Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Trong nuôi tôm thẻ chân trắng, ngoài các yếu tố về dinh dưỡng, môi trường và dịch bệnh thì quá trình tôm lột xác diễn ra trong suốt quá trình nuôi, đóng vai trò quan trọng cho một mùa vụ thành công. Để làm được điều đó, người nuôi cần nắm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ lột xác của tôm nuôi.

 

Tiến trình lột xác của tôm trải qua một số giai đoạn chính là tiền lột xác, lột xác, hậu lột xác, giữa chu kỳ lột xác, với những diễn biến bao gồm (i) sự kết dính giữa biểu mô và vỏ tôm bị lỏng lẻo ra, (ii) cơ thể nhanh chóng rút ra khỏi vỏ cũ, (iii) cơ thể hấp thụ nước để nở rộng vỏ và lớn nhanh; (iv) cơ thể cứng cáp lại nhờ chất khoáng và đạm.

 

Chu kì lột xác và trưởng thành của tôm

Kích cỡ (g) Chu kỳ – tôm sú (ngày) Chu kỳ – tôm CX (ngày)
Tôm post Hàng ngày Hàng ngày
2-3 8-9 8-9
3-5 9-10 9-12
5-10 10-11 12-14
10-15 11-12 15-17
15-20 12-13 17-19
20-40 14-15 21-23
Tôm cái > 50 18-21 22-42
Tôm đực >50 23-30 30-50

 

Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lột xác

Ánh sáng, nhiệt độ, độ mặn, pH, oxy hòa tan… ảnh hưởng rất lớn đến quá trình lột xác của tôm. Nếu quản lý các yếu tố này không tốt có thể khiến tôm chậm lột xác hoặc không lột xác được.

Ánh sáng: Cường độ chiếu sáng và thời gian chiếu sáng đều ảnh hưởng đến quá trình lột xác. Khi hạn chế thời gian chiếu sáng sẽ ức chế hoạt động lột xác của tôm, ngược lại nếu kéo dài thời gian chiếu sáng hơn bình thường sẽ rút ngắn quá trình lột xác.

Nhiệt độ: Ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến quá trình lột xác. Nhiệt độ thấp hơn 14 – 180C tùy loài, sự lột xác bị ức chế. Nhiệt độ cao trong khoảng thích hợp, tôm tăng cường trao đổi chất, tích lũy dinh dưỡng, chuẩn bị đầy đủ cho quá trình lột xác xảy ra.

Độ mặn: Độ mặn liên quan đến hàm lượng khoáng chất trong ao, độ mặt cao lượng khoáng chất trong ao lớn sẽ giúp quá trình lột xác dễ ràng và nhanh cứng vỏ, ao thiếu khoáng sẽ làm tôm khó lột và bị mềm vỏ. Trong sản xuất giống nhân tạo, kinh nghiệm cho thấy khi nuôi ấu trùng tôm ở độ mặn 28 – 30ppt ấu trùng tôm lột xác chuyển giai đoạn nhanh và đồng loạt. Nuôi tôm thịt ở độ mặn 5 – 25ppt tôm lột xác và sinh trưởng nhanh.

Các yếu tố, điều kiện môi trường khác:

+ Oxy hòa tan: nhu cầu oxy hòa tan của tôm cao gấp đôi nên khi thấy tôm có dấu hiệu chuẩn bị lột xác cần tăng cường quạt nước, sục khí để bổ sung hàm lượng oxy hòa tan. Duy trì hàm lượng oxy hòa tan trong khoảng 4 – 6mg/l trong suốt quá trình lột xác của tôm.

+ pH trong ao thích hợp nhất dể tôm lột xác 7,5 – 8,0, ngoài ra, hàm lượng NO3, NO2, NH4, độ cứng đều có ảnh hưởng đến sự lột xác. Việc bón vôi thường xuyên ở các ao nuôi ít thay nước sẽ làm tăng độ cứng của nước làm cản trở sự lột xác của tôm.

Do sự điều tiết của cơ quan X – tuyến nút tôm đang thời kì thành thục sinh dục không lột xác.

Chu kỳ lột xác có liên quan đến chu kỳ thủy triều. Thường thường đầu chu kỳ thủy triều mới tôm lột xác rộ. Trong ao nuôi tôm thường lột xác khi được thay nước.

Chế độ dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tôm khó lột xác. Tôm thiếu dinh dưỡng sẽ không đủ chất để làm đầy vỏ nên vỏ không bị nứt ra để lột xác. Để tôm lột xác tốt cần cho tôm ăn đủ lượng thức ăn có hàm lượng đạm tổng số 32 – 45%.

Do hiện tượng tôm bị bệnh: Trong quá trình nuôi tôm bị mắc một số bệnh như nấm, đóng rong, tôm còi…cũng khiến tôm chậm lột xác hoặc không lột vỏ. Vì vậy, cần có các biện pháp quản lý môi trường nước, phòng bệnh tổng hợp tạo điều kiện tốt nhất giúp tôm lột xác.

Ngọc Anh

Tin mới nhất

T7,20/04/2024