 tấn. Ngoài ra, các đối tượng nuôi như: Cua biển, hàu Thái Bình Dương, tu hài, rong biển đang góp phần giúp người dân ven biển cải thiện thu nhập.

Nuôi biển ứng dụng công nghệ cao, quy mô công nghiệp tại Công ty TNHH Thủy sản Autralis Việt Nam.

Theo ông Lê Văn Hoan – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nuôi biển của tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn khi người dân chủ yếu nuôi bằng lồng bè truyền thống, hầu hết sử dụng thức ăn tươi; chưa chủ động được con giống một số đối tượng nuôi chủ lực, nhất là tôm hùm. Bên cạnh đó, việc sản xuất và cung cấp thức ăn công nghiệp cho từng đối tượng nuôi, từng giai đoạn phát triển còn hạn chế… dẫn đến nhiều rủi ro về ô nhiễm môi trường nuôi, dịch bệnh, tính ổn định trong đầu tư, phát triển ngành nuôi biển.

Đối với sản xuất giống, Khánh Hòa là một trong những địa phương có số lượng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản lớn khu vực miền Trung. 6 tháng đầu năm nay, 221 cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh đã sản xuất, cung ứng hơn 2,1 tỷ con giống các loại cho các vùng nuôi trong và ngoài tỉnh. Đối tượng giống thủy sản sản xuất khá đa dạng gồm: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương, cá biển, tu hài, cua, hải sâm… Tuy nhiên, đến nay, các cơ sở vẫn chưa chủ động hoàn toàn về con giống sản xuất nhân tạo, chẳng hạn như tôm hùm, một số loài cá biển, rong biển. Con giống sản xuất cũng chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất giống thủy sản chưa được đầu tư tương xứng, chủ yếu quy mô nhỏ; chỉ mới có 141 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản…

Về việc sử dụng thức ăn trong nuôi biển, người dân chủ yếu sử dụng thức ăn tươi gồm cá tạp, giáp xác nhỏ và các loại động vật thân mềm như sò, vẹm; chỉ một số doanh nghiệp, cơ sở đầu tư nuôi cá biển theo hình thức lồng nhựa HDPE sử dụng thức ăn công nghiệp. “Việc sử dụng thức ăn tươi không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ mà còn để lại hệ lụy lớn về môi trường vùng nuôi. Do đó, cần có giải pháp để khắc phục, chủ động được nguồn thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi biển. Cần có nghiên cứu để thức ăn công nghiệp thay thế cho thức ăn tươi, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của từng đối tượng nuôi”, ông Võ Khắc Én – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản chia sẻ.

Quản lý chặt nguồn giống và thức ăn

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, giống và thức ăn chiếm hơn 80% giá thành trong nuôi biển thương phẩm. Đây là 2 yếu tố quan trọng để phát triển nuôi biển. Do đó, cần quản lý giống và thức ăn phục vụ nuôi biển một cách chặt chẽ để phát triển bền vững nghề nuôi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để đầu ra con giống chất lượng, việc quản lý, chọn giống bố mẹ phải đặt lên hàng đầu. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường giám sát chặt chẽ đàn giống bố mẹ; phải có quy định cụ thể và quản lý chặt về điều kiện cơ sở sản xuất giống. Ngoài ra, tỉnh cần tập trung chọn con giống chủ lực để sản xuất bài bản, đồng thời tổ chức thực hiện theo chuỗi để nâng giá trị ngành hàng và phát triển nuôi biển bền vững.

Trong định hướng phát triển sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển, tỉnh định hướng cho các đơn vị nghiên cứu quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho một số đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao; kêu gọi, thu hút đầu tư để phát triển sản xuất thức ăn công nghiệp trong nuôi biển; khuyến khích các cơ sở nuôi biển hướng đến sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, hạn chế và loại bỏ dần việc sử dụng thức ăn tươi trong nuôi biển…

Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng, trong thời gian tới, các địa phương cần rà soát, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống, thức ăn phục vụ nuôi biển. Nhu cầu về con giống và thức ăn phục vụ nuôi biển rất lớn, do đó cần có sự liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp cung ứng. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng bán phá giá và duy trì ổn định thị trường. Cục Thủy sản sẽ rà soát việc nuôi đàn bố mẹ, ương dưỡng con giống, thành lập các chuỗi cung ứng nhằm cung cấp con giống, thức ăn chất lượng phục vụ nuôi biển; đồng thời, tăng cường giám sát chất lượng con giống và thức ăn cho thủy sản.

HẢI LĂNG

Nguồn: Baokhanhhoa.vn

Tin mới nhất

T7,27/04/2024